Người dân huyện Hương Sơn tham gia tập huấn về Đề án 1002.
Công việc đồng áng bận rộn song đến khóa tập huấn về Đề án 1002 - “Nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng”, người dân xã Sơn Diệm (Hương Sơn) đều hào hứng tham gia.
Với họ, những nội dung được truyền tải tại khóa tập huấn sẽ làm dày thêm kinh nghiệm trong công tác phòng chống, ứng phó giữa mảnh đất mà thiên tai luôn “ghé thăm”. Ông Nguyễn Xuân Phong (thôn 2, xã Sơn Diệm) cho hay: “Cách giằng néo nhà cửa thế nào, cất giữ lương thực - thực phẩm ra sao, làm gì để bảo vệ tính mạng - tài sản đều được cán bộ chuyên môn hướng dẫn tận tình. Do vậy, mỗi khi đối diện với thiên tai, bão lũ, chúng tôi cũng bớt bị động”.
Nhiều thông tin hữu ích về phòng chống thiên tai đã được tuyên truyền đến người dân vùng thường xuyên bị ảnh hưởng.
Không chỉ Sơn Diệm mà người dân vùng ngoài đê Liên Minh (Đức Thọ) cũng rất phấn khởi khi được trải nghiệm về Đề án 1002. Ông Nguyễn Quốc Hoạt - Chủ tịch UBND xã Liên Minh cho biết: “Là địa bàn luôn xảy ra ngập lụt nên những kinh nghiệm mà ngành chuyên môn chuyển tải không những giúp người dân chủ động trong cách phòng chống mà còn giúp cán bộ cấp thôn, xã có nhiều kinh nghiệm hơn trong việc chỉ đạo, điều hành khi thiên tai xảy ra”.
Thực tế cho thấy, tập huấn Đề án 1002 là việc làm thiết thực giúp nâng cao năng lực ứng phó thiên tai trong cộng đồng dân cư và phát huy hiệu quả rõ nét. Năm 2019, Hà Tĩnh đã tổ chức tập huấn nâng cao năng lực phòng, chống thiên tai cho trên 2000 học viên là cán bộ cốt cán thôn, xã, lực lượng xung kích phòng chống thiên tai và người dân vùng nguy cơ cao ảnh hưởng của thiên tai.
Xác định tuyên truyền là mấu chốt, ngoài Đề án 1002, nhiều chương trình quan trọng được triển khai như: Hướng dẫn các địa phương xây dựng kế hoạch phòng chống thiên tai cấp xã; in ấn pano tuyên truyền kiến thức phòng chống thiên tai. Tiếp tục quản lý, vận hành hệ thống đo mưa tự động và hệ thống tin nhắn truyền tin thiên tai để phục vụ công tác chỉ huy điều hành trong công tác phòng, chống thiên tai.
Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ lợi Hà Tĩnh Ngô Đức Hợi phát biểu chỉ đạo cuộc tập huấn Đề án 1002 tại xã Sơn Long, huyện Hương Sơn
Ông Ngô Đức Hợi - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi kiêm Chánh văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Hà Tĩnh nhấn mạnh: “Những năm gần đây, thiên tai diễn biến phức tạp, cực đoan, khó lường và khó dự báo; đặc biệt là bão mạnh, siêu bão, lũ quét, sạt lở đất, lũ lớn... có thể xẩy ra bất kỳ và không theo quy luật. Vì vậy, công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai và tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn được tỉnh ta đặc biệt coi trọng, nhất là vùng núi, vùng sâu, vùng xa và vùng ven biển.
Công tác tổ chức chỉ đạo, điều hành của của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh hết sức quyết liệt; nắm chắc diễn biến bão lũ, bám sát cơ sở, tập trung cao nhất mọi nguồn lực cho công tác ứng phó, khắc phục hậu quả với từng đợt thiên tai".
Nhà bị sập do bão số 10 năm 2017 (Ảnh tư liệu).
Trước mùa mưa bão 2019, Hà Tĩnh đã kiểm tra, đánh giá thực trạng trang thiết bị cứu hộ, cứu nạn; các công trình phòng chống thiên tai như đê điều, hồ đập; xây dựng, phê duyệt và tổ chức thực hiện các phương án trọng điểm phòng chống lụt, bão; chuẩn bị đầy đủ lương thực, thực phẩm và nhu yếu khác để ứng cứu, cứu hộ; lập phương án tổ chức sơ tán người và tài sản đến nơi an toàn khi có tình huống thiên tai xẩy ra.
Đặc biệt, công tác dự báo, cảnh báo, nhận định hình thế thời tiết và tổ chức thường trực theo dõi nắm chắc diễn biến bão lũ từng bước được khẳng định; tham mưu đắc lực cho cấp ủy, chính quyền các cấp quyết định các biện pháp ứng phó kịp thời, có hiệu quả; đặc biệt là công tác thông tin kêu gọi tàu thuyền vào bờ đảm bảo an toàn.
Nhờ vậy, năm 2019, Hà Tĩnh phải đối mặt với bão số 4 và đợt mưa lũ đầu tháng 9 song chính quyền và người dân đã chủ động ứng phó, giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.
Người dân Hương Khê khuân vác đồ đạc tránh đợt mưa lũ hồi tháng 9 năm 2019.
Ông Ngô Đức Hợi cho biết thêm: "Thời gian tới, thời tiết diễn biến khó lường với nhiều hình thái thiên tai phức tạp, do vậy công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cần phải được tiến hành chủ động, thường xuyên, liên tục với phương châm “Chủ động phòng tránh - ứng phó kịp thời - khắc phục khẩn trương và có hiệu quả”. Trong đó, lấy “chủ động phòng và né tránh” là chính; chuẩn bị tốt phương án “4 tại chỗ” để chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra”.
Huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để triển khai có hiệu quả; nêu cao trách nhiệm người đứng đầu - đây là một nội dung quan trọng hàng đầu trong công tác chỉ đạo phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn nhằm giảm đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản. Từ đó, hạn chế sự phá hoại tài nguyên thiên nhiên, môi trường; bảo vệ sản xuất, xoá đói giảm nghèo, góp phần bảo đảm phát triển bền vững kinh tế - xã hội và quốc phòng, an ninh trên địa bàn.