Thời gian qua, cùng với việc thực hiện các chế độ, chính sách cho các thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sỹ và người có công với cách mạng theo quy định của Đảng và Nhà nước, huyện Lộc Hà còn tăng cường huy động các nguồn lực thực hiện nhiều chính sách, chương trình đền ơn đáp nghĩa. Nổi bật trong số đó là việc xây dựng các nhà thờ cho các liệt sỹ không còn người thân, không có nơi thờ tự.
Ông Nguyễn Ngọc Thạch – Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Lộc Hà cho biết: “Trong quá trình thực hiện các phong trào đền ơn, đáp nghĩa, chúng tôi nắm bắt được nhiều trường hợp liệt sỹ không còn người thân, không có nơi thờ tự. Trên cơ sở rà soát của địa phương, chúng tôi đã báo cáo UBND huyện và Thường trực Huyện ủy tìm giải pháp hỗ trợ. Để khắc ghi và tri ân công lao của các liệt sỹ đã cống hiến, hy sinh cho Tổ quốc và đáp ứng nguyện vọng của Nhân dân, Thường trực Huyện ủy đã cho chủ trương huy động các nguồn xã hội hóa để xây dựng nơi thờ tự các liệt sỹ”.
Nhà thờ liệt sỹ Phan Văn Mạch (xã Tân Lộc) là một trong những công trình được xây dựng đầu tiên khi có chủ trương của Thường trực Huyện ủy Lộc Hà. Hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, hiện nay, liệt sỹ Phan Văn Mạch đã không còn người thân, chỉ còn đất đai của bố mẹ để lại. Dưới sự kêu gọi của lãnh đạo huyện Lộc Hà, ông Nguyễn Văn Sửu - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tư vấn đầu tư và xây dựng miền Trung (một doanh nhân của huyện Lộc Hà) đã tài trợ toàn bộ vật tư, ngày công để xây nơi thờ tự liệt sỹ Phan Văn Mạch.
Ngoài ra, ông Nguyễn Văn Sửu còn tài trợ kinh phí để cùng Nhân dân trong thôn xây dựng nơi thờ tự liệt sỹ Hồ Lệ (xã Ích Hậu), hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Pháp.
Chia sẻ về những nghĩa cử của mình, ông Nguyễn Văn Sửu - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tư vấn đầu tư và xây dựng miền Trung cho biết: “Tôi có người thân là liệt sỹ nên khi thấy các anh không có nơi thờ tự, tôi cảm thấy rất thiệt thòi cho họ nên thôi thúc mình phải có sự đóng góp để tri ân công lao của các bậc tiền bối. Chính vì vậy, tôi đã hỗ trợ kinh phí để xây dựng nơi thờ tự cho các anh. Tôi mong việc làm của mình sẽ lan tỏa để có thêm nhiều nhà hảo tâm khác chung tay trong phong trào đền ơn đáp nghĩa, giáo dục truyền thống tốt đẹp cho các thế hệ sau”.
Còn tại xã Thạch Châu, với sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền huyện và cá nhân ông Trần Thanh Bình (một người con quê hương về sinh sống tại địa phương) trong huy động nguồn lực nên nơi thờ tự cho liệt sỹ Phan Thanh Lưu (hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước) cũng đã được hoàn thành.
Ông Trần Thanh Bình chia sẻ: "Liệt sỹ Phan Thanh Lưu có hoàn cảnh rất đặc biệt, bố mẹ mất sớm, hai em gái cũng đã mất, còn lại 1 em gái lấy chồng vào miền Tây Nam Bộ nên không có ai thờ tự. Việc hương khói giao cho một người cháu con chú. Là một người lính, người đồng đội với liệt sỹ nên tôi hết sức trăn trở về điều này. Vì vậy, sau khi nghỉ hưu về sinh hoạt tại địa phương, tôi đã xin phép chi bộ được huy động xã hội hóa để xây dựng nơi thờ tự cho liệt sỹ. Với sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm, dòng họ, bà con nhân dân và các đoàn thể chính trị - xã hội, nơi thờ tự của liệt sỹ Phan Thanh Lưu đã được hoàn thành với tổng kinh phí gần 150 triệu đồng”.
Với sự nỗ lực huy động các nguồn xã hội hóa, từ cuối năm 2021 đến nay, 11/13 liệt sỹ không có nơi thờ tự trên toàn huyện đã được xây dựng nhà thờ và được người dân hương khói chu đáo. Mỗi nơi thờ tự được xây dựng với kinh phí dao động từ 150 – 200 triệu đồng.
Để có được nguồn lực xây dựng nơi thờ tự cho các liệt sỹ, cấp ủy, chính quyền huyện Lộc Hà đã nỗ lực liên hệ, kêu gọi sự ủng hộ của các doanh nghiệp trên địa bàn, con em xa quê. Thông qua các đợt gặp mặt hội đồng hương ở các tỉnh, thành phố hoặc mỗi dịp tết, lễ hội khi có đông đảo con em trở về, lãnh đạo huyện đều kêu gọi nguồn lực để xây dựng nơi thờ tự cho các liệt sỹ. Bên cạnh đó, chính quyền các địa phương còn huy động, kêu gọi sự hỗ trợ về vật chất và ngày công từ các dòng họ, Nhân dân trong thôn, xóm và các đoàn thể chính trị xã hội.
Hiện nay, còn lại 2 liệt sỹ chưa có nơi thờ tự, sau khi hoàn thành các điều kiện, thủ tục cần thiết, huyện Lộc Hà sẽ bắt tay xây dựng, qua đó, hoàn thành một việc làm ý nghĩa, đáp ứng mong mỏi của cán bộ, đảng viên và Nhân dân địa phương.
Việc làm ý nghĩa này đã lan tỏa rất mạnh mẽ, nhận được sự hưởng ứng và tâm huyết rất lớn của các tầng lớp nhân dân, con em xa quê, cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn. Qua việc xây dựng nơi thờ tự cho các liệt sỹ, chúng tôi thấy rằng, cần phải quan tâm hơn nữa, nhân rộng hơn nữa những việc làm đền ơn, đáp nghĩa. Đây cũng chính là sự kế tục và phát huy truyền thống văn hóa của dân tộc ta.