Theo ghi nhận, từ tháng 4/2024 đến nay, sau nhiều đợt tăng - giảm trái chiều, giá lợn hơi tại Hà Tĩnh đang dao động quanh mức 63.000 - 65.000 đồng/kg. Anh Trần Danh Tuấn (thôn Anh Hùng, xã Thượng Lộc, Can Lộc) chia sẻ: “Mức giá lợn hơi hiện đang cao hơn khoảng 15.000 - 16.000 đồng/kg so với thời điểm cuối năm ngoái. Với mức giá này, người chăn nuôi đã có lãi khá, riêng những trang trại lớn, quy mô khép kín (tự chủ con giống) có lãi tốt, dao động từ 800.000 đồng - 1,2 triệu đồng/con".
Tuy giá lợn trên địa bàn tỉnh đang ở mức tốt nhưng lại thường xuyên biến động, khó dự đoán khiến người chăn nuôi nông hộ dè chừng, không “mạnh tay” tái đàn quy mô lớn.
Sau khi xuất bán một lứa lợn thịt, chị Trần Thị Hồng (thôn Yên Trung, xã Tân Lâm Hương, Thạch Hà) đang chuẩn bị nhập 15 con lợn giống từ trại về để thả nuôi, chuẩn bị cho thị trường cuối năm. Chị Hồng chia sẻ: “Giá lợn hơi trên thị trường còn rất bấp bênh. Từ tháng 4 đến nay đã có 4 - 5 lần điều chỉnh lên - xuống, từ 69.000 đồng/kg nay còn gần 64.000 đồng/kg đối với lợn nuôi nông hộ nên tôi vẫn lo lắng. Không biết thời gian tới, giá sẽ diễn tiến như thế nào nên tôi chỉ thả giống cầm chừng ở mức 20 - 30 con/đợt”.
Như phần lớn hộ chăn nuôi khác trong xã, 3 ô chuồng của ông Phạm Văn Thắng (thôn Minh Vượng, xã Vượng Lộc, Can Lộc) đã bỏ trống từ hơn 1 năm nay. Vào cuối tháng 7 vừa qua, ông mới bắt đầu thả nuôi lại 20 con lợn giống.
Ông Thắng cho biết: “Giá lợn giống đang ở mức cao (trên 2 triệu đồng/con), chi phí ban đầu bỏ ra với nông hộ là không hề nhỏ nên tôi chỉ thả nuôi 1/2 quy mô chuồng. Như gia đình tôi có máy xát gạo, tận dụng được thóc gạo và cám nên mới đỡ được phần nào tiền thức ăn. Tôi hi vọng thị trường từ nay đến cuối năm ổn định để người chăn nuôi có lãi, yên tâm sản xuất”.
Ngoài nỗi lo về thị trường bấp bênh, áp lực dịch bệnh thời điểm giao mùa cũng khiến nhiều hộ chăn nuôi, doanh nghiệp không khỏi trăn trở khi vào đợt thả giống phục vụ thị trường cuối năm.
Vừa thả nuôi 300 con lợn giống, chị Trần Thị Hiền - chủ trang trại ở thôn Đông Đoài, xã Nam Phúc Thăng (Cẩm Xuyên) chia sẻ: “Trong bối cảnh dịch tả lợn châu Phi vẫn còn diễn biến phức tạp, thời tiết lại chuẩn bị bước vào giao mùa nên việc phòng dịch của cơ sở cần được thực hiện sát sao hơn. Mỗi tháng, riêng chi phí tiêm phòng, chúng tôi phải bỏ ra từ 2 - 3 triệu đồng. Ngoài ra, hiện nay, để xuất bán lợn với số lượng lớn ra ngoại tỉnh, cơ sở còn phải bổ sung thêm chi phí thực hiện xét nghiệm để được cấp giấy chứng nhận kiểm dịch động vật vận chuyển ra khỏi địa bàn cấp tỉnh theo quy định của Bộ NN&PTNT”.
Công ty CP Chăn nuôi Mitraco Hà Tĩnh hiện có 35 trang trại chăn nuôi vệ tinh tại nhiều địa phương trong tỉnh như huyện Can Lộc, huyện Cẩm Xuyên... Công tác phòng, chống dịch bệnh được đặt ở cấp độ cao, thực hiện các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt.
Ông Hồ Sỹ Huy Thảo - Giám đốc Công ty CP Chăn nuôi Mitraco Hà Tĩnh cho hay: “Các loại dịch bệnh, trong đó có dịch tả lợn châu Phi diễn tiến phức tạp, khó lường từ đầu năm đến nay trên quy mô cả nước nên áp lực với các doanh nghiệp chăn nuôi càng lớn. Để đảm bảo hoạt động sản xuất, bảo vệ đàn nái, công ty không chủ trương tăng đàn nhiều mà chú trọng vào tập trung nguồn lực triển khai công tác phòng, chống dịch ở cấp độ cao. Trong đó, cấm trại 100% quân số; thực hiện cách ly toàn sinh học tất cả các công đoạn xuất - nhập; phương tiện, thức ăn được triển khai theo phương án biệt lập từng khâu; liên tục phun tiêu độc khử trùng; rải vôi toàn bộ khu vực vành đại, xung quanh trại, trong trại, trong chuồng”.
Theo khuyến cáo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Tĩnh, tại các địa phương, dịch tả lợn châu Phi phát sinh tại một số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ và đã được kiểm soát, xử lý kịp thời, không để lây lan ra diện rộng. Mặc dù vậy, trước diễn biến phức tạp của DTLCP trên cả nước, dịch bệnh đang có chiều hướng gia tăng, nguy cơ lây lan ra diện rộng. Cùng đó, bước vào giai đoạn giao mùa, thời tiết thất thường, nhiệt độ, độ ẩm thay đổi thường xuyên tạo thuận lợi cho mầm bệnh phát sinh và phát tán trong môi trường. Mặt khác, thời điểm này, số lượng gia súc, gia cầm thường tập trung ở mức cao để phục vụ cho tiêu thụ cuối năm nên dịch bệnh càng dễ dàng xâm nhiễm.
Vì thế, người chăn nuôi khi tiến hành tái đàn, tăng đàn cần lưu ý lợn giống mua về nuôi phải có nguồn gốc, khoẻ mạnh, có giấy kiểm dịch hoặc từ cơ sở an toàn dịch bệnh; tiêm phòng định kỳ cho đàn lợn các loại vắc xin như: lở mồm long móng, dịch tả lợn, tai xanh...; thường xuyên phun tiêu độc khử trùng trong và ngoài khu vực chăn nuôi; hạn chế người, phương tiện vận chuyển ra vào cơ sở chăn nuôi.
Cùng đó, các địa phương cần giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên đàn lợn; tổ chức triển khai thực hiện nghiêm ngặt công tác phòng, chống dịch bệnh, nhất là tại những nơi đang có dịch hoặc có nguy cơ xuất hiện dịch bệnh theo hướng dẫn của UBND tỉnh tại văn bản số 423/UBND-NL5 về tập trung triển khai thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi.