Dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp
Theo Bộ NN&PTNT, cả nước hiện có 346 ổ dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) thuộc 89 huyện của 25 tỉnh, thành phố chưa qua 21 ngày. Số lợn mắc bệnh là 34.321 con, số lợn chết và tiêu hủy là 34.533 con. Dịch bệnh đang diễn biến phức tạp tại các tỉnh: Bắc Kạn, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hòa Bình, Sơn La, Quảng Nam, Long An… gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi.
Ngày 16/6/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Công điện số 58/CĐ-TTg về việc tập trung triển khai đồng bộ, quyết liệt, có hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm. Tiếp đó ngày 14/7/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Chỉ thị số 21/CT-TTg về việc thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống bệnh DTLCP.
Tại Hà Tĩnh, trong tháng 7, dịch bệnh đang tiếp tục phát sinh tại một số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ ở các địa phương. Hiện nay, toàn tỉnh có 3 địa phương xuất hiện ổ DTLCP: xã Cẩm Thành, xã Cẩm Thạch (huyện Cẩm Xuyên), phường Hưng Trí (TX Kỳ Anh), làm 13 con lợn nhiễm bệnh phải tiêu hủy. Trước diễn biến phức tạp của DTLCP và đang có chiều hướng gia tăng, nguy cơ lây lan ra diện rộng, các địa phương đã chủ động các biện pháp phòng ngừa, đảm bảo an toàn cho đàn vật nuôi.
Ông Lê Đức Hùng (thôn Đông Mỹ, xã Cẩm Thành, Cẩm Xuyên) cho biết: “Sau khi lợn xuất hiện dấu hiệu ốm, chết, gia đình đã báo với chính quyền cấp xã, lấy mẫu xét nghiệm cho kết quả dương tính với DTLCP. Đợt vừa rồi thời tiết nắng nóng kéo dài, thi thoảng có mưa dông buổi chiều, không khí oi bức làm sức đề kháng của vật nuôi giảm nên vi-rút dễ tấn công, gây bệnh hơn”.
Theo đánh giá của ngành chuyên môn, mầm bệnh DTLCP vẫn tồn tại lâu trong môi trường chăn nuôi, có nguy cơ khiến dịch bệnh lây lan trên diện rộng. Tổng đàn lợn Hà Tĩnh hiện khá lớn, đạt gần 400.000 con, tăng hơn 1,2% so với cùng kỳ năm 2023 (trong đó, 221 trang trại quy mô lớn và vừa chiếm trên 60% tổng đàn toàn tỉnh). Nguy cơ xảy ra dịch bệnh ở quy mô nông hộ là rất cao bởi người dân chưa thực hiện đúng các biện pháp chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học.
Tăng cường phòng dịch trên toàn địa bàn
Trước tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, nguy cơ xâm nhiễm cao, người chăn nuôi, ngành chuyên môn Hà Tĩnh đang tập trung các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.
Tại huyện Cẩm Xuyên, mặc dù dịch bệnh xảy ra tại một hộ chăn nuôi nhỏ lẻ nhưng với chủ trương không lơ là, chủ quan, Trung tâm Ứng dụng khoa học kỹ thuật và bảo vệ cây trồng, vật nuôi huyện đã bố trí cán bộ bám sát cơ sở để hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các biện pháp chủ động phòng, chống dịch bệnh tại các địa phương.
Ông Phan Thanh Nghi - Giám đốc Trung tâm Trung tâm Ứng dụng khoa học kỹ thuật và bảo vệ cây trồng, vật nuôi huyện Cẩm Xuyên cho biết: “Để bảo vệ tổng đàn lợn gần 30.000 con, huyện đã chủ động khoanh vùng các khu vực có nguy cơ dịch bùng phát cao nhằm phát hiện sớm các ổ dịch và bao vây dập tắt dịch ngay khi còn ở diện hẹp; hướng dẫn, khuyến cáo người chăn nuôi không tăng đàn, tái đàn tại vùng có dịch để tránh thiệt hại; báo cáo kịp thời khi phát hiện lợn ốm, chết không rõ nguyên nhân”.
Đối với 221 trang trại lợn quy mô lớn và vừa trên địa bàn tỉnh (chiếm đến gần 60% tổng đàn), công tác phòng chống bệnh DTLCP đang được đặt ở cấp độ đặc biệt, nhất là sau khi Thủ tướng Chính phủ có văn bản yêu cầu thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống bệnh DTLCP.
Hiện nay, Công ty CP Chăn nuôi Mitraco Hà Tĩnh có 35 trang trại chăn nuôi vệ tinh tại nhiều địa phương. Ông Hồ Sỹ Huy Thảo - Giám đốc Công ty CP Chăn nuôi Mitraco Hà Tĩnh cho hay: “Dịch bệnh diễn tiến phức tạp, khó lường từ đầu năm đến nay nên công ty phải tập trung nguồn lực, ưu tiên và triển khai công tác phòng chống dịch ở cấp độ cao. Trong đó, cấm trại 100% quân số; thực hiện cách ly toàn sinh học tất cả các công đoạn xuất - nhập; phương tiện, thức ăn được triển khai theo phương án biệt lập từng khâu; liên tục phun tiêu độc khử trùng, rải vôi toàn bộ khu vực vành đại, xung quanh trại, trong trại, trong chuồng”.
Tại HTX Thắng Lợi (thôn Thanh Văn, xã Xuân Thành, Nghi Xuân), tất cả phương tiện ra, vào trang trại được kiểm soát chặt chẽ, khử trùng nghiêm ngặt. Bà Nguyễn Thị Nghĩa - Giám đốc HTX Thắng Lợi chia sẻ: “Ngoài tiêm phòng dịch bệnh theo định kỳ, bổ sung nguồn thức ăn gia tăng sức đề kháng cho vật nuôi, cơ sở cũng tăng cường chi phí phòng chống dịch như: hoá chất khử trùng, vôi bột... 2 ngày/lần; cách ly hoàn toàn người lao động với khu vực bên ngoài”.
Theo bà Hoàng Thị Ngọc Diệp - Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Tĩnh, để phòng chống, kiểm soát dịch bệnh DTLCP, các địa phương cần huy động nguồn lực để tổ chức xử lý dứt điểm ổ dịch, không để phát sinh ổ dịch mới; tổ chức xử lý tiêu hủy lợn mắc bệnh, nghi mắc bệnh, lợn chết. Đồng thời, phát hiện, ngăn chặn và kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp mua bán, vận chuyển lợn bệnh, vứt xác lợn chết làm lây lan dịch bệnh, ô nhiễm môi trường.
Các địa phương cần hướng dẫn người chăn nuôi tăng cường áp dụng vệ sinh, sát trùng khu vực chuồng nuôi và khu vực xung quanh có nguy cơ cao; đẩy mạnh chăn nuôi an toàn sinh học; tham mưu, triển khai sử dụng vắc xin DTLCP để tiêm phòng cho các đối tượng lợn theo hướng dẫn, đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch bệnh. Thực hiện nghiêm chế độ báo cáo, bảo đảm đầy đủ, kịp thời, chính xác số liệu dịch bệnh theo quy định gửi về Sở NN&PTNT (qua Chi cục Chăn nuôi và Thú y) để tổng hợp.
Người nuôi cần nêu cao ý thức, báo cáo kịp thời khi phát hiện lợn ốm, chết không rõ nguyên nhân; không tự điều trị và bán chạy lợn bệnh... nhằm thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch ở cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ.