Sau khi hoàn thành nghĩa vụ công an nhân dân, anh Trần Khắc Sáng (sinh năm 1998, ở tổ dân phố Xuân Hòa, thị trấn Lộc Hà, huyện Lộc Hà) đã mạnh dạn xây dựng mô hình kinh tế từ nuôi chồn. Anh Sáng chia sẻ, trong một lần tình cờ xem được mô hình nuôi chồn trên Youtube, anh đã nảy ra ý định nuôi thử loài vật này. Đầu tháng 4/2021, anh vào tận tỉnh Vĩnh Long để mua giống.
Anh Trần Khắc Sáng bắt đầu nuôi chồn từ tháng 6/2021.
Tháng 6/2021, sau khi làm đơn và được cơ quan chức năng cấp giấy phép, cấp mã số cơ sở nuôi các loài động vật rừng nguy cấp, quý hiếm, anh đã mạnh dạn đầu tư gần 500 triệu đồng để xây dựng chuồng trại và 4 cặp chồn hương về thả nuôi.
Từ nguồn vốn hỗ trợ khởi nghiệp của Tỉnh đoàn Hà Tĩnh, trại chăn nuôi chồn hương của anh Sáng có diện tích 130 m2, trong đó có 45 ô chuồng, mỗi chuồng 1 m2 đảm bảo các điều kiện để các loài động vật như chồn sinh trưởng và phát triển tốt.
Mỗi năm, loài chồn sinh sản 2 lứa, đem lại hiệu quả về kinh tế cho gia đình anh Sáng.
Anh Sáng cho biết: “Qua tìm hiểu trên sách vở, internet… thì nuôi chồn hương chi phí thấp vì chủ yếu tận dụng nguồn thức ăn sẵn có tại địa phương, giá bán lại cao, dễ nuôi, ít bệnh tật, không tốn thời gian chăm sóc. Một con chồn mẹ có thời gian mang thai 54-60 ngày, mỗi năm sẽ đẻ 2 lứa, mỗi lứa 3 - 4 con. Chồn nuôi giống 8 tháng có giá trung bình từ 8 triệu đồng/ cặp, trong khi đó sau khi nhân đàn lên nhiều để nuôi lấy thịt thì chồn con nuôi khoảng 2 tháng có trọng lượng từ 0,6- 1kg có thể bán với giá 1,8- 2,2 triệu đồng".
Với 4 cặp chồn hương giống cho lứa đầu tiên được 9 con (1 con đực, 8 con cái) nặng 27 kg, anh Sáng thu về được hơn 70 triệu đồng. Hiện tại, anh Sáng vẫn tiếp tục nuôi 4 cặp chồn hương đang trong quá trình sinh sản, nhân giống, dự kiến 2 tháng tiếp theo sẽ cho giống mới.
Nguồn thức ăn cho chồn có thể dễ dàng tìm kiếm tại địa phương như cá trê, cá rô phi, chuối...
Cũng như anh Sáng, ông Lê Hồng Cường (sinh năm 1970, ở thôn Vĩnh Phong, xã Hộ Độ, huyện Lộc Hà) đã mạnh dạn đầu tư 12 cặp chồn hương, chồn mốc sinh sản với mong muốn tăng thu nhập cho gia đình. Để chăn nuôi hiệu quả, ông Cường cũng tìm hiểu cách nuôi chồn tại các tỉnh phía Nam rồi về quê áp dụng.
Sau một thời gian tìm tòi, tích lũy vốn kỹ thuật nuôi chồn hương, chồn mốc, cuối tháng 7/2021, ông Cường đã lập phương án và gửi đơn đề nghị cấp mã số cơ sở nuôi chồn gửi Hạt Kiểm lâm huyện Lộc Hà và các thủ tục liên quan. Được sự cho phép của Chi cục Kiểm lâm địa phương, bước đầu ông đã đầu tư 12 cặp chồn hương, chồn mốc sinh sản có nguồn gốc từ tỉnh Vĩnh Phúc, Bình Phước... về nuôi thử nghiệm.
Chuồng nuôi chồn hương, chồn mốc của ông Cường được thiết kế sạch sẽ, bố trí hợp lý
Trong trang trại nuôi chồn hơn 300 triệu đồng của ông Cường, chuồng được đóng gỗ, cửa chuồng làm bằng sắt, chừa khe nhỏ để thuận tiện cho chồn ăn. Bên ngoài treo đồ đựng nước uống, bên trong gác cây cho chồn leo trèo giảm mỡ. Với bản tính ưa sạch sẽ, môi trường thoáng mát của chồn nên ông Cường bố trí chuồng trại hợp lý để chăm sóc và khách đến tham quan, chia sẻ kinh nghiệm.
“Thức ăn cho chồn rất dễ tìm, giá rẻ và có thể mua tại địa phương như chuối chín, cá rô phi… Một con chồn chỉ mất chi phí vỏn vẹn 1.500 đồng cho 2 bữa ăn mỗi ngày. Tuy nhiên, người nuôi cần chú ý ngừa bệnh đường ruột cho chồn” - ông Cường chia sẻ.
Một con chồn mẹ có thời gian mang thai 54 - 60 ngày, mỗi năm sẽ đẻ 2 lứa, mỗi lứa 3 - 4 con.
Đến nay, các cặp chồn của ông Cường đã đến kỳ phối giống, tuy nhiên, ông Cường bỏ qua lứa sinh sản đầu tiên để con giống khỏe mạnh. “Thời gian tới, tôi dự định sẽ nuôi sinh sản và nhân đàn lên vài trăm con. Sau khi chồn mẹ đẻ ra sẽ bán thương phẩm cho những ai có nhu cầu, thậm chí là quán ăn, nhà hàng…” - ông Cường chia sẻ thêm.
Nhận xét về các mô hình nuôi chồn của các hộ dân, ông Đặng Trần Thông (cán bộ Phòng NN&PTNT huyện Lộc Hà) cho biết: “Hiện nay, trên địa bàn Lộc Hà có 2 hộ dân đang nuôi thử nghiệm loài chồn và có chiều hướng phát triển tốt. Hiện Phòng NN&PTNT cùng Hạt Kiểm lâm huyện Lộc Hà đang tích cực theo dõi, nếu con chồn hương, chồn mốc thích ứng tốt ở môi trường Hà Tĩnh thì chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương để mở rộng số lượng, số đàn. Bên cạnh đó, việc phát triển nuôi chồn tại hộ gia đình sẽ hạn chế được việc săn bắt động vật rừng nguy cấp, quý hiếm”.