Xóm vạn chài Tiền Phong với hàng chục chiếc thuyền lớn nhỏ đang neo mình bên hói Eo Bù - một nhánh đổ ra sông Lam.
Khác với khung cảnh im lìm, buồn bã như hàng chục năm qua, năm nay, 24 hộ dân nghèo xóm vạn chài đón tết trong không khí rộn ràng, vui mừng, phấn chấn hơn khi khát vọng lên bờ đã thành hiện thực.
“Chỉ còn ít tháng nữa thôi, 3 anh em con cùng bố mẹ sẽ được lên ở nhà mới trên bờ. Lên chỗ ở mới bố mẹ con sẽ không phải vất vả chèo thuyền đưa đón con đến trường. Con sẽ không phải vất vả “bò” trên sàn thuyền để học bài. Con cũng sẽ tự đi học, cùng vui chơi, nhảy múa thoải mái với các bạn trong xóm. Con tin mình sẽ học tập tốt hơn để không phụ lòng sự giúp đỡ của mọi người” – bé Huyền Trâm, học lớp 5 – con gái thứ 2 của anh Hiệp, một trong 24 hộ dân vạn chài vui mừng cho biết.
Đền làng Tiền Phong nơi thờ các vị thành hoàng làng
Cùng chung niềm vui với con gái, anh Hiệp cũng không dấu được xúc động. Anh Hiệp cho biết, gia đình anh gồm 5 thành viên đang phải tá túc trong con thuyền bằng xi măng, chiều dài 8m, chiều rộng hơn 2m. Công việc chính của vợ chồng là đánh bắt cá trên sông Lam. Đây cũng là nghề truyền thống của hàng chục hộ dân xóm vạn chài Tiền Phong. Tuy nhiên, những năm gần đây, nguồn nước sông bị ô nhiễm, cá tôm cứ ít dần nên nghề chài lưới của vợ chồng tôi cũng như những gia đình ở Tiền Phong càng lúc càng khó khăn.
“Vừa qua, sau khi Báo Hà Tĩnh có bài phản ánh về cuộc sống vất vả cũng như khát vọng lên bờ của người dân vạn chài Tiền Phong, chúng tôi đã được cấp uỷ chính quyền xã, huyện, tỉnh quan tâm kêu gọi, kết nối các nhà hảo tâm, nhà tài trợ cấp đất và xây dựng nhà. Chúng tôi thấy như được tái sinh” – anh Hiệp bày tỏ xúc động.
Huyền Trâm (ngoài cùng bên trái) cùng các bạn tự tin đến trường trong niềm vui chuẩn bị được lên bờ để chủ động đi học
Theo anh Hiệp, điều quan trong nhất khi lên bờ đó là con cái được học tập, vui chơi tốt hơn, có tương lai hơn, không bị tụt hậu với bạn bè. Đối với công việc sau khi có nhà ở trên bờ, anh cùng vợ sẽ tính chuyện đổi nghề, tìm việc làm mới trên bờ phù hợp hơn, có thu nhập ổn định hơn.
Cách đó không xa là con thuyền đồng thời là “nhà” của gia đình chị Trương Thị Nhật. Với 4 nhân khẩu đang tá túc trên “ngôi nhà” chưa đầy 10m2, chị Nhật cũng đã phải chật vật chịu đựng suốt 30 năm qua. Khi được biết mình nằm trong số 24 hộ dân được lên bờ, cấp đất, xây nhà, chị đã không giấu được niềm hạnh phúc.
“Chúng tôi rất bất ngờ và cảm động khi được vừa cấp đất vừa được hỗ trợ xây dựng nhà. Xin cảm ơn chính quyền, các nhà hảo tâm, nhà tài trợ đã giúp đỡ chúng tôi cụ thể hoá niềm khát vọng nhiều đời nay” – chị Nhật bày tỏ.
Ông Nguyễn Văn Khương - Bí thư Chi bộ thôn Tiền Phong cho biết, xã Quang Vĩnh là 1 trong 7 xã ngoài đê của huyện Đức Thọ, hàng năm chịu ảnh hưởng nặng nề do lũ lụt. Đặc biệt, tại thôn Tiền Phong đang còn 24 hộ dân vạn chài hiện chưa có nhà cửa. Nhiều thế hệ người dân vạn chài Tiền Phong phải sinh sống trên sông nước trong những con thuyền nhỏ bé, chật chội, đời sống gặp nhiều khó khăn. Chia sẻ, đồng cảm với những khó khăn của người dân vừa qua, được sự hỗ trợ của các tổ chức, tập đoàn, doanh nghiệp, sự quan tâm của đồng chí nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và cấp uỷ, chính quyền các cấp, ước vọng ngàn đời của người dân vạn chài Tiền Phong đã trở thành hiện thực.
Người dân thôn Tiền Phong vui chơi luyện tập thể thao
Theo đó, địa phương đã khẩn trương quy hoạch, bố trí quỹ đất để xây dựng khu nhà ở kết hợp tránh trú bão lũ liền kề gồm 24 căn với hệ thống hạ tầng kỹ thuật đảm bảo với tổng mức đầu tư 7,9 tỷ đồng; quy mô thiết kế mỗi căn 2 tầng với tổng diện tích sàn xây dựng 113m2, trong đó: tầng 1 diện tích 51m2; tầng 2 diện tích 62m2, .
Chia tay xóm vạn chài Tiền Phong, chúng tôi mang theo niềm vui rạng ngời của những đứa trẻ và ngư dân nơi đây. Đón xuân này, trong mỗi người dân xóm vạn chài Tiền Phong là lòng biết ơn sâu sắc gửi đến những nhà hảo tâm, doanh nghiệp, cấp uỷ, chính quyền các cấp đã có nghĩa cử nhân văn sâu sắc, thể hiện sự tương thân, tương ái hướng tới những người dân nghèo. Việc có thêm những ngôi nhà không chỉ giúp người dân “an cư”, mà còn giúp người dân “lạc nghiệp” ổn định học hành, phát triển kinh tế, góp phần cùng địa phương trong hành trình xây dựng xã nông thôn mới nâng cao.