Trong buổi gặp mặt giáo viên biệt phái, lãnh đạo huyện Kỳ Anh hứa sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các giáo viên hoàn thành tốt nhiệm vụ
Ngay sau lễ khai giảng, huyện Kỳ Anh được tiếp nhận 28 giáo viên biệt phái đến từ các huyện: Hương Khê, Can Lộc, Nghi Xuân, thị xã Hồng Lĩnh và Hương Sơn; trong đó: 15 giáo viên dạy môn Toán - Lý - Tin; 8 giáo viên Văn - Sử - Địa - Giáo dục công dân; 5 giáo viên dạy Tiếng Anh...
Số giáo viên này sẽ được tăng cường đến giảng dạy tại các xã vùng thượng, xã khó khăn của huyện như: Kỳ Sơn, Kỳ Lâm, Kỳ Lạc, Kỳ Thượng, Kỳ Khang, Kỳ Xuân; thời gian biệt phái tối thiểu trong 2 năm học: 2019-2020 và 2020-2021.
Lãnh đạo huyện và lãnh đạo Phòng GD&ĐT Kỳ Anh chia sẻ thông tin, động viên các giáo viên biệt phái về Trường THCS Lâm Hợp
Điều đáng ghi nhận là mặc dù về nhận công tác ở các xã khó khăn của huyện Kỳ Anh, nhưng các thầy cô giáo đều vui vẻ, phấn khởi.
Đặc biệt, nhiều giáo viên không thuộc diện bắt buộc vẫn tự nguyện xin được vào đây để cống hiến như: Thầy giáo Nguyễn Sỹ Thiết (Trường THCS Nguyễn Tất Thành, huyện Can Lộc); cô giáo Nguyễn Thị Hoài Lê (Trường THCS Phúc Đồng, huyện Hương Khê) phải đưa theo con nhỏ để chăm sóc)...
Cô giáo Nguyễn Thị Hoài Lê chia sẻ: “Đi dạy cách nhà 5 - 7km còn vất vả huống hồ chuyển từ Hương Khê vào tận Kỳ Anh công tác. Tuy nhiên, được sự điều động của tổ chức, với trách nhiệm của một người giáo viên, tôi sẵn sàng nhận và phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ dù ở bất cứ nơi đâu".
Cô giáo Nguyễn Thị Hoài Lê hứa sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ dù ở bất cứ nơi đâu
Được tăng cường thêm khá nhiều giáo viên giúp huyện mới Kỳ Anh tháo gỡ được một phần thực trạng thiếu giáo viên từ nhiều năm nay.
Trưởng phòng GD&ĐT huyện Kỳ Anh Đinh Sỹ Quân phấn khởi chia sẻ: “So với quy định, năm học 2019 - 2020, huyện Kỳ Anh thiếu 62 biên chế giáo viên bậc THCS. Đợt này có 44 giáo viên được tăng cường về huyện đều là những người có kinh nghiệm giảng dạy bậc THCS nhiều năm, có nhiều người là thạc sỹ, tổ trưởng tổ chuyên môn...”.
Cũng theo lãnh đạo ngành giáo dục huyện Kỳ Anh, việc được tăng cường nhiều giáo viên trong tỉnh về công tác sẽ làm giảm áp lực cho các giáo viên trên địa bàn; giúp họ được giảng dạy đúng chuyên ngành của mình, giảm hẳn tình trạng một người dạy ghép cùng lúc nhiều môn học như trước đây.
Lãnh đạo huyện Kỳ Anh trao quyết định cho các giáo viên về công tác tại Trường THCS Lâm Hợp
Từ năm học 2012 - 2013 đến nay, Trường THCS Kỳ Thượng luôn trong tình trạng thiếu 10 giáo viên nên mỗi người phải dạy 3-5 tiết học/buổi, thậm chí nhiều giáo viên phải dạy cùng lúc 2-3 môn học khác nhau.
Để giải quyết tình trạng này, nhà trường đã phải hợp đồng với một số giáo viên trẻ đứng lớp nhưng không có chuyển biến nhiều. Năm học này, nhà trường được tăng cường 7 giáo viên biệt phái.
Hiệu trưởng Trường THCS Kỳ Thượng Nguyễn Văn Khánh phấn khởi cho biết: “Là một trong những trường được tăng cường nhiều giáo viên nhất huyện, chúng tôi đã giải quyết cơ bản tình trạng giáo viên dạy ghép nhiều môn, dạy quá nhiều tiết trong tuần. Trên cơ sở đó, nhà trường sẽ cố gắng sắp xếp hợp lý về đội ngũ, phân công, phân nhiệm rõ ràng để nâng cao chất lượng dạy và học ngay từ năm học này".
Giáo viên biệt phái Phan Thị Thuận bắt đầu những giờ học ở ngôi trường mới - THCS Kỳ Sơn
Để các giáo viên biệt phái phát huy sở trường, trách nhiệm và hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, huyện Kỳ Anh chỉ đạo các phòng chuyên môn, các trường học đảm bảo các chế độ, chính sách; tạo mọi điều kiện thuận lợi về chỗ ở, sinh hoạt, sắp xếp công việc phù hợp...
Ngay trước khi các giáo viên biệt phái về công tác, chính quyền địa phương, công đoàn các nhà trường đã kịp thời nâng cấp, sửa chữa các phòng nội trú, mua sắm các vật dụng thiết yếu để giáo viên có chỗ ăn ở khang trang, yên tâm công tác.
Ngoài ra, các nhà trường cũng có kế hoạch sắp xếp thời gian biểu phù hợp để các giáo viên biệt phái có thêm ngày nghỉ cùng với ngày nghỉ cuối tuần; không bố trí chủ nhiệm lớp...