Ảnh minh họa:
Sửa đổi, bổ sung nhiều quy định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai
Chính phủ ban hành Nghị định số 10/2023/NĐ-CP (Nghị định số 10) sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai, có hiệu lực từ ngày 20/5 tới. Nghị định đã bổ sung nhiều quy định mới quan trọng liên quan đến vấn đề quản lý, sử dụng đất đai.Nghị định bổ sung Điều 17a vào Nghị định số 43/2014/NĐ-CP về đấu giá quyền sử dụng đất khi Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất.
Việc tổ chức tham gia đấu giá quyền sử dụng đất phải có đủ các điều kiện: Thuộc đối tượng được Nhà nước giao đất, cho thuê đất theo quy định tại Điều 55 và Điều 56 Luật Đất đai; đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 3 Điều 58 Luật Đất đai, khoản 2 và khoản 3 Điều 14 Nghị định 43/2014/NĐ-CP; phải nộp tiền đặt trước bằng 20% tổng giá trị thửa đất, khu đất tính theo giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất; không thuộc đối tượng bị cấm tham gia đấu giá theo quy định của pháp luật; đáp ứng điều kiện quy định của pháp luật về nhà ở và pháp luật về kinh doanh bất động sản đối với trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất để thực hiện dự án nhà ở, dự án kinh doanh bất động sản khác.
Hộ gia đình, cá nhân tham gia đấu giá quyền sử dụng đất phải có đủ các điều kiện: Thuộc đối tượng được Nhà nước giao đất, cho thuê đất và đáp ứng các điều kiện khác theo quy định. Trường hợp hộ gia đình, cá nhân tham gia đấu giá quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư thì phải bảo đảm các điều kiện quy định tại Điều 17a Nghị định 43/2014/NĐ-CP (sửa đổi tại Nghị định số 10/2023/NĐ-CP).Bên cạnh đó, đất đưa ra đấu giá quyền sử dụng đất phải đáp ứng quy định tại khoản 1 Điều 119 Luật Đất đai; đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất; việc đấu giá quyền sử dụng đất thực hiện đối với từng thửa đất; đã có quy hoạch chi tiết 1/500 được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt đối với đất thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở.
Kể từ thời điểm công bố kết quả trúng đấu giá thì khoản tiền đặt trước và tiền lãi (nếu có) được chuyển thành tiền đặt cọc để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất.Trường hợp người trúng đấu giá không nộp tiền hoặc không nộp đủ tiền trúng đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định tại điểm d khoản 5 Điều 68 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP thì người trúng đấu giá không được nhận lại tiền đặt cọc.Đối với trường hợp người trúng đấu giá đã nộp nhiều hơn khoản tiền đặt cọc thì được Nhà nước hoàn trả số tiền chênh lệch nhiều hơn so với số tiền đặt cọc theo quy định.
Ngoài nội dung trên, Nghị định còn bổ sung trình tự thu hồi đất đối với trường hợp chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư theo quy định về đầu tư.
Nghị định cũng quy định chi tiết về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) qua mạng. Theo đó, người dân sẽ được nộp hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận bằng hình thức trực tuyến và nhận hồ sơ qua bưu điện, mà không phải trực tiếp đến tận cơ quan quản lý để thực hiện như trước.
Thay đổi cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính
Ngày 20/4/2023, Chính phủ ban hành Nghị định 14/2023/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính. Nghị định có hiệu lực từ ngày 15/5/2023.
Theo Nghị định, Bộ Tài chính là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về: tài chính - ngân sách, hải quan; kế toán; kiểm toán độc lập; giá; chứng khoán; bảo hiểm; hoạt động dịch vụ tài chính và dịch vụ khác thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của bộ; thực hiện đại diện chủ sở hữu phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp thuộc bộ theo quy định của pháp luật.
Cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính gồm 28 đơn vị thay vì có 29 đơn vị như quy định cũ.
Vụ Chính sách thuế tiếp tục thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo các quy định pháp luật hiện hành cho đến khi Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Quản lý, giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí.
Quy định tiêu chí phân loại phim và thực hiện hiển thị mức phân loại phim, cảnh báo
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Thông tư số 05/2023/TT-BVHTTDL quy định tiêu chí phân loại phim và thực hiện hiển thị mức phân loại phim, cảnh báo. Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/5/2023.
Thông tư gồm 6 điều, quy định tiêu chí phân loại và thực hiện hiển thị mức phân loại phim, cảnh báo phim áp dụng chung cho các hình thức phổ biến phim. Thông tư này áp dụng đối với cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động phổ biến phim.
Mức phân loại phim theo tiêu chí phân loại được xếp từ thấp đến cao như sau: Loại P: Phim được phép phổ biến đến người xem ở mọi độ tuổi; loại K: Phim được phổ biến đến người xem dưới 13 tuổi với điều kiện xem cùng cha, mẹ hoặc người giám hộ; loại T13 (13+): Phim được phổ biến đến người xem từ đủ 13 tuổi trở lên; loại T16 (16+): Phim được phổ biến đến người xem từ đủ 16 tuổi trở lên; loại T18 (18+): Phim được phổ biến đến người xem từ đủ 18 tuổi trở lên; loại C: Phim không được phép phổ biến.
Tiêu chí phân loại phim bao gồm: Tiêu chí về chủ đề, nội dung; về bạo lực; về khỏa thân, tình dục; về ma túy, chất kích thích, chất gây nghiện; về kinh dị; về ngôn ngữ thô tục; về hành vi nguy hiểm, dễ bắt chước.
Ngoài ra, Thông tư còn bao gồm các nội dung về: Nguyên tắc phân loại phim; nguyên tắc thực hiện hiển thị mức phân loại phim; nguyên tắc thực hiện cảnh báo; nội dung hiển thị mức phân loại phim, cảnh báo…
Điều chỉnh tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương giáo viên
Học sinh học tại Điểm trường trung tâm của Trường Tiểu học Đoàn Kết, xã Ma Ly Pho, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu. Ảnh minh họa: Nguyễn Oanh/TTXVN
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 08/2023/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư số 01/2021/TT-BGDĐT, 02/2021/TT-BGDĐT, 03/2021/TT-BGDĐT, 04/2021/TT-BGDĐT quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập.
Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 30/5/2023.
Theo quy định mới tại Thông tư 08/2023/TT-BGDĐT, Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn giữ nguyên quy định giáo viên được bổ nhiệm hạng chức danh nghề nghiệp nào thì được xếp lương theo hạng đó như hiện hành, tuy nhiên có sửa đổi, bổ sung một số nội dung sau: Chỉ quy định một chứng chỉ chung đối với các hạng giáo viên; quy định tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp chung cho các hạng chức danh nghề nghiệp; không yêu cầu giáo viên tiểu học, trung học cơ sở hạng I phải có trình độ thạc sĩ; thời gian giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non hạng III còn 3 năm; giáo viên không cần nộp minh chứng đã thực hiện nhiệm vụ của hạng khi thực hiện bổ nhiệm hạng chức danh nghề nghiệp mới.Việc sửa đổi, bổ sung như trên sẽ giúp cho công tác bổ nhiệm, xếp lương được thực hiện đơn giản hơn, tránh phát sinh việc yêu cầu giáo viên cung cấp nhiều minh chứng không cần thiết.
Quy định mới sẽ khắc phục được vướng mắc trong việc xếp lương giáo viên mầm non và không có trường hợp giáo viên tiểu học, trung học cơ sở mới tuyển dụng đang giữ hệ số lương 2,34, 2,67, 3,00 được bổ nhiệm hạng II mới và chuyển xếp vào hệ số lương 4,00; bảo đảm thống nhất về quy định thời gian giữ hạng giữa các cấp học và quy định của Bộ Nội vụ về thời gian giữ ngạch cán sự, chuyên viên, chuyên viên chính.