Ngoài việc chăm sóc diện tích đã cho thu hoạch, hiện nay, nhiều hộ trồng cam ở Thượng Lộc đang tiếp tục mở rộng diện tích cây cam giòn.
Từ năm 1995, cây cam giòn đã được trồng rải rác ở thôn Anh Hùng, xã Thượng Lộc. Tuy nhiên, do mẫu mã không đẹp như các giống cam chanh truyền thống nên các gia đình chủ yếu để dùng mà không bán ra thị trường. Vị ngon độc đáo của cam giòn chỉ mới được phát hiện khoảng 5 năm trở lại đây từ một vài vị khách thường xuyên “săn” cam ở Thượng Lộc.
Cam giòn Thượng Lộc, trước thời điểm diễn ra Lễ hội Cam và các sản phẩm nông nghiệp Hà Tĩnh năm 2017, chủ yếu chỉ để dành bán cho khách quen, chưa hề được bán rộng rãi trên thị trường.
Niềm vui của người trồng cam giòn Thượng Lộc khi bắt đầu vào vụ thu hoạch năm 2018, giá cam đã cao gần gấp đôi các giống cam chanh thông thường khác.
Ông Nguyễn Viết Chuân - Chủ tịch UBND xã Thượng Lộc cho biết: “Sau Lễ hội Cam năm ngoái, giá cam giòn tăng rất nhiều. Chính vụ, giá xuất tại vườn tầm 70.000 đồng/kg, cận tết có những lúc lên tới 100.000 – 120.000 đồng/kg. Sau khi cam giòn tạo dựng được thương hiệu, xã đã có chủ trương xây dựng vườn ươm, bán với giá hỗ trợ nhằm khuyến khích người dân mở rộng diện tích".
Nếu như năm 2017, toàn xã mới có 10 ha cam giòn thì đến nay, tổng diện tích đã mở rộng gấp 10 lần, đạt hơn 100 ha. Theo quy hoạch, toàn xã có 350 ha cam nhưng đến nay mới trồng được 250 ha. Trong 100 ha cam trồng mới, chúng tôi khuyến khích bà con trồng cam giòn nhằm từng bước đưa cam giòn trở thành sản phẩm mũi nhọn trong thương hiệu cam Thượng Lộc.
Khác với những loại cam chanh thông thường, cam giòn Thượng Lộc quả nhỏ, vỏ không mọng vàng, tép cam đanh nhưng khi ăn lại rất thơm, giòn và có vị ngọt đậm đà. Anh Nguyễn Văn Trạch (thôn Anh Hùng) cho biết: “Do mẫu mã cam giòn không đẹp nên khách ít để ý. Chỉ những người sành ăn mới “săn” tận vườn, đặt mua. Năm ngoái, gia đình tôi thu 450 triệu từ cam giòn, năm nay ước đạt 500 triệu. Hiện, tôi cũng đã ươm cây giống để tiếp tục trồng mới thêm 100 gốc nữa”.
Trồng cam giòn, anh Nguyễn Văn Trạch (thôn Anh Hùng) rất yên tâm khi cả cây lẫn quả đều ít chịu tác động xấu của thiên nhiên.
Tuy năng suất không cao như những giống cam chanh khác nhưng cam giòn ít sâu bệnh, quả ít bị rụng, thời vụ thu hoạch kéo dài hơn nên vẫn được nhiều hộ chọn trồng. Từ chỗ chỉ có ở thôn Anh Hùng, đến nay, cam giòn đã được các chủ vườn ở thôn Đông Phong, Nam Phong, Thanh Mỹ, Sơn Bình… chọn trồng trên diện tích mới.
Với giá 30.000 đồng/cây giống, năm nay, HTX của gia đình chị Bùi Thị Uyên thu được 450 triệu từ giống cây cam giòn.
Chị Bùi Thị Uyên - HTX Sản xuất và kinh doanh giống cây ăn quả Trà Sơn (thôn Sơn Bình, Thượng Lộc) cho biết: “Vài năm trở lại nay, nhất là trong năm 2018, nhu cầu giống cây cam giòn tăng cao đột biến. Không chỉ người dân trong xã mà nhân dân các xã vùng Trà Sơn trong huyện, Nghệ An, Quảng Bình… cũng tìm đến mua giống. Từ đầu năm đến nay, vườn ươm của tôi đã bán nhiều đợt. Tính đến cuối năm, số lượng cây cung cấp cho thị trường đạt khoảng 1,5 vạn”.
Vụ cam chanh của Hà Tĩnh thường kéo dài từ đầu tháng 9 âm lịch đến Tết Nguyên đán. Thời điểm cuối vụ, nếu như những loại cam chanh truyền thống sẽ bị giảm độ ngon, bị xốp thì cam giòn vẫn giữ được chất lượng, thậm chí vị ngọt còn đậm đà hơn, màu quả cũng đẹp hơn. Đặc biệt, sau khi được biết đến rộng rãi, giá cam giòn cũng đắt gấp đôi các loại cam chanh thông thường. Đó cũng là lý do để xã Thượng Lộc cũng như nhiều hộ trồng cam ở Can Lộc bắt đầu chú trọng mở rộng diện tích cây cam này.
Ông Đặng Trần Phong - Phó Bí thư Huyện ủy Can Lộc cho biết: "Theo quy hoạch, toàn huyện Can Lộc có 1.200 ha cam các loại, tuy nhiên, đến nay mới chỉ phủ được chưa đầy 1/2 diện tích. Chúng tôi cũng đang khuyến khích bà còn mạnh dạn đầu tư, mở rộng diện tích cam trên những vùng đồi đã được khai khẩn. Đặc biệt, huyện cũng định hướng cho bà con nhân dân, trước hết là ở xã Thượng Lộc trồng thêm cam giòn nhằm tạo điểm nhấn cho thương hiệu cam Thượng Lộc".