Liên tiếp phát hiện các vụ vi phạm về thực phẩm
Thời gian gần đây, lực lượng chức năng Hà Tĩnh liên tục phát hiện, xử lý nhiều vụ chế biến, kinh doanh thực phẩm bẩn trên địa bàn.
Lực lượng chức năng phát hiện 363kg sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc, không đảm bảo ATVSTP tại một hộ gia đình ở xã Kỳ Châu, huyện Kỳ Anh.
Ngày 17/12, tại xã Kỳ Châu, Phòng Cảnh sát môi trường (Công an tỉnh) phối hợp với Công an huyện Kỳ Anh tiến hành kiểm tra một hộ gia đình đã phát hiện có 363kg sản phẩm động vật (mỡ, da lợn đã qua sơ chế) không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP).
Đến ngày 20/12, Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế - ma túy (Công an huyện Thạch Hà) phát hiện một gia đình tại xã Tân Lâm Hương đang có hành vi chế biến 1 tạ mỡ động vật “bẩn” không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Gần đây nhất, ngày 25/12, tại phòng trọ ngõ 22, đường Nguyễn Hằng Chi (phường Trần Phú, TP Hà Tĩnh), Công an phường Trần Phú phát hiện 160kg trà xanh phơi khô không rõ nguồn gốc; trong đó, 65kg chưa đóng bao, 95kg đã đóng bao mang nhãn hiệu “Trà xanh Tân Cương”.
Những vụ việc trên đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về nguy cơ gia tăng thực phẩm bẩn, thực phẩm không đảm bảo chất lượng xâm nhập vào thị trường tiêu dùng dịp cuối năm.
160kg trà xanh phơi khô không rõ nguồn gốc được phát hiện tại phường Trần Phú, TP Hà Tĩnh .
Theo số liệu từ Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh, từ đầu năm đến nay, toàn toàn tỉnh đã kiểm tra 11.164 lượt cơ sở, phát hiện và tiến hành xử phạt vi phạm hành chính 817 cơ sở vi phạm ATVSTP, tổng số tiền nộp ngân sách nhà nước hơn 1,4 tỷ đồng.
Các vi phạm được lực lượng chức năng chỉ ra như: kinh doanh hàng hóa quá hạn sử dụng ghi trên nhãn hàng hóa; hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ; không tuân thủ các quy định về đảm bảo ATVSTP khi chế biến; sử dụng phụ gia thực phẩm đã quá hạn sử dụng; kho bảo quản không đảm bảo quy định…
Theo ông Phan Văn Hùng – Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh, càng vào những dịp cuối năm, nguy cơ gia tăng thực phẩm bẩn trên thị trường sẽ càng lớn nhất, là tình trạng thực phẩm bẩn vận chuyển qua địa bàn Hà Tĩnh.
Mặt khác, ở trên địa bàn tỉnh ta, số lượng cơ sở chế biến, kinh doanh, buôn bán thực phẩm nhỏ lẻ, manh mún là rất lớn, trong đó có cả cơ sở có phép và cơ sở không phép nên việc quản lý gặp nhiều khó khăn.
Mạnh tay từ cấp xã - giải pháp “gốc rễ”
Thời gian qua, các ngành chức năng đã vào cuộc kiểm tra, xử lý các vi phạm về ATVSTP. Tuy nhiên, theo đánh giá, hầu như chỉ cấp tỉnh và cấp huyện mới “mạnh tay”, còn ở cấp xã thì rất hạn chế.
Trưởng phòng Y tế TX Kỳ Anh Nguyễn Văn Luân cho biết: “Trong quá trình triển khai thực hiện, một số ban chỉ đạo xã, phường thường ủy thác cho trạm y tế xây dựng kế hoạch nên việc quản lý ATVSTP chưa bám sát được thực tế địa phương. Trong xử lý vi phạm còn chưa đủ sức răn đe”.
Đoàn liên ngành của huyện Hương Sơn kiểm tra một nhà hàng tại thị trấn Phố Châu (ảnh tư liệu).
Đồng tình với quan điểm trên, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Phan Văn Hùng cho rằng: Việc quản lý ATVSTP đã phân cấp đến tận cấp xã. Trong điều kiện nhiều cơ sở nhỏ lẻ, manh mún như hiện nay thì vai trò của cấp xã trong quản lý, giám sát, phát hiện, xử lý các vi phạm là rất quan trọng.
Tuy nhiên, nhân lực của cấp xã thực hiện nhiệm vụ lại rất yếu, không có thanh tra chuyên ngành. Khi phát hiện vi phạm lại xử lý không triệt để, dẫn đến tình trạng “nhờn luật”. Chính vì vậy, việc nâng cao trách nhiệm trong kiểm tra, xử lý các vi phạm từ cấp xã là giải pháp mang tính gốc rễ. Bên cạnh đó, rất mong người dân phát huy trách nhiệm giám sát, chủ động thông tin kịp thời cho lực lượng chức năng khi phát hiện các cơ sở, hộ kinh doanh có hành vi vi phạm".
Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh kiểm tra một số bếp ăn dành cho công nhân tại TX Kỳ Anh.
Ban chỉ đạo liên ngành ATVSTP tỉnh đã xây dựng kế hoạch triển khai công tác bảo đảm an toàn thực phẩm Tết Nguyên đán Tân Sửu và mùa lễ hội xuân 2021. Trong đợt ra quân này, đoàn liên ngành sẽ tập trung vào những mặt hàng được sử dụng nhiều như: thịt, sản phẩm từ thịt, bia, rượu, nước giải khát, bánh, mứt, kẹo, rau, củ, quả... và các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống. Chú trọng những cơ sở có dấu hiệu vi phạm về ATVSTP và kiểm soát các đầu mối sản xuất, kinh doanh thực phẩm, siêu thị, chợ, cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm; hoạt động buôn lậu, hàng giả, hàng không đảm bảo chất lượng, hết hạn sử dụng... |