Những yếu tố làm khởi phát cơn hen
Hàng đầu là các yếu tố gây dị ứng như phấn hoa, da lông súc vật, hóa chất, nấm mốc, bụi bẩn... Người ta cho rằng, các tác nhân này sau khi bị hít vào đường hô hấp sẽ kích ứng các tế bào miễn dịch giải phóng các chất như histamin có tính chất gây co thắt và phù nề, tăng tiết rất mạnh tại các tiểu phế quản gây nên cơn hen. Ngoài ra, dị ứng qua các con đường khác như dị ứng thực phẩm (sứa, tôm, cua biển...), dị ứng thuốc, hóa chất... cũng đều có khả năng khởi phát cơn hen ở người có cơ địa nhạy cảm và nhiều trường hợp biểu hiện rất nặng nề.
Nhiễm khuẩn và nhiễm virus đóng vai trò quan trọng trong việc khởi phát cơn hen phế quản cấp. Có những bằng chứng chắc chắn xác nhận những nhiễm khuẩn đường hô hấp trên gây nên bởi virus và Mycoplasma pneumoniae như là những tác nhân quan trọng làm bộc phát cơn hen phế quản. Các loại virus như R.syncytialvirus, Parainfluenza, Influenza A, Rhinovirus và Adenovirus cũng được cho là có liên quan.
Các hoạt động gắng sức quá mức cũng là yếu tố khởi phát cơn hen đối với một số người. Khi vận động mạnh, nhu cầu ôxy tăng khiến bệnh nhân phải thở nhanh, luồng khí ra vào phế quản nhanh và mạnh hơn, ít được làm ẩm và làm ấm hơn đã gây kích ứng các tiểu phế quản ở người nhạy cảm và cơn hen phế quản xảy ra.
Các yếu tố khác như nhiệt độ thấp; các chất ô nhiễm trong môi trường như bụi bẩn, khói bụi, khói thuốc lá cũng gây nguồn cho cơn hen bùng phát. Một số loại thuốc như thuốc chẹn beta giao cảm làm mất cân bằng giữa hệ giao cảm và đối giao cảm, aspirin, ibuprofen, các chất sulfite và phụ gia, chất màu trong thực phẩm có thể gây khởi phát hoặc làm nặng thêm tình trạng hen. Cơn hen phế quản cũng có nguy cơ bùng phát ở người bị các stress tâm lý nặng nề, đang có các cảm xúc mạnh (như vui buồn quá mức) và cuối cùng, trào ngược dạ dày thực quản, chu kỳ kinh nguyệt cũng là “thủ phạm” khởi nguồn một cơn co thắt cấp ở người mẫn cảm.
Sử dụng phác đồ thuốc dự phòng bao gồm thuốc giãn phế quản, corticoide dạng hít hoặc uống theo đúng chỉ dẫn của thầy thuốc để dự phòng cơn hen.
Đối tượng dễ mắc
Cơn hen chỉ xuất hiện ở những người tiềm ẩn những yếu tố nguy cơ. Nguy cơ thứ nhất là yếu tố gia đình (gene). Một người sẽ có nguy cơ bị hen khi tiếp xúc với các tác nhân kích thích nếu trong gia đình có người cùng huyết thống (bố mẹ, anh em ruột...) bị hen phế quản. Thứ hai là những người có cơ địa dị ứng hoặc hay bị các bệnh dị ứng như viêm mũi xoang, viêm da dị ứng. Những người này có nguy cơ cao bị co thắt phế quản cấp (hen) khi tiếp xúc với dị nguyên.
Người ta cũng liệt kê một số đối tượng khác nữa cũng dễ bị hen phế quản như người béo phì; người hút thuốc lá (kể cả hút thuốc lá thụ động); người có mẹ hút thuốc trong thời kỳ mang thai, người thường xuyên tiếp xúc với khói bụi và các chất gây ô nhiễm, hóa chất độc hại hoặc bụi trong các nhà máy xí nghiệp và người sinh thiếu cân non tháng.
Biểu hiện của hen phế quản cấp
Cơn hen phế quản thường xuất hiện với các dấu hiệu như mệt mỏi, đau đầu, khó thở tăng dần. Cá biệt cũng có trường hợp bệnh nhân lên cơn co thắt dữ dội, suy hô hấp cấp và tử vong. Bệnh nhân khó thở khi thở ra, hoảng hốt, vã mồ hôi lạnh, co kéo cơ hô hấp và đặc trưng nhất là tiếng cò cử hay tiếng thở khò khè. Bệnh nhân thở rất nặng nhọc, ngực như có cảm giác bó chặt, chèn ép và thường phải ngồi dậy, bám vào thành giường để thở.
Bệnh nhân cũng thường có ho nhiều với đờm trắng, dính hoặc đặc quánh kèm theo; hoặc sốt cao và ho khạc đờm vàng nếu có nhiễm khuẩn (bội nhiễm). Nghe phổi bệnh nhân thấy đầy tiếng ran (ran rít hoặc ran). Nếu không được xử trí, diễn biến của cơn hen sẽ nặng dần lên, chuyển thành nguy kịch với các dấu hiệu như mạch chậm rời rạc, tụt huyết áp, hôn mê, thở ngáp, nghe phổi “im lặng”. Có các dấu hiệu này đồng nghĩa với việc bệnh nhân sắp tử vong.
Cần làm gì để dự phòng và kiểm soát cơn hen?
Tuy không tuyệt đối, nhưng việc dự phòng sự xuất hiện của cơn hen là điều hoàn toàn có thể. Trước hết, đối với những người có nguy cơ cao bị hen (tính chất gia đình, cơ địa dị ứng...), nên tránh tiếp xúc với những chất dễ gây dị ứng như phấn hoa, bụi bẩn, hóa chất, khói thuốc lá. Người bị hen do gắng sức hoặc do thuốc tuyệt đối không vận động quá sức hoặc dùng lại những thứ thuốc mà trước đó đã khởi phát cơn hen. Người bị hen do nghề nghiệp tốt nhất nên chuyển đổi môi trường làm việc cho hợp lý hơn.
Dự phòng các bệnh viêm nhiễm đường hô hấp trên cũng cần thiết ở người đã từng bị hen và việc này càng nên được chú ý vào mùa lạnh. Duy trì trọng lượng cơ thể hợp lý, luyện tập thể lực nhẹ nhàng, chế độ dinh dưỡng tốt cũng góp phần đáng kể vào việc ngăn ngừa sự khởi phát của cơn hen. Ở những người có nguy cơ cao hơn, nên sử dụng phác đồ thuốc dự phòng bao gồm thuốc giãn phế quản, corticoide dạng hít hoặc uống theo đúng chỉ dẫn của thầy thuốc để dự phòng cơn hen.