Thời tiết nắng nóng, tôm nuôi rất dễ “dính” bệnh.
Mới xuống giống được hơn 15 ngày, anh Trương Quang Lộc ở vùng nuôi tôm Hà Vọoc – Hộ Độ (Lộc Hà) lo tôm bị “dính” bệnh vì sức đề kháng còn yếu lại gặp phải thời tiết nắng nóng gay gắt.
Anh Trương Quang Lộc - chủ đầm tôm ở Hộ Độ ( Lộc Hà) phải đầu tư làm nhà lưới chống nóng cho tôm.
“Mấy ngày gần đây, nhiệt độ ngoài trời từ 36 - 38 độ C kéo theo nhiệt độ trong hồ nuôi tăng lên, tôm nuôi rất dễ mắc bệnh gan tụy cấp tính. Để chống nóng cho tôm, tôi phải bỏ ra gần 50 triệu đồng mua lưới về phủ cho cả 2 ao nuôi. Từ khi có nhà lưới, nhiệt độ trong ao nuôi đã giảm 7 - 8 độ C, đảm bảo điều kiện cho tôm nuôi phát triển tốt” - anh Lộc chia sẻ.
Người dân nuôi tôm thuộc Tổ hợp tác Nuôi trồng thủy sản Hà Lầm thường xuyên kiểm tra, theo dõi ao nuôi.
Nắng nóng cũng khiến 10 hộ dân ở vùng nuôi tôm Hà Lầm (thôn Đông Hà 2, xã Thạch Long -Thạch Hà) “đứng ngồi, không yên”. Lo cho sức khỏe con tôm, các hộ nuôi phải thường xuyên “đội nắng” ra đầm kiểm tra, theo dõi và sử dụng các biện pháp chống nóng nhằm hạn chế dịch bệnh.
Ông Nguyễn Trung Hoa – Tổ trưởng Tổ hợp tác Nuôi trồng thủy sản Hà Lầm cho biết: Nâng cao mực nước cho ao nuôi; sử dụng quạt nước thường xuyên, nhất là vào ban đêm từ 22h đến 4h sáng... đó là những biện pháp mà các hộ dân ở đây áp dụng nhằm tăng cường hàm lượng oxy hòa tan, đặc biệt là tầng đáy nhằm tạo điều kiện cho vi sinh vật hiếu khí phát triển, làm giảm thiểu lượng khí độc trong ao.
Người dân sử dụng quạt nước sục khí thường xuyên để tăng hàm lượng oxy trong ao nuôi.
Cho đến thời điểm này, toàn tỉnh Hà Tĩnh có gần 2.000/2.750 ha diện tích nuôi tôm xuống giống. So với lịch thời vụ, vụ tôm đầu năm nay chậm hơn một tháng bởi ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, đầu ra gặp khó nên người dân thận trọng trong việc đầu tư thả nuôi.
Trước nhận định, năm nay có thể xẩy ra nhiều đợt nắng nóng gay gắt kéo dài, ngay từ đầu vụ, Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh đã chỉ đạo các địa phương tập trung tuyên truyền, đồng thời trực tiếp hướng dẫn các hộ thực hiện tốt các biện pháp chống nóng, giảm nhiệt và áp dụng quy trình kỹ thuật chăm sóc để nâng cao sức đề kháng tôm nuôi, hạn chế dịch bệnh xẩy ra.
Sức đề kháng của tôm trước sự thay đổi của nhiệt độ rất kém, dễ bị dịch bệnh tấn công.
Theo ông Lưu Quang Cần - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT), khi trời nắng nóng, hàm lượng dinh dưỡng trong ao nhiều, tạo điều kiện cho các loài tảo phát triển (nhất là các loài tảo lam, tảo giáp) sẽ tiết ra độc tố và khi tàn lụi đồng loạt gây thiếu ôxy, ô nhiễm nước ao, làm chết tôm hàng loạt.
Mặt khác, sức đề kháng của tôm đối với sự thay đổi của nhiệt độ rất kém và dễ bị dịch bệnh tấn công ở giai đoạn lột xác.
Khi nắng nóng, người nuôi tôm cần giảm lượng thức ăn, bổ sung vitamin C.
“Vào những ngày nắng nóng, khi nhiệt độ thay đổi vượt giới hạn thích hợp trên 32 độ C đối với tôm, các hộ nuôi cần chủ động giảm lượng thức ăn xuống còn 60 - 70% so với bình thường.
Tăng cường cho tôm nuôi ăn các loại thức ăn có chất lượng, bổ sung vitamin C, khoáng chất, men tiêu hóa... vào thức ăn để tăng sức đề kháng và phòng bệnh. Lưu ý cho tôm nuôi ăn vào thời điểm mát mẻ trong ngày” - ông Lưu Quang Cần khuyến cáo