Nông dân xã Ích Hậu (Lộc Hà) chuẩn bị đất gieo cấy vụ xuân 2021
Người xưa thường nói: “Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài” nhằm chỉ sự linh hoạt, khả năng thích ứng, biến đổi của con người trong đời sống. Trong sản xuất nông nghiệp hiện nay, trước những nguy cơ từ sự biến đổi khí hậu, người nông dân Hà Tĩnh đã biết “mềm” hóa lịch thời vụ, cơ động trong cách chăm sóc cây trồng, vật nuôi.
Ông Nguyễn Đức Tuấn (thôn Lương Trung, xã Ích Hậu, Lộc Hà) cho biết: “Thực tế cho thấy, mùa đông ngày càng đến muộn hơn và diễn biến bất thường. Chính vì thế, để không “thua cuộc”, tôi luôn chuẩn bị những phương án cho việc chăm sóc, bảo vệ lúa vụ xuân”.
Ông Tuấn là nông dân có nhiều năm kinh nghiệm trong việc trồng lúa bằng hình thức gieo sạ trên diện tích lớn. Hiện tại, với diện tích 8 ha, gia đình ông có cánh đồng chuyên trồng lúa lớn nhất xã Ích Hậu. Với đặc điểm cánh đồng nằm ở vùng trũng, để kịp thời vụ, hằng năm, ông Tuấn cùng gia đình xuống giống vụ xuân trước khung lịch chung khoảng 5-10 ngày. Tuy nhiên, thời tiết năm nay có nhiều thay đổi, do đó, ông cũng tính toán kỹ hơn cho việc gieo trồng sắp tới.
Bằng kinh nghiệm ứng phó với thời tiết cực đoan, nhiều năm qua ông Nguyễn Đức Tuấn (Ích Hậu, Lộc Hà) đã canh tác thành công trên cánh đồng lớn.
Theo ông Tuấn, vào thời điểm sau khi gieo sạ, cây mạ lên khoảng 3-4 lá mà gặp rét đậm, rét hại thì rất dễ chết, đây là lúc ruộng cần đủ nước để giữ ấm cho lúa. Vì vậy, ngoài nguồn nước thủy lợi từ sông Én, gia đình ông cũng đang triển khai đào hệ thống ao hồ, đắp đập để chủ động nguồn nước sản xuất. Ngoài ra, bên cạnh chọn những giống lúa chịu rét tốt, vụ xuân năm nay, ông quyết định gieo sạ với mật độ dày hơn các năm nhằm phục vụ cho việc tỉa giắm sau này…
Nếu như những năm trước, ông Tuấn chỉ gieo sạ cho tất cả diện tích thì năm nay ông lên kế hoạch dùng một ít đất để gieo mạ dự phòng. Đối với mạ dự phòng, ông tích cóp tro từ rơm rạ để phủ lên ruộng sau khi gieo và chuẩn bị ni-lông bao bọc cho mạ sau khi bắc để đảm bảo mạ không bị chết rét…
Xu hướng ấm dần lên của trái đất khiến mùa đông đến muộn hơn là việc mà người nông dân đã quen. Tuy nhiên, những hình thái biểu hiện của biến đổi khí hậu cực đoan là diễn biến khó lường nhất. Chính vì thế, hơn bao giờ hết, người nông dân không còn quá phụ thuộc vào cách tính tiết khí của người xưa nữa, thay vào đó tìm kiếm các thông tin dự báo thời tiết để chủ động hơn trong sản xuất.
Đối với nông dân trồng rau màu, nếu mùa đông đến muộn họ sẽ lên kế hoạch thay thế các loại cây chịu rét tốt. Trong ảnh: Chị Phan Thị Hồng Lộc (thôn Hồng Lĩnh, Vượng Lộc, Can Lộc)
Việc mùa đông đến muộn và rét kéo dài như những thông tin dự báo thời tiết năm nay đe dọa tất cả các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Và bằng kinh nghiệm của mình, những nông dân trồng rau, củ, quả cũng có những phương pháp ứng phó riêng.
Chị Phan Thị Hồng Lộc (thôn Hồng Lĩnh, xã Vượng Lộc, Can Lộc) chia sẻ: “Đối với những năm thời tiết rét có thể kéo dài đến ra tháng giêng, tháng hai, chúng tôi sẽ tránh gieo giống sớm các loại rau quả chịu lạnh kém như: bầu, bí, dưa chuột… Thay vào đó, chúng tôi sẽ kéo dài khoảng thời gian mùa vụ dành cho các loại rau chịu lạnh tốt hơn, như: súp lơ, bắp cải, su hào, cà chua, rau cải các loại... Tuy nhiên, để gia tăng sản xuất các loại cây khả năng chịu lạnh kém, chúng tôi cũng có những kinh nghiệm riêng để đảm bảo cây phát triển tốt”.
Khu vườn rau màu rộng lớn của người dân thôn Hồng Lĩnh (Vượng Lộc, Can Lộc)
Một trong những kinh nghiệm được chị Lộc và người trồng rau màu ở thôn Hồng Lĩnh áp dụng nhiều năm qua là ủ ấm cho cây trồng trong thời tiết rét đậm, rét hại. Theo chị Lộc, để làm ấm cho cây trồng, chị và bà con dùng phân chuồng, các loại rơm, rạ hoai mục, tấp ủ gốc. Đồng thời, bà con sẽ dùng ni-lông phủ kín các luống cây giai đoạn gieo mầm và cây con nhằm tăng nhiệt độ, độ ẩm cho đất để cây phát triển nhanh hơn.
Trước những dự báo bất thường về thời tiết, các hộ chăn nuôi có quy mô lớn cũng đã có những “kịch bản” của riêng mình. Là một cơ sở chăn nuôi áp dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất, thời điểm này, HTX Nga Hải (xã Xuân Mỹ, Nghi Xuân) cũng đã chuẩn bị nhiên liệu để phục vụ sưởi ấm cho đàn gà của mình trong những ngày lạnh.
Ông Lê Văn Bình - Giám đốc HTX Nga Hải cho biết: “Gà là loại vật nuôi chịu nhiệt kém, yêu cầu nhiệt độ trong chuồng trại phải luôn trên mức 28oC, vì vậy, trong điều kiện nhiệt độ xuống thấp, đòi hỏi một nguồn năng lượng lớn. Trong những đợt rét đến muộn và kéo dài trong thời gian tới, cơ sở của chúng tôi đã chuẩn bị khoảng 20 tấn than đá để ủ ấm cho đàn gà”.
Người nông dân Hà Tĩnh đã tìm nhiều cách để ủ ấm cho đàn gà vào mùa đông nhằm duy trì và phát triển loại vật nuôi này
HTX Nga Hải có quy mô đàn gà thường xuyên trên 20.000 con mỗi lứa. Đàn gà được bố trí nuôi ở 2 khu chuồng trại, mỗi khu 1.200 m2. Tại mỗi khu chuồng, ông Lê Văn Bình đặt 8 lò nhiệt để ủ than đá. Việc dùng than đá thay điện để sưởi ấm cho đàn gà sẽ giúp cơ sở của ông Bình tiết kiệm được hàng chục triệu đồng mỗi lứa, mặt khác, hiệu quả ủ ấm cũng tốt hơn…
Trước những biến đổi của khí hậu, người nông dân Hà Tĩnh cũng có những biến chuyển trong phương pháp sản xuất. Không bảo thủ, linh hoạt chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi; nghe theo sự hướng dẫn của cán bộ chuyên môn; ứng dụng nhiều kinh nghiệm sản xuất đi đôi với khai thác sự tiến bộ của KHKT là cách mà người nông dân lựa chọn để tránh thất bát…