Xã Sơn Trường có hơn 300 ha cam bù, phát triển sinh trưởng tốt
Vườn cam bù của ông Lê Văn Tý ở thôn 5, xã Sơn Trường có 600 gốc, được trồng ở trên đồi cao đang phát triển, sinh trưởng tốt. Những cây cam bù tươi xanh, trĩu quả, hứa hẹn một mùa bội thu.
Lo lắng gió bão số 8 ảnh hưởng đến vườn cam, ông Tý đang khẩn trương dùng những cọc chống bằng tre để chống đỡ cành, giằng néo cố định để giữ chắc gốc cây. Ông Tý cho biết, hơn 10 năm trồng cam nhưng chưa thấy năm nào cam bù sai quả như năm nay, ước tính sản lượng đạt hơn 30 tấn, gấp 3 - 4 lần so với năm trước.
Ông Lê Văn Tý ở thôn 5, xã Sơn Trường dùng cọc tre chống đỡ cho những cây cam bù trước mưa bão...
“Để “ăn chắc” cho đến ngày thu hoạch, khi nghe tin cơn bão số 8 đổ bộ vào Hà Tĩnh, tôi phải lên đồi để giằng néo, làm gọn tán cây nhằm giảm thiểu sự va đập khi mưa to, gió lớn và bảo vệ gốc cam, không làm ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng” - Ông Tý cho hay.
Không chỉ ông Tý mà những người trồng cam bù tập trung tại các thôn 5, 8, 9 ở xã Sơn Trường cũng đang khẩn trương ứng phó với mưa bão, đề phòng gió lớn làm bật gốc, ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển của cây.
....và giằng néo cố định những cây cam đề phòng trước gió lớn.
Ngoài việc chống đỡ cho cây, các hộ dân trồng cam bù ở đây còn tìm cách chủ động tiêu thoát nước tránh tình trạng ngập úng lâu ngày dẫn đến thối rễ chết cây.
Ông Trần Minh Truyền - Bí thư Đảng ủy xã cho biết, Sơn Trường được xem là “thủ phủ” cam bù của Hương Sơn với tổng diện tích 312 ha. Năm nay, thời tiết khá thuận lợi, sản lượng cam tăng cao, ước đạt trên 350 tấn.
Cam bù năm nay cho sản lượng cao so với nhiều năm trước
Đây là cây trồng chủ lực của xã, mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân nhất là vào dịp tết Nguyên đán. Bởi vậy, xã đã chỉ đạo các thôn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, kêu gọi người dân quan tâm chăm sóc, bảo vệ ứng phó với thiên tai để cam bù mang lại hiệu quả như mong muốn.
Ở xã Kim Hoa, để đảm bảo an toàn cho gần 250 ha cây cam bù, hơn 300 hộ dân cũng đã thực hiện các biện pháp chống đỡ ứng phó với mưa gió. “Thời điểm này, tôi đang bắt đầu thu hoạch cam chanh nhưng rớt giá thê thảm, tiêu thụ khó khăn. Bây giờ gia đình chỉ hy vọng vào 500 gốc cam bù, dự kiến bình quân mỗi gốc cho 1,5 - 2 tạ quả. Do đó, tôi phải nỗ lực bảo toàn sản lượng, giảm thiểu những tác động do mưa bão gây ra" - ông Nguyễn Tiến Lộc ở thôn Kim Lĩnh bày tỏ.
Để bảo toàn sản lượng, người dân trồng cam bù Hương Sơn chủ động ứng phó với thiên tai.
Toàn huyện Hương Sơn hiện có hơn 1.000 ha diện tích trồng cam bù, trong đó có 617 ha cho sản phẩm. Diện tích sản xuất tập trung tại các xã: Sơn Trường, Kim Hoa, Sơn Hàm, Sơn Lâm, Quang Diệm và rải rác ở một số xã như: Sơn Tây, Sơn Trung, Sơn Kim 1.
Theo ghi nhận, đến thời điểm này, bà con nông dân đã cơ bản hoàn thành công tác gằng néo, chống đỡ các diện tích, chủ động ứng phó với dự báo bão số 8 có khả năng gây ảnh hưởng đến Hà Tĩnh.
Theo ông Phan Xuân Đức - Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Hương Sơn, còn gần 4 tháng là vào dịp thu hoạch cam bù. Năm nay, cam bù sinh trưởng và cho quả tốt khiến người dân rất phấn khởi.
Người dân thu tỉa quả để nâng cao chất lượng sản phẩm đặc sản cam bù
Tuy nhiên, để cam bù phát triển bền vững, ngành chuyên môn khuyến cáo người dân tỉa bớt quả để nâng cao chất lượng, đem lại giá trị kinh tế cao hơn. Đồng thời, đó cũng là giải pháp nhằm ứng phó an toàn với tình mưa mưa bão từ nay đến cuối vụ. Cùng với đó, tập trung chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, phòng trừ tốt sâu bệnh.. để cam bù sinh trưởng tốt, mang lại nguồn thu nhập cao cho người dân vùng núi Hương Sơn.