Phát triển tài sản trí tuệ nhằm nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp

(Baohatinh.vn) - Phát triển tài sản trí tuệ các sản phẩm đặc sản, làng nghề truyền thống Hà Tĩnh dưới hình thức chỉ dẫn địa lý (CDĐL), nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể đã trở thành chiến lược để nâng cao nhận thức của người tiêu dùng và sức cạnh tranh của sản phẩm.

Phát triển tài sản trí tuệ nhằm nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp

Việc khảo nghiệm đưa các giống mới vào sản xuất đã góp phần đa dạng hoá giống nông sản, nâng cao năng suất trên đơn vị diện tích (ảnh tư liệu).

Hà Tĩnh là tỉnh có nhiều đặc sản có chất lượng, uy tín được người tiêu dùng ưa chuộng. Trong những năm gần đây, với sự vào cuộc, đồng hành quyết liệt của các cấp, ngành, sản xuất nông nghiệp tỉnh nhà ngày càng phát triển, hình thành nhiều vùng sản xuất hàng hóa, chuyên canh quy mô lớn, áp dụng quy trình VietGAP, liên kết theo chuỗi sản xuất và thị trường. Nhiều sản phẩm đặc sản như bưởi Phúc Trạch, cam Khe Mây, nhung hươu Hương Sơn, cu đơ Hà Tĩnh, nước mắm Kỳ Ninh… đã được sản xuất quy mô lớn, tiêu thụ khắp trên thị trường trong và ngoài nước.

Đơn cử, nhờ làm tốt công tác quản lý chỉ dẫn địa lý, thương hiệu bưởi Phúc Trạch (Hương Khê) đã được khẳng định, sản phẩm được phân phối, quảng bá bằng nhiều hình thức, giá trị ngày càng được nâng cao, tạo động lực cho người dân phát triển sản xuất.

Anh Hà Tiến Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Sản xuất và Kinh doanh bưởi Phúc Trạch cho biết, sau khi được cấp văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý và có hệ thống chỉ dẫn địa lý nên bưởi Phúc Trạch hiện có giá bán cao gấp 1 -1,5 lần so với trước đây. Bên cạnh đó, có tem, nhãn nên hạn chế được tình trạng nhái thương hiệu, tạo niềm tin đối với người tiêu dùng. Mặc dù trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, bưởi Phúc Trạch vẫn lên sàn thương mại điện tử và tiêu thụ tốt.

Hay như sản phẩm “Cam Thượng Lộc” của vùng trà sơn huyện Can Lộc đã được bảo hộ độc quyền về thương hiệu. Nhờ được quản lý, khai thác, phát triển và quảng bá rộng rãi, giá trị sản phẩm cam Thượng Lộc tăng khoảng 15% so với trước đó, thương hiệu được khẳng định và thị trường tiêu thụ ngày càng phát triển.

Phát triển tài sản trí tuệ nhằm nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp

Sản phẩm mực Thạch Kim của cơ sở Ngọc Diệp được chế biến theo quy trình đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, không sử dụng hoá chất...

Song song với việc đẩy mạnh sản xuất, để xây dựng, quản lý thương hiệu, nâng cao giá trị sản phẩm, thời gian qua, Hà Tĩnh đã quan tâm triển khai đề án hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ. Tính đến năm hết 2020, tỉnh đã hỗ trợ thiết kế, đăng ký nhãn hiệu cho 2.251 sản phẩm tại Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam. Đồng thời, phát triển tài sản trí tuệ cho 15 sản phẩm đặc sản, làng nghề như: bưởi Phúc Trạch, nhung hươu Hương Sơn, kẹo cu đơ Hà Tĩnh, cam bù Hương Sơn, cam Khe Mây, cam Thượng Lộc, cam Sơn Mai, mực Thạch Kim - Cửa Sót, nước mắm Kỳ Ninh, mật ong Hương Sơn, cam Vũ Quang, mật ong Vũ Quang, mộc Thái Yên, chè Hồng Lộc, rau an toàn Tượng Sơn.

Bên cạnh đó, tỉnh còn triển khai xây dựng và công nhận 7 sản phẩm đạt OCOP 4 sao, 152 sản phẩm đạt OCOP 3 sao; công nhận quy trình sản xuất thực hành tốt VietGAP cho 1.705 ha bưởi, cam, 60 ha lúa và 10 ha rau các loại.

Các hoạt động trên góp phần chuẩn hóa hoạt động sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp Hà Tĩnh, đồng thời hướng đến sản xuất hàng hóa, khẳng định về chất lượng và thương hiệu, nâng cao sức cạnh tranh, phát triển thị trường gắn với khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương.

Phát triển tài sản trí tuệ nhằm nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp

Sản phẩm bưởi Phúc Trạch đã được sản xuất quy mô lớn, tiêu thụ khắp trên thị trường trong và ngoài nước.

Tuy nhiên, bên cạnh các tổ chức, hộ gia đình thực hiện tốt quy trình sản xuất, tuân thủ nghiêm và thực hiện tốt các quy định về chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc, vẫn còn không ít đơn vị, cá nhân, nhận thức chưa đầy đủ về ý nghĩa, giá trị tài sản trí tuệ, giá trị thương mại của vùng có chỉ dẫn địa lý.

Cách hiểu và áp dụng các dấu hiệu truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm chưa thống nhất, tình trạng trên một đơn vị sản phẩm phải dán 2-3 loại tem (tem CDĐL, tem truy xuất VietGAP và tem OCOP) nên khó khăn trong thực hiện; cơ sở dữ liệu để truy xuất nguồn gốc sản phẩm còn thiếu thông tin, đa số chỉ truy xuất đến hộ, chưa truy xuất đến lô sản xuất, cây, quả cho sản phẩm. Diện tích sản xuất theo quy trình VietGAP, GlobalGAP còn ít. Áp dụng quy trình sản xuất, kỹ thuật bón phân, cắt tỉa cành, phòng trừ sâu bệnh chưa tuân thủ đầy đủ kỹ thuật, dẫn đến chất lượng không đồng đều, mẫu mã sản phẩm chưa được như kỳ vọng.

Những tồn tại, hạn chế trên là thực trạng chung của các sản phẩm nông nghiệp tỉnh nhà khi tiếp cận thị trường lớn trong nước và sẽ khó bền vững trên thị trường thế giới nếu không điều chỉnh theo hướng sản xuất, quảng bá, kinh doanh theo tiêu chuẩn quốc tế.

Để các sản phẩm nông nghiệp của Hà Tĩnh tiếp tục khẳng định thương hiệu, nâng cao giá trị, đòi hỏi các cơ quan quản lý, hộ sản xuất, kinh doanh cần thay đổi nhận thức, tư duy và thực hiện đồng bộ các giải pháp như tiếp tục hỗ trợ, xúc tiến phát triển tài sản trí tuệ cho các sản phẩm đặc sản, làng nghề truyền thống dưới hình thức chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, tập thể. Đây là hướng đi chủ yếu mà Liên minh châu Âu, Nhật Bản, Ấn Độ... chú trọng áp dụng và được quy định trong Hiệp định TRIPs (Hiệp định về các khía cạnh liên quan tới thương mại của quyền sỡ hữu trí tuệ) áp dụng trên toàn thế giới. Đối với các sản phẩm đã được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, cần tăng cường công tác đào tạo, huấn luyện và trao đổi kinh nghiệm về quản lý, khai thác quyền sở hữu trí tuệ cho tổ chức quản lý và sử dụng.

Phát triển tài sản trí tuệ nhằm nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp

Để các sản phẩm nông nghiệp tiếp tục nâng cao giá trị, đòi hỏi các cơ quan quản lý, hộ sản xuất, kinh doanh cần thay đổi nhận thức, tư duy trong phát triển tài sản trí tuệ cho các sản phẩm đặc sản, làng nghề truyền thống.

Mặt khác, đẩy mạnh việc hỗ trợ, xúc tiến xây dựng các vùng sản xuất tập trung, chuyên canh áp dụng quy trình sản xuất thực hành tốt theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP để quản lý và sản xuất sản phẩm nông nghiệp theo tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế. Sau khi được công nhận, các chủ cơ sở sản xuất cần tăng cường quản lý chặt chẽ quy trình, tổ chức thực hiện nghiêm ngặt các yêu cầu kỹ thuật. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn về quy trình sản xuất, kiến thức quản trị, phát triển thị trường, thương hiệu cho các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp.

Phó Giám đốc Sở KH&CN

Chủ đề Khoa học - kỹ thuật

Đọc thêm

Viên đá quý hiếm nhất trên Trái Đất

Viên đá quý hiếm nhất trên Trái Đất

Viên đá quý hiếm nhất trên Trái Đất được làm từ kyawthuite, loại khoáng chất màu đỏ cam trong suốt chỉ có một mẫu vật đặt ở Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Los Angeles.
Mỹ phê duyệt vaccine cúm dạng xịt

Mỹ phê duyệt vaccine cúm dạng xịt

Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm FDA chấp thuận vaccine cúm dạng xịt FluMist do AstraZeneca sản xuất, có thể tự tiêm, không cần nhân viên y tế hỗ trợ.