Cán bộ Hạt Kiểm lâm Hương Khê đôn đốc, nhắc nhở cán bộ bảo vệ rừng của BQL rừng phòng hộ Hương Khê ưu tiên kiểm tra, kiểm soát, bảo vệ những vùng rừng dễ cháy.
BQL rừng phòng hộ Hương Khê là chủ rừng được giao quản lý, bảo vệ 31.040 ha rừng và đất lâm nghiệp (chiếm gần 1/3 tổng diện toàn huyện). Do có rừng phủ rộng tại 12/21 địa phương, có nhiều tuyến đường tiểu, nhận thức của người dân về PCCCR còn hạn chế, có nhiều vùng rừng có thực bì dày... nên nguy cơ xảy ra cháy rất cao.
Trước tình hình đó, BQL rừng phòng hộ Hương Khê đã chủ động xây dựng kế hoạch, chuẩn bị nhân lực, phương tiện sẵn sàng bảo vệ tốt diện tích rừng được giao. Đặc biệt, công tác PCCCR ở những vùng trọng điểm, dễ cháy được các trạm bảo vệ rừng của đơn vị phối hợp với chính quyền địa phương tập trung cao, nhất tại các tiểu khu: 245, 257, 258 (Hương Trạch); 237 (Phúc Trạch); 210, 227 (Lộc Yên); 196 (Hương Giang), 269 (Hương Lâm)...
Cán bộ Trạm Bảo vệ rừng Rào Rồng (BQL rừng phòng hộ Hương Khê) tuần tra, bảo vệ rừng đầu mùa nắng nóng.
Trưởng BQL rừng phòng hộ Hương Khê Nguyễn Thượng Hải cho biết: “Để bảo vệ rừng trong mùa nắng nóng, chúng tôi có kế hoạch bố trí 500 triệu đồng để mua sắm bổ sung dụng cụ, sửa chòi canh, sơn sửa biển tường, phối hợp tuyên truyền và các nhiệm vụ khác. Cùng đó, đơn vị cũng đã sẵn sàng “4 tại chỗ”, xử lý 20 ha thực bì ở những vùng rừng có nguy cơ cháy cao, phát dọn 25 km đường lâm nghiệp phục vụ PCCCR và tổ chức tuần tra, trực gác để “canh” lửa và kiểm soát người vào rừng”.
Các lực lượng chức năng phối hợp tuần tra, kiểm tra các vùng rừng trồng dễ cháy ở xã Hương Trạch.
Nhằm mục tiêu hạn chế tối đa thiệt hại về rừng do cháy, các địa phương ở Hương Khê cũng đang tập trung vào cuộc cao, triển khai các biện pháp BVR sát thực tiễn. Phó Chủ tịch UBND xã Hương Trạch Phan Anh Thái thông tin: “Địa phương có hơn 9.000 ha, trong đó có hơn 5.000 ha do Khu Bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ quản lý, hơn 2.500 ha do Ban Quản lý rừng phòng hộ Hương Khê quản lý, còn lại đã được giao cho người dân sản xuất. Vì có nhiều vùng rừng dễ cháy, phức tạp, giáp ranh... nên các vấn đề liên quan đến PCCCR đã được xã sớm chủ động triển khai. Chúng tôi đã xây dựng xong phương án bảo vệ rừng, thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở trên hệ thống loa phát thanh của xã, thành lập lực lượng xung kích khoảng 100 người, bố trí đủ phương tiện chữa cháy (dao, cưa xăng, máy thổi, đèn pin), thường xuyên thông tin, phối hợp với các chủ rừng... sẵn sàng trong mọi tình huống”.
Cán bộ kiểm lâm tổ chức tuyên truyền lưu động nâng cao ý thức, nhận thức PCCCR cho người dân.
Với sự vào cuộc đồng bộ, hiệu quả của các cấp, các ngành, ý thức bảo vệ rừng, PCCCR của người dân Hương Khê đã có những chuyển biến tích cực. Ông Ngô Văn Sơn ở thôn Phú Lâm (xã Phú Gia) cho hay: Người dân trên địa bàn nói chung và gia đình tôi (có 15 ha rừng trồng) nói riêng luôn xác định việc giữ rừng không bị cháy là việc chung, quan trọng, góp phần đảm bảo sinh kế của chính mình. Vì vậy, mọi người luôn quan tâm thực hiện bằng những việc làm cụ thể hằng ngày như: phát dọn và đốt thực bì đúng cách, không vào rừng đốt ong, hạn chế vào rừng trong những ngày nắng nóng, kịp thời hỗ trợ nhau khi có cháy rừng, tạo khoảng cách giữa các khu rừng trồng để làm đường băng cản lửa...
Tuyên truyền, ký cam kết bảo vệ rừng, PCCCR cho các em học sinh ở Trường THCS xã Hương Lâm.
Huyện Hương Khê là một trong những địa phương có diện tích lớn nhất Hà Tĩnh với 100.172 ha rừng và đất lâm nghiệp, trong đó: rừng đặc dụng hơn 17.337 ha, rừng phòng hộ 30.900 ha, còn lại rừng sản xuất.
Để bảo vệ rừng trong mùa nắng nóng, cấp ủy, chính quyền, tổ chức đoàn thể ở các xã, thị trấn cùng lực lượng kiểm lâm, 7 chủ rừng Nhà nước, bộ đội biên phòng, công an, quân sự... đã tập trung vào cuộc cao, bố trí đủ lực lượng, phương tiện, trang bị, phương án ngăn chặn cháy rừng.
Cán bộ kiểm lâm Hương Khê kiểm tra các phương tiện phục vụ PCCCR.
Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Hương Khê Nguyễn Quang Hào cho biết: Chúng tôi đã tham mưu cho UBND huyện và các địa phương xây dựng phương án, kế hoạch bảo vệ rừng, PCCCR sát thực tiễn, mang tính khả thi cao. Cùng với công tác thông tin, tuyên truyền, ký cam kết cho các hộ dân, chúng tôi cũng đã chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra các chủ rừng bảo vệ rừng tại gốc, lấy “phòng” làm chính, sẵn sàng “4 tại chỗ” để chữa cháy kịp thời. Ngoài ra, chúng tôi cũng phối hợp chặt chẽ với các lực lượng khác để có sự vào cuộc đồng bộ, hiệu quả hơn, nhất là bộ đội biên phòng, quân sự, công an, đoàn thanh niên...