Nghị quyết số 18 NQ/TW Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” nêu rõ: "Sắp xếp, thu gọn hợp lý các đơn vị hành chính cấp xã chưa đạt 50% tiêu chuẩn theo quy định về quy mô dân số, diện tích tự nhiên và giảm số lượng thôn, tổ dân phố".
Thực hiện nghị quyết này, năm 2018, huyện Đức Thọ dự định sáp nhập 4 xã nói trên. Đến năm 2019, 4 xã tiếp sẽ được đưa vào kế hoạch sáp nhập là: Đức Nhân với Đức La, Trung Lễ với Đức Thủy.
Trụ sở xã Đức Tùng đủ điều kiện để trở thành trung tâm hành chính xã mới, nếu thực hiện chủ trương sáp nhập
Theo số liệu khảo sát của Phòng Nội vụ huyện Đức Thọ, Đức Vĩnh có diện tích 3,82km2, dân số hơn 1.230 người; Đức Quang diện tích 5,44km2, dân số hơn 1.930 người. Đức Tùng có diện tích 4,79km2, dân số hơn 1.850 người; Đức Châu diện tích 4,81km2, dân số hơn 1.780 người.
“Ngoài căn cứ vào diện tích, dân số, để tính toán sáp nhập xã, chúng tôi còn căn cứ vào yếu tố lịch sử. Đức Tùng và Đức Châu năm 1946 là một xã: xã Tùng Châu. Năm 1946, xã Đức Vĩnh hợp với các thôn Đa Lộc, Hưng Nghĩa, Thọ Xuân, Quang Dự thành xã Tiền Tiến; đến năm 1953, xã Tiền Tiến tách ra thành 2 xã là Đức Vĩnh và Đức Quang” – ông Võ Đức Thuận, Phó trưởng phòng Nội vụ huyện Đức Thọ cho hay.
Số liệu thống kê trên cho thấy, một số xã ở Đức Thọ, riêng về dân số chỉ tương đương số nhân khẩu trong một thôn ở một số địa bàn. Nếu so cùng đơn vị hành chính, thì phải 8 - 9 xã như Đức Vĩnh mới bằng dân số 1 xã như xã Kỳ Khang, Kỳ Phú, huyện Kỳ Anh (năm 2017, Kỳ Khang có 10.936 người, Kỳ Phú có hơn 10.300 người).
Tất nhiên, mỗi địa phương đều có những đặc thù, nhất là yếu tố lịch sử khác nhau; nhưng đưa ra con số so sánh như trên để thấy, trên địa bàn tỉnh, nhiều xã có dân số lớn, nhưng nhiều xã có dân số rất ít. Dân số ít cùng với diện tích nhỏ, nên số thôn trên địa bàn cũng rất… khiêm tốn. Đức Vĩnh, Đức Châu đều có 3 thôn, Đức Tùng 4 thôn. Về mặt chính sách và điều hành thực tiễn công việc, sự chênh lệch trên cho thấy phần nào bất cập.
Ông Đào Hồng Minh – Trưởng thôn Văn Khang (Đức Tùng): Sáp nhập xã là chủ trương đúng. Đức Tùng và xã Đức Châu trước đây là một xã, giờ sáp nhập thì xã mới cũng chỉ có 7 thôn, đường sá, phương tiện thuận lợi
Ông Võ Đức Thuận cũng cho rằng: “Việc sáp nhập xã có quy mô nhỏ là rất phù hợp. Chỉ riêng việc so sánh với ngày xưa đã cho thấy việc này cần thiết. Trước đây, hạ tầng giao thông khó khăn, phương tiện liên lạc, đi lại lạc hậu nhưng xã quy mô lớn; giờ đường sá thuận tiện, phương tiện đa dạng thì xã quy mô nhỏ. Do đó, việc sáp nhập là cần thiết, nhằm giảm đầu mối, tiết kiệm chi ngân sách”.
Cùng quan điểm với ông Thuận, Chủ tịch UBND xã Đức Tùng Nguyễn Ngọc Thơ bày tỏ: “Chúng tôi rất đồng tình chủ trương sáp nhập xã. Về phía xã thì chủ yếu quán triệt chủ trương, đồng thời phối hợp với huyện để xây dựng các đề án. Hơn nữa, xã Đức Tùng với Đức Châu trước đây là một xã”. Tất nhiên, ông Thơ cũng bày tỏ những băn khoăn về công tác cán bộ, cơ sở vật chất.
Từ thực tiễn và thực hiện nghị quyết của Đảng, vừa qua, Ban Thường vụ Huyện ủy Đức Thọ đã tiến hành họp, bàn bạc nội dung sáp nhập xã. Được biết, để thực hiện chủ trương, khối lượng công việc mà cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở ở Đức Thọ phải làm là rất lớn. Trước mắt, Ban Thường vụ thống nhất các phương án và lộ trình cụ thể; sau đó, UBND huyện sẽ ban hành đề án tổng thể cùng các đề án về: cán bộ, công chức; cơ sở vật chất, đơn vị sự nghiệp (trường học, trạm y tế)...
Được biết, 28 đơn vị hành chính cấp xã của Đức Thọ thì 15 xã đủ điều kiện để sáp nhập, trong đó có 10 xã dưới 3.000 dân.