Theo đánh giá của Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh trong văn bản ban hành ngày 13/5, thời gian qua, chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã được các địa phương quan tâm triển khai thực hiện.
Trong năm 2023 và quý I/2024, toàn tỉnh có thêm 92 sản phẩm mới được công nhận, 143 sản phẩm công nhận lại đạt chuẩn OCOP 3 sao và hơn 50 ý tưởng sản phẩm đăng ký tham gia chương trình.
Lũy kế đến nay, toàn tỉnh đã đánh giá công nhận 337 sản phẩm OCOP, hiện nay có 235 sản phẩm có hiệu lực chứng nhận OCOP.
Một số sản phẩm sau khi được công nhận tích cực mở rộng thị trường tiêu thụ, tăng quy mô sản xuất, tăng doanh số, tạo việc làm cho nhiều lao động nông thôn.
Tuy nhiên, vừa qua, đoàn kiểm tra liên ngành do Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh chủ trì phối hợp với các sở liên quan kiểm tra tại cơ sở có sản phẩm đạt chuẩn OCOP được công nhận năm 2023 tại 13 huyện, thành phố, thị xã nhận thấy một số tồn tại hạn chế như sau:
Sản phẩm đã được UBND cấp huyện công nhận nhưng chưa được dán tem OCOP hoặc có dán tem nhưng không kích hoạt lô sản xuất, ngày sản xuất; một số sản phẩm dán tem OCOP trên sản phẩm không đúng với mẫu mã khi đăng ký đánh giá, phân hạng; việc công bố tiêu chuẩn cơ sở sản xuất chưa được quan tâm thực hiện hoặc thực hiện chưa đúng quy trình đã công bố; sản phẩm công nhận còn chung chung, chưa xác định rõ bộ sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP; các chủ thể chưa tích cực trong công tác xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm sau công nhận; một số điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP hiệu quả hoạt động chưa cao.
Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh cũng cho rằng, UBND cấp huyện chưa chú trọng công tác kiểm tra, hướng dẫn hỗ trợ, khắc phục một số nội dung sau kiểm tra đánh giá phân hạng.
Để khắc phục những nội dung trên, Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh đề nghị UBND các huyện, thành phố, thị xã thực hiện nghiêm các nội dung sau:
1. Tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở có sản phẩm OCOP sau khi được công nhận với các nội dung: Thực hiện niêm yết công khai quy trình sản xuất tại cơ sở và đảm bảo thực hiện đúng quy trình sản xuất đã công bố; tăng cường tự kiểm soát, giám sát chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm theo chuỗi giá trị sản phẩm; đảm bảo việc sử dụng biểu trưng OCOP và truy xuất nguồn gốc sản phẩm đúng quy định.
Nếu cơ sở nào tiếp tục xảy ra vi phạm, đề nghị UBND các huyện, thành phố, thị xã có biện pháp xử lý và thu hồi chứng nhận đạt chuẩn OCOP.
2. Đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm OCOP của địa phương; củng cố và kết nối với các cơ sở OCOP trong và ngoài tỉnh đa dạng sản phẩm tại các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP; hỗ trợ cơ sở kết nối tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm; tích cực chủ động đa dạng hóa kênh bán hàng, đặc biệt là kênh thương mại điện tử: Tiktok, Facebook...
3. Phối hợp với các đơn vị liên quan hỗ trợ chủ thể sản xuất sản phẩm OCOP phát triển sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị hàng hóa bền vững.
4. Chỉ đạo UBND cấp xã vào cuộc tích cực, sâu sát; soát xét những tiềm năng thế mạnh, sản phẩm đặc trưng để tuyên truyền, khuyến khích, vận động các tổ chức, cá nhân có sản phẩm tiềm năng phát triển đăng ký tham gia chương trình; đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền sâu rộng về mục đích, ý nghĩa của chương trình OCOP đến toàn thể người dân, các tổ chức kinh tế hiểu được lợi ích, giá trị kinh tế khi thực hiện chương trình OCOP tại địa phương.