Nước mắm Lạch Kèn được xây dựng bộ nhận diện thương hiệu như tem, nhãn, tem truy xuất nguồn gốc... để thị trường dễ dàng nhận biết sản phẩm của HTX Thiên Phú.
Trải qua quá trình phát triển, HTX Thiên Phú (xã Cương Gián – Nghi Xuân) đã từng bước xây dựng và khẳng định thương hiệu nước mắm Lạch Kèn trên thị trường trong và ngoài tỉnh.
Giám đốc HTX Thiên Phú - Ngô Trung Trực chia sẻ: “Khi được lựa chọn tham gia Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, nước mắm Lạch Kèn được hỗ trợ xây dựng bộ nhận diện thương hiệu gồm tem, mác, nhãn truy xuất nguồn gốc, mẫu chai đóng gói…
Đồng thời, cơ sở tham gia các hội chợ, triển lãm quy mô lớn do Sở Công thương Hà Tĩnh kết nối tại các địa phương khác để giới thiệu sản phẩm nước mắm “đặc sản” của địa phương. Vì thế, trong năm nay, HTX sẽ nâng quy mô từ 40.000 lít lên 60.000 lít để kịp cung ứng cho thị trường”.
Nước mắm Lạch Kèn ngày càng được người tiêu dùng tin tưởng lựa chọn
Không chỉ mở rộng thị trường, thương hiệu còn là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh và phát triển của doanh nghiệp. Đó là câu chuyện của cơ sở sản xuất nem chua Ý Bình (Hương Sơn).
Nhờ tích cực xây dựng thương hiệu và giới thiệu sản phẩm tại nhiều hội chợ có quy mô, cơ sở đã có năng lực cạnh tranh và kí kết thành công nhiều hợp đồng cung ứng sản phẩm với đại lý các tỉnh ở Hà Nội, Quảng Ninh, Cao Bằng…
Chị Lê Thị Bình – Chủ cơ sở nem chua Ý Bình cho biết: “Thời gian qua, với sự hỗ trợ, tư vấn của ngành Công thương, cơ sở đã có chính sách đầu tư để cải tiến mẫu mã, bao bì cho sản phẩm ngày càng “bắt mắt”, hấp dẫn hơn. Cơ sở tiến hành quảng bá, truyền thông phù hợp với phân khúc thị trường mới. Như thế mới có thể phát triển và giữ vững thương hiệu trước sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường hiện nay”.
Cơ sở sản xuất nem chua Ý Bình xây dựng và quảng bá thành công thương hiệu đến với thị trường trong và ngoài tỉnh
Với sự hướng dẫn và hỗ trợ tích cực của Sở Công thương Hà Tĩnh, nhiều cơ sở sản xuất, doanh nghiệp đã có thêm nguồn vốn, mạnh dạn đầu tư nâng cấp máy móc, trang thiết bị, ứng dụng tiêu chuẩn sản xuất sạch,… để tạo ra sản phẩm có chất lượng, góp phần xây dựng thương hiệu cho một số sản phẩm tiêu biểu của tỉnh như: Nước mắm, cây ăn quả, nông sản sạch, đồ gỗ…
Tham gia các hội chợ, triễn lãm lớn... là cách để quảng bá thương hiệu hiệu quả, giúp khách hàng biết được các sản phẩm tiêu biểu của địa phương.
Đồng thời, sở còn tiến hành kết nối, hỗ trợ kinh phí để các đơn vị tham gia giới thiệu thương hiệu tại các hội chợ, triễn lãm quy mô cấp tỉnh, cấp quốc gia… Trong năm 2019, ngành Công thương cùng với Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại Hà Tĩnh tiếp tục đồng hành, hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu, phát triển thương hiệu cho sản phẩm dầu lạc của Công ty TNHH Thắm An và bánh gai Đức Yên (Đức Thọ).
Giám đốc Sở Công thương Hoàng Văn Quảng cho biết: “Ngành Công thương sẽ thông qua các chương trình kết nối giao thương và kết nối cung cầu, mở rộng thị trường để mang lại hiệu quả thiết thực cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh.
Bánh gai Đức Yên sẽ được xây dựng nhãn hiệu, phát triển thương hiệu trong năm 2019 dưới sự hỗ trợ của ngành Công thương.
Đồng thời, xây dựng thường xuyên các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thương hiệu; tổ chức các hoạt động truyền thông, xúc tiến thương mại, hội chợ, hội thảo; mở lớp tập huấn về xây dựng bộ nhận diện thương hiệu… để quảng bá hiệu quả hình ảnh sản phẩm của tỉnh đến với người tiêu dùng.
Tuy nhiên, ngoài sự quan tâm, hỗ trợ của ngành chức năng, các doanh nghiệp, cơ sở cũng cần nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm để qua đó giữ gìn và phát triển thương hiệu trước sự cạnh tranh của thị trường.