Mô hình cây khôi tía được Chương trình UN - REDD đưa vào trồng tại BQL Rừng phòng hộ Sông Tiêm (Hương Khê) cho kết quả bước đầu tốt, có thể nhân ra diện rộng.
Thời gian gần đây, đời sống người dân 2 xã Hương Trạch và Phú Gia (Hương Khê) đã có sự thay đổi đáng kể, nhất là từ khi Chương trình UN - REDD triển khai trên địa bàn. Nhận thức của người dân trong công tác bảo vệ và phát triển rừng có sự thay đổi lớn. Các sự kiện truyền thông về REDD+, rừng và biến đổi khí hậu đã thu hút được hàng ngàn người tham gia, tạo sự lan tỏa trong việc nâng cao nhận thức về bảo vệ rừng (BVR), bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Ông Nguyễn Huy Lợi, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT - Giám đốc Chương trình UN - REDD tỉnh Hà Tĩnh, cho biết: "Chương trình, dự án đã tổ chức được 2 chuyến tham quan mô hình, học tập kinh nghiệm; 38 lớp tập huấn nâng cao năng lực về REDD+, quản lý và BVR; 16 lớp tập huấn nâng cao năng lực về pháp luật lâm nghiệp và PCCCR cho kiểm lâm địa bàn, chủ rừng và người dân của 2 xã Hương Trạch và Phú Gia."
Chương trình UN - REDD giai đoạn II tỉnh Hà Tĩnh còn đưa vào trồng các giống cây lâm nghiệp bản địa phù hợp với đặc điểm thổ nhưỡng tại địa phương, có giá trị kinh tế cao... Ông Bùi Xuân Thế - Phó Chủ tịch UBND xã Phú Gia cho biết: Chương trình đã giúp cho 42 hộ trên địa bàn xã trồng 5 ha bưởi Phúc Trạch và trên 1.400 cây trồng bản địa khác...
Cây bản địa có giá trị cao được chương trình hỗ trợ phát triển tốt trên đất rừng xã Phú Gia.
Chương trình cũng tiến hành hỗ trợ giao đất gắn với giao rừng cho các hộ nhận khoán và cộng đồng quản lý nhằm tăng cường công tác BVR, ngăn chặn nạn khai thác gỗ trái phép, chấm dứt tình trạng chặt củi, đốt than, phát rừng làm nương rẫy. Những diện tích rừng trước đây bị khai thác trái phép đã phục hồi nhanh chóng và đang trong giai đoạn sinh trưởng, phát triển tốt.
Cơ chế hưởng lợi trong cộng đồng được xác lập rõ ràng kể từ khi chương trình triển khai, đã gắn quyền lợi và trách nhiệm của từng hộ gia đình đối với rừng. Từ khi giao cho các hộ dân và cộng đồng quản lý, công tác tuyên truyền được phổ biến rộng rãi. Việc vận động bà con, dòng họ không phá rừng đã được thực hiện thường xuyên và liên tục, qua đó hạn chế người dân tự ý vào rừng khai thác gỗ, chặt củi, đốt than.
Diện tích rừng trước đây bị khai thác trái phép nay đã phục hồi nhanh chóng nhờ các hoạt động của chương trình hỗ trợ UN-REDD.
Cùng với các hoạt động lâm sinh, Chương trình UN - REDD còn có thêm các hoạt động hỗ trợ sinh kế khác cho người dân sống gần rừng, trong đó dành sự ưu tiên và quan tâm đặc biệt đến hộ nghèo, phụ nữ và dân tộc thiểu số.
Một trong những hoạt động được đánh giá cao về thành công và hiệu quả là Quỹ Phát triển sinh kế quay vòng. Theo đó, quỹ này hỗ trợ các hộ gia đình thực hiện hoạt động sản xuất, tăng thu nhập thông qua cung cấp các khoản vay với lãi suất ưu đãi. Ông Bùi Xuân Thế cho biết, hiện trên địa bàn xã Phú Gia có 42 hộ được vay từ quỹ này, với số tiền 450 triệu đồng. Từ số tiền này, nhiều hộ đã đầu tư giống cây, con phát triển kinh tế hộ...
Theo ông Nguyễn Vũ Long - cán bộ truyền thông Chương trình UN-REDD, dự án đã tổ chức 7 cuộc tập huấn về kỹ thuật trồng và chăm sóc cây ăn quả cho 360 người dân, giao phát 8.190 giống cây bưởi và hơn 8 tấn phân bón cho 221 hộ dân...
Kết quả khảo sát bước đầu cho thấy, từ những hoạt động của dự án, cuộc sống của người dân ngày được cải thiện, rừng được bảo vệ tốt và phát triển bền vững. Nếu nhân rộng các mô hình kinh tế vườn hộ, đồng thời giao khoán rừng kết hợp trồng cây lâm nghiệp phân tán thì hiệu quả trong quản lý, bảo vệ đa dạng sinh học sẽ được phát huy tốt.