Sáng ngày 11/4, lãnh đạo Trung tâm Bảo vệ thực vật vùng khu 4 (Cục Bảo vệ thực vật) và Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở NN&PTNT) tỉnh Hà Tĩnh đã tiến hành kiểm tra quá trình sinh trưởng và diễn biến dịch bệnh trên lúa xuân tại các huyện Nghi Xuân, Đức Thọ. |
Đoàn kiểm tra diễn biến bệnh đạo ôn cổ bông trên lúa tại xã Xuân Hội (huyện Nghi Xuân).
Tại huyện Nghi Xuân, đoàn đã đến kiểm tra tình hình trổ bông, diễn biến bệnh đạo ôn cổ bông trên lúa ở xã Xuân Hội.
Huyện Nghi Xuân có khoảng 300 ha lúa đã trổ, tập trung tại các xã: Đan Trường, Xuân Hội, Xuân Phổ, Xuân Giang... Hiện nay, các vết tích của bệnh đạo ôn trên lá vẫn còn, đây là yếu tố dễ phát sinh gây bệnh đạo ôn cổ lá, đạo ôn cổ bông.
Theo dự báo, khoảng 10 - 15 ngày tới, phần lớn diện tích lúa của huyện Nghi Xuân sẽ trổ bông. Đây cũng là giai đoạn gây hại của bệnh đạo ôn cổ bông. Thời tiết âm u, thiếu ánh sáng càng tạo điều kiện cho loại bệnh này phát sinh và gây hại.
Vết bệnh đạo ôn cổ bông tại trên lúa tại xã Xuân Hội (huyện Nghi Xuân).
Đoàn cũng đã đến kiểm tra sinh trưởng, diễn biến dịch bệnh trên lúa tại xã Lâm Trung Thủy (huyện Đức Thọ).
Theo thông tin từ phòng NN&PTNT huyện Đức Thọ, tại xã Lâm Trung Thủy có khoảng 6 ha lúa đang bước vào giai đoạn trổ bông. Khoảng từ ngày 18 - 25/4, gần 4.000 ha lúa (chiếm 80% diện tích gieo cấy) của toàn huyện sẽ bước vào thời kỳ trổ bông tập trung.
Đoàn kiểm tra tại xã Lâm Trung Thủy (huyện Đức Thọ).
Qua theo dõi của ngành chuyên môn, trên đồng ruộng của xã Lâm Trung Thủy đã bắt đầu xuất hiện bệnh đạo ôn cổ lá, khô vằn. Vì thế, ngành chuyên môn yêu cầu huyện tập trung khuyến cáo, thường xuyên theo dõi diễn tiến các loại dịch bệnh để hướng dẫn phòng trừ kịp thời.
Trên địa bàn toàn tỉnh, dự kiến thời gian trổ của lúa xuân 2023: trước 15/4, khoảng 3.000ha (Nghi Xuân; Lâm Trung Thủy, các xã ngoài đê Đức Thọ; Thạch Mỹ, Mai Phụ, thuộc huyện Lộc Hà; các xã trà sơn của huyện Can Lộc); từ 15 - 20/4, khoảng 16.500 ha; từ 20 - 25/4 khoảng 21.000 ha; diện tích còn lại trổ sau 25/4, phân bố trên địa bàn toàn tỉnh.
Giai đoạn trổ bông tập trung của lúa xuân ở Hà Tĩnh là từ ngày 20 - 25/4.
Giám đốc Trung tâm Bảo vệ thực vật vùng khu IV Nguyễn Tuấn Lộc khuyến cáo, thời tiết từ nay đến cuối tháng 4, Hà Tĩnh chịu ảnh hưởng của 3 đợt không khí lạnh, thời điểm tác động của không khí lạnh từ khoảng 7 - 9/4, 17 - 22/4, 23 - 25/4 với nền nhiệt độ thấp 20 - 23 độ C, xen kẽ có các đợt nắng nóng, chênh lệch nhiệt độ lớn, có mưa rải rác, độ ẩm không khí cao, kết hợp nguồn bệnh sẵn có trên đồng ruộng là các yếu tố thuận lợi để bệnh đạo ôn cổ bông phát triển gây thiệt hại đối với sản xuất, nhất là các trà lúa trổ vào thời điểm ảnh này.
Để hạn chế thiệt hại trên đồng ruộng, Chi Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở NN&PTNT), UBND các huyện, thành phố, thị xã cần làm tốt công tác điều tra phát hiện, dự tính dự báo; tuyên truyền, hướng dẫn bà con nông dân chủ động trong công tác phòng trừ bệnh đạo ôn cổ bông.
Kịp thời kiểm tra tình hình sinh trưởng, xác định thời gian trổ của từng trà lúa, từng cánh đồng, vùng sinh thái, loại giống để chỉ đạo, hướng dẫn phun phòng bệnh, chú trọng trên các diện tích gieo cấy các giống mẫn cảm với bệnh đạo ôn như: VNR20, Thái Xuyên 111, ADI 168, BQ, Hương Bình,..; trên số diện tích vừa qua nhiễm đạo ôn lá và vùng có nguy cơ nhiễm bệnh.
Ngoài ra, cần theo dõi diễn biến phát sinh, gây hại của các đối tượng dịch hại khác như rầy nâu, rầy lưng trắng, khô vằn, bạc lá, bệnh lem lép hạt…