Trước đó, Báo Hà Tĩnh phản ánh, trong quá trình chặn dòng tích nước, trong lòng hồ chứa nước Ngàn Trươi có rất nhiều thân cây gỗ, lá cây, mảng thực bì trôi dập dềnh trên mặt nước. Nhiều diện tích rừng, đặc biệt là rừng tre nứa chưa kịp thu dọn cũng bị nước nhấn chìm. Hệ quả là nước hồ Ngàn Trươi dần chuyển sang màu nâu đen và bắt đầu bốc mùi hôi thối.
Nhân lực ít, phương tiện làm việc thô sơ dẫn đến công việc thu dọn lòng hồ Ngàn Trươi gặp nhiều khó khăn, chậm trễ.
Trước những phản ánh của báo chí và dư luận, hơn 1 tuần qua, chủ đầu tư (BQL dự án Đầu tư và Xây dựng Thủy lợi 4 - Bộ NN&PTNT) đã đốc thúc nhà thầu Lữ đoàn 185 (Binh đoàn Trường Sơn - Bộ Quốc phòng) tiến hành trục vớt cây cối trôi nổi trên lòng hồ. Nhưng thực tế, khoảng 100 lao động với phương tiện rất thô sơ, thì để trục vớt hết số cây cối trôi nổi và chìm sâu dưới lòng hồ đang diễn ra hết sức khó khăn, chậm chạp.
Đại diện chủ đầu tư và nhà thầu đều nại lý do thời tiết mưa nhiều dẫn đến gặp nhiều khó khăn trong quá trình thu dọn. Tuy nhiên, theo tìm hiểu, thời tiết chỉ là một trong những nguyên nhân làm chậm tiến độ. Theo những lao động đang thực hiện công tác thu dọn lòng hồ Ngàn Trươi, họ được đơn vị nhà thầu thuê phát dọn lòng hồ với giá 3,5 triệu đồng/ha. Được biết, dự án này được Bộ NN&PTNT phê duyệt thu dọn 1.659 ha với tổng kinh phí 35 tỷ đồng (hơn 21 triệu đồng/ha).
Một số lao động và cán bộ Vườn Quốc gia Vũ Quang xác nhận, do giá thuê quá rẻ, công việc lại quá nặng nề, nên rất nhiều lao động sau khi vào làm việc đã rời bỏ công trường. Người dân địa phương cũng cho biết, họ đã được nhà thầu thuê thu dọn với giá 4 triệu đồng/ha, nhưng do giá nhân công quá thấp nên họ không làm.
Lòng hồ Ngàn Trươi vẫn đang còn rất nhiều củi rều, thảm thực vậật
Theo một chuyên gia trong ngành thủy lợi, với khối lượng gỗ và tre nứa trong hồ trôi nổi rất nhiều, nếu không dọn sạch, sau khi tích nước một thời gian, lượng gỗ và tre nứa trên sẽ dồn về thân đập, cống và tràn xả lũ làm cản trở dòng chảy và mất an toàn công trình. Trước đó, bài học nhãn tiền tại thủy điện Hố Hô trong trận lụt năm 2010 bị củi, rều tràn về thân đập, không thể mở được cống xả lũ đã uy hiếp sự an toàn và gây thiệt hại đến công trình.
Lũ Tiểu mãn đang cận kề trong khi lòng hồ đang còn ngổn ngang củi, rều, thảm thực vật… Hiện tại, nước trong hồ đã tích đến cao trình hơn 24m. Chỉ cần một trận mưa, nước thượng nguồn đổ về thì chắc chắn một lượng lớn cây cối cũng sẽ trôi về uy hiếp thân đập. Chủ đầu tư và nhà thầu cần có giải pháp thi công nhanh, triệt để hơn để không chỉ đảm bảo nguồn nước không bị ô nhiễm mà còn bảo vệ an toàn công trình khi mùa mưa lũ đang đến gần.