Ông Nguyễn Thanh Nghĩa ở thôn Phúc Trường, Trường Lộc (thứ 2 từ trái sang) dù rất muốn được thuê đất ở vùng tích tụ ruộng đất nhưng không tìm được tiếng nói chung với người có đất cho thuê
Từ thực tế có nhiều lao động đi xuất khẩu lao động, nhiều vùng đất ruộng bỏ hoang, xã Mỹ Lộc được chọn để thực hiện mô hình thí điểm chuyển đổi, tích tụ ruộng đất của huyện. Trong 4 vùng đất ở các thôn có các điều kiện để tích tụ ruộng đất, quá trình vận động, người dân ở 2 thôn Thái Xá 1 và Trại Tiểu đã đồng tình để xã xây dựng được 2 vùng sản xuất tập trung.
Dẫn chúng tôi đến khu vực 2 ha đất tập trung ở thôn Thái Xá 1, ông Nguyễn Công Tỵ - Trưởng ban Khuyến nông xã cho biết, vùng đất này khá bằng phẳng, tưới tiêu thuận tiện, tuy nhiên, dù có nhiều chính sách ưu đãi nhưng không có hộ dân nào đăng ký nhận thầu để xây dựng mô hình tích tụ ruộng đất. Các hộ được xã vận động tích tụ ruộng đất cho rằng, vùng này nằm ngay trên trục đường chính, sản phẩm làm ra khó quản lý, hơn nữa, đất đai không màu mỡ nên hiệu quả sản xuất sẽ không cao.
Xứ đồng Hàng Trai (Trường Lộc) đã tích tụ được 6 ha, đồng thời xã đầu tư làm hàng rào, xây cống, mương thoát nước, tuy nhiên hơn 1 năm qua không kêu gọi được nhà đầu tư
Ông Tỵ cho biết thêm, vùng Trại Tiểu có 4 ha đất tập trung, trước đây, chủ nhân đi xuất khẩu lao động nên đồng ý cho thuê để tích tụ ruộng đất, tuy nhiên, sau đó, các hộ lần lượt trở về đầu tư các mô hình chăn nuôi tổng hợp. “Thực tế cho thấy, với diện tích đất sản xuất không nhiều, chia thành nhiều vùng nhỏ lẻ, các hộ trả ruộng không liền kề, nhiều lao động đi làm ăn xa đang có xu hướng trở về nên Mỹ Lộc vẫn chưa hình thành vùng sản xuất tập trung như kế hoạch của huyện đề ra” - ông Tỵ cho biết.
Tại xã Trường Lộc, triển khai mô hình thí điểm của huyện, cấp ủy, chính quyền đã vận động hình thành được vùng quy hoạch tích tụ ruộng đất và cho thuê đất tại xứ đồng Hàng Trai thuộc các thôn Quỳnh Sơn, Đông Thạc và Phượng Sơn với quy mô 12 ha. Bắt tay thực hiện, xứ đồng Hàng Trai đã tích tụ được 6 ha, đồng thời, xã đầu tư 155 triệu đồng làm hàng rào, xây cống, mương thoát nước và mời gọi nhà đầu tư. Tuy nhiên, sau 1 năm vận động, không có tổ chức, cá nhân nào nhận thuê đất sản xuất.
Phó Chủ tịch UBND xã Trường Lộc Nguyễn Huy Toàn cho biết: “Một vài doanh nghiệp cũng đã đến xem mặt bằng, có ý định đầu tư trồng cây hoa màu, tuy nhiên, sau khi tìm hiểu về chất đất, thấy khó để triển khai các loại cây trồng có giá trị kinh tế, họ đã từ chối. Không thể để đất bỏ hoang quá lâu, từ vụ hè thu 2018, xã đã quyết định trả lại ruộng cho hộ dân sản xuất”.
2 ha đất được tích tụ ở thôn Thái Xá 1 (Mỹ Lộc) sau khi không có người đăng ký nhận làm đã được trả lại cho bà con sản xuất
Cũng tại Trường Lộc, trong khi ở vùng đã tích tụ ruộng đất không tìm được nhà đầu tư, thì một xứ đồng khác ở thôn Phúc Trường, khi xuất hiện người nông dân muốn thuê đất sản xuất lúa quy mô lớn thì việc tích tụ lại gặp khó khăn. Nhân tố được xã khuyến khích thực hiện việc tích tụ ruộng đất là ông Nguyễn Thanh Nghĩa - người đang có gần 2 ha đất gom từ gia đình, thuê đất dự phòng của xã và mượn của hộ dân bỏ không để trồng lúa kết hợp chăn nuôi.
Hỗ trợ ông Nghĩa tích tụ ruộng đất theo hướng thuê lại đất của một số hộ lân cận, xã đã tổ chức buổi làm việc giữa ông Nghĩa với 5 hộ có diện tích đất bỏ hoang khoảng 0,5 ha. Tuy nhiên, hai bên không tìm được tiếng nói chung nên việc thỏa thuận chưa đạt kết quả. Theo Phó Chủ tịch UBND xã Nguyễn Huy Toàn, “bên thuê đất là ông Nghĩa đưa ra những yêu cầu chưa hài hòa với bên cho thuê nên hai bên chưa thống nhất hợp tác”.
Trường Lộc và Mỹ Lộc là những địa phương được đánh giá là hội tụ nhiều điều kiện khách quan như: Năng suất lúa thấp, tỷ lệ diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả khá cao; số lượng nông dân đi làm ăn xa hoặc làm ngành nghề khác khá lớn nên đã xuất hiện những vùng bỏ hoang diện tích sản xuất lúa. Tuy nhiên, gần 3 năm triển khai tích tụ ruộng đất ở những địa bàn này theo đề án của huyện, dù có tập trung chỉ đạo, đồng hành của chính sách hỗ trợ, hiện vẫn chưa hình thành được mô hình để tổng kết, nhân ra diện rộng như mục tiêu đề ra.
(Còn nữa)
Cùng với triển khai chính sách hỗ trợ theo Quyết định 32 của HĐND tỉnh về các chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, huyện Can Lộc ban hành chính sách riêng với yêu cầu “mềm” hơn: Hỗ trợ đối với mô hình có quy mô 2 ha đất lúa liền kề trở lên (chính sách của tỉnh là 5 ha) để tăng cơ hội tích tụ ruộng đất của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn. Mỗi năm, huyện trích ngân sách bố trí 300 triệu đồng hỗ trợ, tuy nhiên, đến nay, chưa có mô hình nào đủ điều kiện tiếp cận hệ thống chính sách cả của huyện và của tỉnh. |