Trải nghiệm một đêm không tiền

Có bạn đăng trên Facebook: “Quẳng cái bóp ở nhà. Thử một ngày làm người nghèo không một xu dính túi... sẽ rút ra được nhiều điều thú vị!”. Tôi bị sốc khi đọc xong câu ấy, nghĩ không có tiền thì có gì mà thú vị?

trai nghiem mot dem khong tien

Bạn trẻ phát quần áo ấm và mền cho người nghèo trên đường Phan Đăng Lưu (Q.Phú Nhuận, TP.HCM) - Ảnh: Châu Anh

Chỉ mới thử trải nghiệm một đêm không tiền thôi mà tôi đã bị sốc vì sự đối xử thiếu cảm thông của người khác. Khi cơn đói và khát ập đến, tôi đã định bỏ cuộc nhiều lần.

Vậy còn những người nghèo thật sự thì sao? Chắc họ cũng từng bị sốc như tôi, nhưng vì cuộc sống nên cảm xúc của họ có lẽ đã chai sạn với thời gian, hoặc được cất giấu đâu đó ở một góc khuất sâu thẳm trong tâm hồn.

Nhưng tôi cũng tò mò nên mới đây đã quyết định trải nghiệm một đêm không tiền ở bến xe Miền Tây (TP.HCM).

Mình cũng như họ...

11h đêm, bến xe vẫn tấp nập kẻ vào người ra. Tuy đã về đêm nhưng không khí ở bến xe vô cùng nóng nực.

Tôi vào phòng chờ dành cho khách của nhà xe K, nơi đây vừa có quạt vừa có máy lạnh, phòng chờ lại sạch sẽ.

Trong phòng chờ có vài hành khách ngồi chờ đến chuyến, vài khách nằm dài trên ghế, có người lấy nón, có người lấy áo khoác che mặt lại ngủ.

Nhìn cảnh ấy, tôi cảm thấy kỳ kỳ và nghĩ thầm: “Sao họ lại có thể mất lịch sự đến thế, nằm ngủ nơi công cộng vừa phản cảm và choán hết mấy dãy ghế”.

45 phút trôi qua, tôi bắt đầu thấy đau lưng, đôi mắt tôi bắt đầu cụp xuống, nhưng tôi tự nói với bản thân là không được nằm ngủ nơi công cộng, mất lịch sự lắm. Nhưng rồi tôi thiếp đi lúc nào không biết.

Chỉ khi có người lay tôi: “Cô ơi dậy đi, tới giờ con đóng cửa rồi”, tôi giật bắn người và mở mắt ra mới thấy mình đang nằm dài trên ghế. Cảm giác xấu hổ, ngượng ngùng ập đến, tôi đi nhanh ra khỏi phòng và tự trách: “Mình cũng đâu khác gì những người kia!”.

0h30 đêm, tôi dụi dụi mắt và bắt đầu đi lang thang trong bến xe. Có một nhóm người ngồi vật vờ, chắc là chờ người nhà ra đón. Tôi nhìn thấy sự mệt mỏi, buồn ngủ trên hầu hết gương mặt.

Có người chắc chịu không nổi đã trải đại tờ báo nằm luôn dưới đất... Đi về hướng phòng chờ nhà xe PT, tôi thấy mừng vì phòng chờ vẫn còn mở.

Cũng như phòng chờ ở nhà xe K, nơi đây cũng đầy cảnh người ngồi, kẻ nằm... Chọn góc khuất, tôi ngồi quan sát những người trong phòng và cố gắng giữ cho mình không ngủ gục như lúc trước bằng cách thay đổi tư thế ngồi liên tục.

Rồi tôi nhìn đồng hồ, thấy mới hơn 2h, chợt nghĩ sao đêm nay dài quá... Một tiếng động mạnh làm tôi giật mình mở mắt ra, nhìn đồng hồ đã là 4h30 sáng. Tự hỏi, mình ngủ từ lúc nào và sao có thể ngủ ngồi ngon như thế?

Bài học chia sẻ nhân văn hơn

Tôi bắt đầu thấm mệt, cơn đói và khát làm tôi thấy uể oải, hai mắt như muốn nổi đom đóm. Ra bên ngoài bến xe, đi ngang qua những nơi bán thức ăn, thấy món nào cũng thèm.

Mùi thức ăn bốc lên làm bụng tôi cồn cào thêm lên vì đói. Tôi đi lướt qua xe bánh mì, rất muốn ăn một ổ, thậm chí một ổ bánh mì không cũng được.

Nhưng không có tiền, biết mượn ai ở chốn bến xe này? Lên tiếng xin thì ngại và nếu xin mà người ta không cho chắc quê chết, tự ái lắm.

Nhịn đói đi ra khu vực xe buýt, tôi năn nỉ tài xế cho đi nhờ nhưng bị từ chối ngay: “Thôi đi bà ơi, ba cái vụ bị móc túi mất hết tiền, xin tiền vì lỡ đường, xin đi nhờ... tui gặp hằng ngày. Tui giúp bà rồi ai giúp tui?”.

Một số hành khách đứng chờ lên xe nhìn tôi với ánh mắt thương cảm có, khó chịu có. Tôi đứng tần ngần chưa biết tính sao thì nghe tiếng quát: “Cho 6.000 đồng nè. Làm ơn đứng tránh sang một bên, đừng đứng cản đường cản lối nữa”.

Tôi chưa kịp phản ứng thì người đó ném tiền vào tay tôi, ba tờ 2.000 đồng rơi xuống đất.

Tôi đứng như trời trồng, thấy mặt nóng bừng bừng, mồ hôi vã ra như tắm vì lần đầu tiên bị rơi vào hoàn cảnh như vậy.

Rồi ai đó đẩy mạnh làm tôi loạng choạng, tôi ngập ngừng, lựng khựng nhặt tiền lên trong cảm giác giống như mình đang rơi tự do từ trên cao xuống...

Ngồi trên xe buýt mà cổ họng tôi nghẹn lại, đắng chát, bỗng dưng có cái gì đó ướt ướt lăn trên gò má.

Tôi chưa bao giờ nghĩ có một ngày tôi bị người ta sỉ nhục, coi thường vì không có tiền. Tôi cũng chưa từng cảm nhận được cảm giác tự ti, mặc cảm, vô dụng... khi cầm đồng tiền bố thí từ tay người khác, đơn giản vì cuộc sống của tôi từ trước đến giờ chưa bao giờ rơi vào cảnh không có tiền.

Tôi cũng đã từng dùng thái độ khó chịu, coi thường người khác khi họ xin tiền tôi. Nếu có cho họ, tôi cũng cho theo kiểu như bố thí.

Giờ nhận được cái thái độ mà mình từng đối xử với người khác, thấy nó sao nhẫn tâm quá, chua chát quá - điều mà tôi chưa từng nghĩ trước đây.

Khi viết những dòng chữ này, tôi biết mình đã học được bài học lớn: Hãy biết cảm thông, chia sẻ có tình người hơn, nhân văn hơn với những hoàn cảnh khốn khó.

Theo Tuổi trẻ

Chủ đề Bạn đọc viết

Đọc thêm

"Vô tư" đi ngược chiều trên quốc lộ 1!

"Vô tư" đi ngược chiều trên quốc lộ 1!

Khi điểm mở dải phân cách trên quốc lộ 1 thuộc địa phận huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) lắp thêm rào chắn, nhiều người chọn đi ngược chiều nên tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.
Biển chỉ dẫn... có như không!

Biển chỉ dẫn... có như không!

Nhiều biển chỉ dẫn dọc theo tuyến đường thuộc xã Thạch Văn (Thạch Hà, Hà Tĩnh) bị hư hỏng, bong tróc như "đánh đố" người tham gia giao thông.
 Nhếch nhác khu chợ mỗi tháng chỉ họp 6 phiên

Nhếch nhác khu chợ mỗi tháng chỉ họp 6 phiên

Từng là nơi giao thương của người dân địa phương, nhưng hiện nay chợ Đình (xã Trung Lộc, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh) ngày càng hoạt động kém hiệu quả, nhiều hạng mục đã hư hỏng.