Chiều 18/12, Chi cục Thuỷ Sản Hà Tĩnh tổ chức Hội thảo “Giải pháp phát triển bền vững ngành nuôi tôm”. Gần 100 đại biểu là cán bộ phụ trách ngành tại các huyện, các cơ sở cung ứng giống, thức ăn, vật tư, hộ dân nuôi tôm trên địa bàn cùng dự. |
Gần 100 đại biểu là cán bộ phụ trách ngành tại các huyện, các cơ sở cung ứng giống, thức ăn, vật tư, hộ dân nuôi tôm trên địa bàn cùng dự
Năm 2020, mặc dù có nhiều khó khăn như dịch Covid - 19 kéo dài, thời thiết bất lợi nhưng nhìn chung ngành nuôi tôm vẫn được duy trì, phát triển khá, các tiến bộ kỹ thuật đã được áp dụng ngày càng nhiều, cho năng suất cao, ổn định.
Diện tích thả nuôi toàn tỉnh đạt 2.510 ha (diện tích tôm thẻ chân trắng 1.998 ha, diện tích nuôi tôm sú 512 ha). Sản lượng tôm nuôi cả năm 2020 ước đạt hơn 4.800 tấn, mang về giá trị hơn 580 tỷ đồng.
Trong những năm gần đây, nghề nuôi tôm tại Hà Tĩnh đang phát triển khá mạnh.
Đặc biệt, nuôi tôm thâm canh, công nghệ cao ngày càng khẳng định thế mạnh với nhiều cơ sở nuôi tiêu biểu cho năng suất, sản lượng cao, giảm thiệt hại do dịch bệnh gây ra, góp phần tăng nhanh sản lượng nuôi tôm toàn tỉnh.
Nuôi tôm trên cát công nghệ cao đã khai thác tốt tiềm năng đất hoang hoá ven biển, tạo được sản phẩm nông nghiệp hàng hoá chủ lục quy mô lớn; đã có những doanh nghiệp, HTX nuôi tôm trên cát đạt 100 - 500 tấn/năm; quy trình kỹ thuật nuôi tôm trong ao đất lót bạt, vỗ bờ bằng vôi và bột đá... cho hiệu quả kinh tế cao.
Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ sản Nguyễn Công Hoàng: Năm 2020 phải đối mặt với nhiều khó khăn, ngành nuôi tôm vẫn được duy trì, phát triển khá; các tiến bộ kỹ thuật đã được áp dụng và mang lại hiệu quả cao.
Về sản xuất giống, toàn tỉnh hiện có 2 cơ sở sản xuất và ương dưỡng tôm giống. Sản lượng sản xuất, ương dưỡng năm 2020 ước đạt 500 triệu con, đạt 100% kế hoạch đề ra (Công ty CP Thủy sản Thông Thuận 480 triệu con, HTX Nuôi trồng thủy sản Tuấn Linh 20 triệu con).
Các đại biểu tham dự hội thảo.
Năm 2021, Hà Tĩnh phấn đấu diện tích nuôi tôm là 2.525ha (tôm sú 401ha, tôm thẻ chân trắng 2.125ha). Trong đó, nuôi thâm canh công nghệ cao 690ha); sản lượng 5.313 tấn (tôm sú 317 tấn, tôm thẻ chân trắng 4.996 tấn).
Đại diện Công ty CP Thuỷ sản Thông Thuận Kỳ Anh chia sẻ về quá trình sản xuất con giống tại công ty, việc thực hiện chăm sóc tôm giống sau quá trình thả nuôi.
Vì thế, trong thời gian tới, cơ quan quản lý, các hộ nuôi cần tiếp tục đầu tư khoa học công nghệ và áp dụng kỹ thuật công nghệ tiên tiến vào nuôi tôm; tiếp nhận, đào tạo đội ngũ cán bộ kỹ thuật giỏi, có kinh nghiệm thực tiễn; tiếp tục kêu gọi và thu hút đầu tư các vùng nuôi tập trung đảm bảo điều kiện thiết yếu cho sản xuất phát triển…
Ông Trần Văn Ân (Thạch Châu, Lộc Hà): Đề nghị ngành chức năng tiếp tục đồng hành sâu sát hơn trong quá trình xử lý dịch bệnh và môi trường chăn nuôi.
Tại hội thảo, các đại biểu tham dự cũng đã giành phần lớn thời gian để thảo luận, đề xuất một số giải pháp chuẩn bị cho vụ nuôi năm 2021, phát triển nuôi tôm bền vững như: vấn đề chất lượng con giống, xử lý môi trường, dịch bệnh; xây dựng thị trường tiêu thụ; áp dụng khoa học - kỹ thuật nuôi chất lượng cao; kiểm soát chất lượng vật tư thủy sản nhất là các loại thuốc, thức ăn; triển khai quan trắc tại một số vùng nuôi trồng thủy sản tập trung dễ xẩy ra dịch bệnh…
Hội thảo được tổ chức nhằm kịp thời định hướng cho vụ nuôi mới của năm 2021 cho người nuôi trên địa bàn, đảm bảo mục tiêu tăng trưởng bền vững, ổn định cho ngành Nông nghiệp tỉnh Hà Tĩnh nói chung.