Do không được chăm sóc cẩn thận, bảo vệ chu đáo nên nhiều cây bóng mát hai bên đường vào thôn Vĩnh Xương, xã Tùng Lộc (Can Lộc) đã bị chết
Thực tế cho thấy, hầu như mùa xuân năm nào, các địa phương, cơ quan, đơn vị cũng tổ chức ra quân Tết trồng cây, với lượng người tham gia khá đông, số lượng cây trồng lớn.
Tuy nhiên, không phải ai tham gia cũng biết trồng cây đúng cách, đúng quy trình để cây phát triển tốt. Thậm chí có những người chỉ đơn thuần đào hố, lấp gốc là xong. Cây trồng cũng không được chăm sóc, tưới nước đầy đủ, che chắn cẩn thận nên dẫn đến tình trạng bị chết nhiều, hoặc cằn cỗi không phát triển.
Hàng cây xà cừ mới được trồng hơn 1 năm trên đường vào trung tâm xã Thiên Lộc (Can Lộc) nhưng đã vường vào đường điện nên có nguy cơ sớm bị chặt bỏ, di dời cây hoặc phải đầu tư lại đường điện.
Ở nhiều nơi người dân trồng các loại cây thân gỗ nhanh lớn như sáo đen, xà cừ... dưới các tuyến đường điện, các công trình kiên cố. Do đó, chỉ 1-2 năm là phải chặt ngọn hoặc di dời để trả lại hành lang lưới điện và đảm bảo an toàn cho các công trình...
Hàng cây mới được người dân thôn 7, xã Đức Bồng (Vũ Quang) trồng dưới vùng ruộng thấp nên thường xuyên bị ngập gốc, có nguy cơ chết úng hoặc phát triển không như mong đợi...
Đặc biệt, do nền, lề đường các tuyến đường giao thông nông thôn chưa thực sự rộng nên ở nhiều thôn xóm đã trồng cây xanh, cây bóng mát, làm bu, xây bồn sát với mặt đường cứng nên mặt đường bị thu hẹp, gây ảnh hưởng đến giao thông và an toàn cho người qua lại. Để khắc phục tình trạng này, một số nơi đã trồng cây xuống bờ ruộng, bờ mương, nhưng điều này lại gây ảnh hưởng đến sự sinh trưởng, phát triển của cây xanh, nhất là các vùng thấp lụt, thường xuyên bị ngập úng.
Vì vậy, ngoài việc lựa chọn giống cây phù hợp thì khi trồng cây xanh phải chú ý đến cách trồng, vị trí trồng. Trồng xong rồi phải giao cho từng tổ chức đoàn thể, từng hộ gia đình, cộng đồng dân cư tham gia bảo vệ, chăm sóc, tránh tình trạng được chăng hay chớ, trồng cho xong trách nhiệm để rồi mất công, tốn tiền, cây chết...