Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh Hà Tĩnh Nguyễn Thị Nguyệt chủ trì buổi làm việc.
Trường Trung cấp Nghề Hà Tĩnh hiện có 175 cán bộ, giáo viên, người lao động; trong đó, 1 công chức, 30 viên chức, 144 hợp đồng lao động. Việc thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ, giáo viên, người lao động (CBGV- NLĐ) được nhà trường đặc biệt quan tâm vì mang tính đặc thù.
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trương Thanh Huyền và đại diện các ban ngành, địa phương cùng dự.
Hiện nay, chế độ cho giáo viên dạy nghề nói riêng thấp, trong khi đó, theo quy định hiện hành, chế độ phụ cấp ngành giáo dục chỉ áp dụng cho viên chức, không áp dụng với lao động hợp đồng.
Mặc dù nhà trường đã linh động trong việc chi trả chế độ nhưng vẫn không đủ khuyến khích thu hút nhân tài. Bên cạnh đó, đội ngũ công chức, viên chức không được bổ sung trong khi đội ngũ quản lý phải thay đổi, bổ nhiệm.
Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nghề Hà Tĩnh Nguyễn Văn Đàn: Nhà trường mong muốn có cơ chế tự chủ để chủ động trong xây dựng, phát triển đội ngũ giảng dạy, quản lý, thu hút nhân tài.
Chính sách đối với người học cũng tồn tại nhiều bất cập. Trong khi các doanh nghiệp rất cần lao động, đặc biệt là lao động có tay nghề, kỹ thuật cao nhưng đào tạo nghề vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, theo phía nhà trường là do định mức kinh phí đào tạo chỉ đáp ứng được khoảng 45%, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng đào tạo.
Ngoài ra, nguồn kinh phí, thủ tục với đối tượng học viên là bộ đội xuất ngũ, lao động nông thôn, đào tạo chuyển đổi nghề sau sự cố môi trường… còn nhiều vướng mắc.
Nhà trường mong muốn có cơ chế tự chủ để chủ động trong xây dựng, phát triển đội ngũ giảng dạy, quản lý, thu hút nhân tài.
Bí thư Huyện ủy Lộc Hà Nguyễn Thế Hoàn - thành viên đoàn giám sát: Nên có hệ thống đào tạo nghề tập trung về một đầu mối thay vì đào tạo dàn trải, nhỏ lẻ như hiện nay.
Tại buổi làm việc, các thành viên đoàn giám sát đã yêu cầu làm rõ thêm một số vấn đề như: năng lực của đơn vị đào tạo để làm cơ sở tự chủ; cơ sở để xác định thời gian vượt giờ cho giáo viên; tình hình tuyển sinh, đào tạo các đối tượng đặc biệt; thu học phí; vay vốn tín dụng cho học sinh; xã hội hóa…
Bên cạnh đó, đại biểu cũng tập trung phân tích những khó khăn trong công tác đào tạo nghề hiện nay như lộ trình sáp nhập các trường trung cấp, cao đẳng nghề; tự chủ tài chính; kinh phí, chất lượng đào tạo…
Trưởng ban Văn hóa - Xã hội Nguyễn Thị Nguyệt: Yêu cầu nhà trường thực hiện kịp thời, đầy đủ chính sách cho người dạy, người học; củng cố thương hiệu trong hệ thống đào tạo nghề.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trương Thanh Huyền ghi nhận những kết quả của Trường Trung cấp nghề Hà Tĩnh đạt được trong lĩnh vực đào tạo nghề. Tuy nhiên, trong giai đoạn giáo dục nói chung, giáo dục nghề nghiệp nói riêng còn khó khăn, nhà trường phải năng động hơn trong tuyển sinh, đổi mới trong đào tạo.
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trương Thanh Huyền: Nhà trường phải năng động hơn trong tuyển sinh, đổi mới trong đào tạo để thu hút người học, nâng cao chất lượng dạy nghề.
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị nhà trường xây dựng lộ trình, kế hoạch cụ thể khi đề xuất cơ chế tự chủ. Đối với nội dung giám sát thực hiện chế độ, chính sách giáo dục nghề nghiệp, yêu cầu đi sâu, làm rõ hơn những khó khăn trong phụ cấp cho đối tượng giáo viên nghề độc hại, nặng nhọc…
Yêu cầu Sở LĐ-TB&XH tham gia tích cực trong tham mưu, quản lý để trường thực hiện tốt nhiệm vụ giáo dục, đào tạo nghề nghiệp tại địa phương.
Trường Trung cấp Nghề Hà Tĩnh là cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập trực thuộc Sở LĐ-TB &XH Hà Tĩnh. Hiện, trường đang đào tạo gần 3.200 học sinh, học viên tại hai cơ sở. Trường có quy mô 3 phòng, 6 khoa, 4 trung tâm, đào tạo 28 mã ngành như: điện công nghiệp, vận hành máy thi công nền, may thời trang, hàn, nghiệp vụ nhà hàng, thú y, ngoại ngữ, công nghệ thông tin… |