Vừa qua, Sở TN&MT Hà Tĩnh tổ chức cuộc hội thảo trực tuyến về “Dự thảo quy định của UBND tỉnh về giao đất ở không qua đấu giá”. Nếu như là một cuộc họp trực tiếp, với sự tham gia của nhiều thành phần thì sẽ có ít nhất 40 người tham dự.
Tuy nhiên, trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Sở TN&MT đã sử dụng hệ thống họp trực tuyến Zoom nhằm hạn chế tiếp xúc trực tiếp, giảm nguy cơ lây lan dịch bệnh. Các cuộc họp giao ban trước đó, đơn vị cũng sử dụng phương thức làm việc từ xa.
“Việc chuyển cách thức hoạt động, chỉ đạo điều hành từ hình thức họp tập trung trực tiếp sang họp trực tuyến không hề gặp khó khăn, ngược lại, đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo điều hành, cải cách hành chính, tiết kiệm chi phí” - Giám đốc Sở TN&MT Hà Tĩnh Hồ Huy Thành cho biết.
Giám đốc Sở TN&MT Hà Tĩnh Hồ Huy Thành điều hành cuộc họp trực tuyến.
Không chỉ có Sở TN&MT, mà nhiều sở, ngành, công ty, doanh nghiệp ở Hà Tĩnh cũng đang khuyến khích họp trực tuyến, làm việc từ xa, thay vì hoạt động trực tiếp ở văn phòng, trụ sở cơ quan. Việc này vừa thực hiện tốt công tác phòng chống dịch Covid-19, vừa giúp công việc của các đơn vị không bị ngưng trệ, thậm chí còn thuận tiện hơn trước.
Từ việc tổ chức hội thảo, các cuộc họp, đào tạo, dạy học… bằng hình thức trực tuyến, các nền tảng truyền thông trực tuyến đã trở thành công cụ thiết yếu cho cá nhân và doanh nghiệp tương tác trao đổi công việc.
Theo tìm hiểu tại Hà Tĩnh, trước yêu cầu áp dụng hình thức hội nghị, làm việc trực tuyến thì ngoài hệ thống đã được đầu tư tại một số đơn vị, giải pháp hội nghị trực tuyến của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT); Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel); ứng dụng Zoom hay phần mềm miễn phí của Google, Skype, Zalo, Viber, Messenger… đang được nhiều cơ quan, địa phương lựa chọn.
Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Hà Tĩnh cũng đã giới thiệu thêm phần mềm hội nghị trực tuyến Emeeting do Cục Tin học hóa – Bộ TT&TT cung cấp.
Làm việc trực tuyến giúp tiết kiệm thời gian, chi phí, nâng cao hiệu quả công việc trong mùa dịch Covid-19.
Hiệu quả mà các nền tảng truyền thông trực tuyến mang lại là điều không phải bàn cãi. Tuy nhiên, hiện nay, ở một số nước đã bắt đầu xuất hiện nguy cơ các nền tảng này đang trở thành “mục tiêu hấp dẫn” cho các tin tặc, dẫn tới những rủi ro an ninh mạng.
Trao đổi về vấn đề này, ông Lê Văn Dũng - Trưởng phòng Công nghệ thông tin (Sở TT&TT Hà Tĩnh) cho hay: Qua một thời gian sử dụng các ứng dụng cho hội họp, làm việc trực tuyến ở Hà Tĩnh chỉ mới ghi nhận hiện tượng quá tải đường truyền, làm cho hình ảnh và âm thanh ở một số cuộc họp bị ảnh hưởng, còn sự cố an ninh mạng thì chưa có.
Tuy nhiên, Trưởng phòng Công nghệ thông tin (Sở TT&TT Hà Tĩnh) cũng xác nhận: Những lo ngại về tính bảo mật thông tin liên quan tới các phần mềm làm việc trực tuyến, mà đơn cử là ứng dụng họp trực tuyến Zoom có nhiều lỗ hổng, dễ bị tin tặc xâm nhập, tấn công lấy cắp thông tin, dữ liệu hoàn toàn có cơ sở, chuyên gia an ninh phát hiện ra.
Quá trình sử dụng ứng dụng hội họp trực tuyến, các đơn vị cần lưu ý vấn đề bảo mật và bảo đảm an toàn thông tin.
Nhằm bảo mật thông tin, một số cơ quan nhà nước của Hà Tĩnh đang sử dụng ứng dụng Zoom nhưng là mua bản quyền thông qua một nhà cung cấp dịch vụ tại Việt Nam và có cam kết về đảm bảo an toàn thông tin.
Bên cạnh đó, Hà Tĩnh cũng đã thành lập Đội ứng cứu sự cố về an toàn thông tin cấp tỉnh, sẵn sàng các kịch bản ứng cứu và phối hợp ứng cứu, kịp thời xử lý khi có sự cố về an toàn thông tin xảy ra. Các thành viên của Đội ứng cứu thường xuyên rà soát trên mạng, nếu nhận thấy có sự cố về an ninh mạng thì sẽ nhanh chóng nhập cuộc, xử lý.
“Trong quá trình triển khai cầu truyền hình hay sử dụng các phần mềm hội nghị, họp, làm việc trực tuyến. các cơ quan, đơn vị cần phải lưu ý vấn đề bảo mật và bảo đảm an toàn thông tin” - Trưởng phòng Công nghệ thông tin (Sở TT&TT Hà Tĩnh) khuyến cáo.