Về Hà Tĩnh xem tuồng cổ, thưởng thức trò Kiều

(Baohatinh.vn) - Sau hơn 2 thập kỷ “nép mình” trong hoài niệm vàng son, tết này, những sân khấu tuồng cổ, trò Kiều làm nên từ chính những người nông dân chân đất lại rực sáng ánh đèn và rộn ràng tiếng trống, lời ca… trên những miền nông thôn mới Hà Tĩnh.

Về Hà Tĩnh xem tuồng cổ, thưởng thức trò Kiều

CLB trò Kiều xã Hồng Lộc (Lộc Hà) diễn trích đoạn “Hoạn Thư đánh ghen” tại buổi ra mắt, tháng 10/2019.

“Chàng Kim Trọng” 50 năm vẫn còn thanh xuân!

Mặc dù gần 50 năm kể từ lần đầu tiên diễn vai Kim Trọng trong trò Kiều, nhưng ông Trần Đức Công (70 tuổi, xã Hồng Lộc, Lộc Hà) vẫn cảm thấy bồi hồi như thuở ban đầu trong lần trở lại sân khấu gần đây.

Ông Công cho biết: “Bước lên sân khấu, hóa thân thành chàng Kim Trọng, tôi gần như quên rằng mình đã 70 tuổi. Đêm diễn đáng nhớ nhất của tôi là vào ngày khánh thành đập Cù Lây (Can Lộc) tháng 11/1975. Giây phút bước ra sân khấu và trước mắt mình, hàng nghìn khán giả gồm cán bộ cấp tỉnh, huyện, thanh niên tình nguyện, rất đông người dân huyện Can Lộc, một số huyện lân cận như Thạch Hà, Đức Thọ, Cẩm Xuyên… tôi rất xúc động. Thoáng chút choáng ngợp rồi tôi diễn rất thăng hoa”.

Về Hà Tĩnh xem tuồng cổ, thưởng thức trò Kiều

Ông Trần Đức Công (bên phải) cùng ông Hồ Xuân Mạnh, cả hai từng diễn hai vai quan trọng trong trò Kiều.

Thuở ấy, đoàn Trò Kiều thôn Thượng Phú (Hồng Lộc) nức tiếng khắp vùng, được mời đi diễn khắp nơi trong tỉnh. Nhiều nghệ nhân xuất sắc được nhiều người hâm mộ và tặng quà như: Đèn măng xông, micro hoa sen, trang phục biểu diễn... Đến tận bây giờ, các nghệ nhân thường vẫn cùng nhau ôn lại những kỷ niệm vui ấy.

Sau đêm diễn cuối cùng vào năm 1987, trò Kiều ở Hồng Lộc tạm “khép màn”, đến tận năm 2013 mới trở lại trong sự tâm huyết của những nghệ nhân xưa còn sống và nhân dân Hồng Lộc. Sau 6 năm phục hồi và sinh hoạt đều đặn, tháng 10/2019, UBND xã Hồng Lộc quyết định thành lập CLB Trò Kiều nhằm gìn giữ và phát huy giá trị của loại hình này.

Về Hà Tĩnh xem tuồng cổ, thưởng thức trò Kiều

Sau gần 50 năm tham gia trò Kiều, ông Trần Đức Công (70 tuổi) vẫn tiếp tục diễn vai Kim Trọng.

Những ngày áp tết cổ truyền, dù cả làng đang vào mùa cấy nhưng đêm đêm nhà văn hóa thôn Thượng Phú, trong ánh đèn sáng trưng và tiếng hát trò xen lẫn nhịp trống là tiếng cười nói râm ran của bà con nhân dân.

Không chờ đến đêm diễn chính thức vào mùng 4 tết, những ngày này, từ các cụ cao niên đến em bé đều háo hức đi xem CLB Trò Kiều tập vở. Cụ Nguyễn Thị Kiểu, 90 tuổi, không giấu nổi niềm mong đợi: “Tối nào tôi cũng phải đến xem các anh chị ấy tập trò Kiều về ngủ mới ngon được. Giờ già rồi, tết tôi không mong giò, chả, bánh chưng gì nhiều, chỉ mong được xem trò Kiều thôi”.

Về Hà Tĩnh xem tuồng cổ, thưởng thức trò Kiều

Tết đến chờ thưởng thức trò Kiều là thói quen của nhiều người dân xã Hồng Lộc.

Sống lại những hình thức diễn xướng dân gian

Bên cạnh trò Kiều ở Hồng Lộc (Lộc Hà); Tiên Điền, Xuân Liên (Nghi Xuân)… nhiều hình thức diễn xướng dân gian khác cũng được nhân dân nhiều địa phương Hà Tĩnh phục hồi và đưa vào đời sống xây dựng nông thôn mới.

Đến thôn Hà Ân (xã Thạch Mỹ, Lộc Hà) những ngày gần tết, trong sắc xuân tươi mới trên nụ hoa đào nở sớm… là những giai điệu truyền thống từ CLB tuồng cổ của thôn được khôi phục mấy năm nay. Năm nào cùng vậy, đêm diễn tuồng là món ăn tinh thần mà người dân thôn Hà Ân mong đợi mỗi dịp xuân về.

Về Hà Tĩnh xem tuồng cổ, thưởng thức trò Kiều

Hình ảnh trong vở tuồng cổ “Nguyễn Trãi” được CLB tuồng cổ thôn Hà Ân (xã Thạch Mỹ, Lộc Hà) dàn dựng.

Tết năm nay, bên cạnh trò Kiều, CLB Tuồng cổ của thôn Đông Thịnh (xã Hồng Lộc) cũng sẽ dựng lại vở diễn “Trương Viên”.

Ông Bùi Văn Đối (70 tuổi) - Chủ nhiệm CLB cho biết: “CLB chúng tôi đã sưu tầm và phục hồi lại được 5 bộ kịch bản tuồng cổ từng diễn trước đây như: Tần Hương Liên, Thoại Khanh - Châu Tuấn, Phạm Công - Cúc Hoa, Trưng Trắc - Trưng Nhị, Trương Viên. Hiện nay, chúng tôi đang tập vở Trương Viên và dự kiến sẽ ra mắt bà con vào ngày mùng 3-4 tết. Trước đó, các tết từ 2015 - 2018, CLB tuồng cổ chúng tôi đã diễn vở “Tần Hương Liên” nhiều lần và được đông đảo bà con ủng hộ”.

Về Hà Tĩnh xem tuồng cổ, thưởng thức trò Kiều

Cảnh trong vở tuồng cổ “Tần Hương Liên” trên sân khấu thôn Đông Thịnh (xã Hồng Lộc, Lộc Hà) dịp tết Nguyên đán những năm trước.

Những năm gần đây, ở Hà Tĩnh, hình thức diễn xướng dân gian đã “hồi sinh” và tạo nên điểm nhấn trong xây dựng đời sống văn hóa nông thôn mới ở nhiều làng quê. Điều đó khẳng định, dù đời sống xã hội hiện đại mang đến đa dạng các hình thức giải trí thì hình thức diễn xướng dân gian, tinh hoa văn hóa truyền thống của cha ông vẫn có chỗ đứng của riêng mình trong tâm hồn nhiều thế hệ người Hà Tĩnh.

Mùa xuân này, như một dòng chảy tiếp nối các giá trị văn hóa truyền thống, tiếng trống hội, những giai điệu ví giặm và những sân khấu trò Kiều, tuồng cổ… lại tiếp tục sáng đèn và ngân vang trên những miền quê nông thôn mới Hà Tĩnh.

Chủ đề NGƯỜI HÀ TĨNH

Đọc thêm

Truyện cười: Vé số

Truyện cười: Vé số

Một bà vợ hay ngoại tình, mỗi lần như vậy bà ta nói với chồng: “Em trúng xổ số nên hôm nay nhà mình ăn tươi”. 
Lionel Messi: Nước mắt thằng hề

Lionel Messi: Nước mắt thằng hề

Khi Lionel Messi đăng đàn phản ứng với phát biểu của Eric Abidal, thành viên BLĐ Barcelona, đó như giọt nước mắt của một thằng hề.
Các địa phương ở Hà Tĩnh ráo riết phòng, chống virus Corona

Các địa phương ở Hà Tĩnh ráo riết phòng, chống virus Corona

Với quan điểm “chống dịch như chống giặc”, các địa phương ở Hà Tĩnh đã tập trung triển khai nhiều biện pháp tích cực nhằm chủ động phòng ngừa và đối phó với những diễn biến phức tạp của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra.
2 bác sỹ Bệnh viện Nhi Trung ương “cắm chốt” tại Nghi Xuân

2 bác sỹ Bệnh viện Nhi Trung ương “cắm chốt” tại Nghi Xuân

Từ ngày 4/2, Bệnh viện Đa khoa Nghi Xuân mở thêm Phòng khám Nhi khoa do các bác sỹ đến từ Bệnh viện Nhi trung ương đảm nhận. Đây là một trong những nội dung thuộc dự án “Đào tạo, chăm sóc sức khỏe nhi khoa ban đầu" tại Bệnh viện Đa khoa huyện Nghi Xuân gian đoạn 2019 – 2021.
5 xã ở Hà Tĩnh tái phát dịch tả lợn châu Phi

5 xã ở Hà Tĩnh tái phát dịch tả lợn châu Phi

Sau khi đã qua 30 ngày có dịch tả lợn châu Phi (tính đến đầu tháng 12/2019), gần đây trên địa bàn Hà Tĩnh, dịch bệnh lại tái phát tại 5 xã thuộc 3 huyện, buộc phải tiêu hủy 58 con lợn ốm chết.