Trường Tiểu học Nam Trung Yên (quận Cầu Giấy, Hà Nội). (Ảnh: vtc.vn)
Vết thương trên thân thể của cậu bé gặp tai nạn trong ngôi trường tiểu học ấy rồi sẽ lành, nhưng sự vỡ vụn về niềm tin sẽ khó tránh khỏi. Sự thật, những vết thương đạo đức luôn để lại nỗi ám ảnh rất, rất lâu.
Những mảnh vỡ từ giá trị đạo đức luôn để lại dư chấn âm ỉ. Khi sự thành thật trở thành bức tường ngăn cách con người, đó là lúc ta không cần chờ tới ngày 1/4 để nói dối. Cũng như khi những thầy cô giáo tại trường Nam Trung Yên tự che mắt mình trước sự lừa gạt, đó là thời điểm tốt nhất để những đứa trẻ bước vào sự giả dối một cách thản nhiên.
Lại thêm một câu chuyện buồn cho nền giáo dục. Nhưng nó lại cho thấy thực trạng đáng báo động về những giá trị tưởng như rất cơ bản dưới mái trường: Dạy sự thật! Chẳng lẽ sự thật đã trở nên quý hiếm và khó biểu đạt đến thế sao? Dù thế nào, sẽ thật đáng buồn nếu những người giáo viên ấy có thể đứng trên bục giảng để nói về đạo đức công dân, về lòng chân thật hay sự nhiệt thành.
Trong một thời gian dài, chúng ta đã nói về những cải cách liên miên của ngành Giáo dục. Nhưng sẽ là vô nghĩa nếu người lớn không thể làm gương cho con trẻ về trách nhiệm và sự dũng cảm khi cần nói về sự thật. Không còn hiếm những trường hợp, căn bệnh thành tích khiến người ta phải dối trá về điểm số và thực lực học sinh. Trên lớp học, rất nhiều nơi học sinh phải tự lừa dối mình khi nằm trong vòng xoáy một chiều của giáo án. Không phản biện. Không tranh luận. Và dĩ nhiên, sẽ không có nhiều sáng tạo trong một hành trình ru ngủ...
Có vẻ như môi trường giáo dục, cũng như môi trường trí thức đang gặp những vấn đề “khó nói”. Theo nhiều thống kê, chúng ta đang tự hào khi điểm số của trẻ em Việt Nam cao hơn rất nhiều so với trẻ em nước ngoài. Số lượng những danh xưng Giáo sư, Tiến sỹ Việt Nam cũng khiến ngay cả những nước có nền giáo dục cao cũng không thể so sánh. Đã đến lúc, nền giáo dục cần nghiêm túc nhìn lại phương pháp giảng dạy như một kim chỉ nam mang tính chiến lược. Đó là việc dạy trẻ biết phản biện, biết nói lên những điều mình nghĩ, thay vì những con mọt sách chỉ biết chạy theo sự giáo điều. Cũng giống như những người được phong học hàm, học vị thay vì sự huyễn hoặc bản thân, hãy nghĩ về sự cống hiến thực sự, những phát minh hay thành tựu cụ thể.
Cuộc đời luôn sòng phẳng. Sẽ không thể có một gia đình mẫu mực và vẹn toàn khi những bậc làm cha, làm mẹ thiếu đạo đức. Và cũng không thể có một mầm non biết đứng thẳng, nếu những người dạy dỗ chúng hiện thân cho sự dối trá hay thách thức công lý.
Từ ngàn đời nay, dân tộc ta luôn xem nghề giáo là nghề nghiệp cao quý và đặc thù. Vẫn biết, không thể dùng một sự việc, một hiện tượng để đánh giá toàn ngành Giáo dục, nhưng bài học ở Nam Trung Yên sẽ không thể dễ dàng ngủ yên theo kiểu “rút kinh nghiệm”. Để có thể nhìn thẳng vào mắt học trò nói về những gì tốt đẹp nhất, về sự trung thực và lòng ngay thẳng, mỗi thầy, cô giáo sẽ phải tự hiểu họ cần gìn giữ điều gì. Và giá trị gì là điều không thể mất!
Rốt cuộc, lá phiếu khảo sát đầy gian dối của Ban giám hiệu trường Nam Trung Yên đã bị lật tẩy. Nhưng đau xót hơn, thật vô tình, nó đã cho thấy sự xuống cấp của lòng tin về những điều chân chính. Lương tâm có thể hành hạ một người nói dối, nhưng nếu cả một tập thể cùng nói dối thì sao? Đó sẽ không chỉ là bài học và vết thương khó lành cho ngành Giáo dục, mà còn cho cả mỗi người. Cho những ai đã, đang và sẽ làm cha, làm mẹ. Cho những ai đã quên bài học năm xưa khi còn thơ bé: “Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm”.