Chiếc công tơ điện dùng chung cho 27 hộ dân ở thôn Đông Thịnh, xã Hồng Lộc.
Giá điện gấp đôi, cần không dám dùng…
Con cái đi làm ăn xa nên gia đình ông Lê Viết Thuyết ở khu vực tái định cư Lè Ve - Cửa Trẹm (thuộc thôn Đông Thịnh, xã Hồng Lộc) chỉ có 2 vợ chồng ở nhà. Hiện trong nhà dùng 3 bóng đèn tiết kiệm điện loại 5W, 2 quạt điện loại công suất 47W và 1 chiếc ti vi.
Tất cả các thiết bị đều được ông bà sử dụng hết sức hạn chế nhưng mỗi tháng, tiền điện lên tới 300 - 400 ngàn đồng. Nguyên do là vì ông bà dùng chung công tơ điện với 26 hộ khác nên phải “gánh” một lượng điện năng hao hụt lớn.
Dù chỉ có những loại thiết bị rất đơn giản nhưng vợ chồng ông Thuyết vẫn chẳng dám dùng theo nhu cầu vì giá điện quá cao.
Điều này khiến ông Thuyết băn khoăn: “Tôi đã đầu tư 2,5 triệu đồng để mua sắm dây bọc loại tốt để kéo điện vào nhà. Khoảng cách từ trạm biến áp (có đồng hồ của điện lực) đến đồng hồ gia đình thuộc diện gần nhất xóm, đường dây được kiểm tra thường xuyên, cây cối cũng được phát quang, nhưng tôi vẫn phải chịu lượng hao hụt điện cào bằng theo đầu kW như các hộ khác, khiến tiền điện hằng tháng cao ngất ngưởng”.
Giá điện cao đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, thu nhập, sản xuất của những hộ làm trang trại, gia trại như gia đình chị Hà Thị Hương Mai.
Chị Hà Thị Hương Mai - một gia đình làm kinh tế trang trại chăn nuôi cũng không hài lòng: “Từ khi có điện đến nay, chúng tôi đều phải trả từ 2.200 - 2.500 đồng/kWh. Không chỉ có tiền điện hao hụt mà chúng tôi còn phải trả 20 ngàn đồng tiền công/tháng/hộ cho người đi thu tiền điện. Tính tổng lại, chúng tôi phải trả khoảng 2.500 - 3.000 đồng/kWh điện, cao gấp đôi so với mức bình thường. Điều này đang ảnh hưởng đến túi tiền, sinh hoạt cũng như sản xuất của chúng tôi”.
Nắng nóng kéo dài nên ruộng vườn không thể không tưới, nhưng ông Hồ Quốc Dũng lại lo tiền điện cuối tháng tăng cao
Những bất cập trên là do, hiện tại, hệ thống đường điện này đang thuộc dự án di dân tránh lũ do UBND xã Hồng Lộc làm chủ đầu tư. Vì vậy, tất cả 27 hộ thuộc dự án đều đang dùng chung 1 công tơ tổng và mỗi tháng, xã ủy quyền cho ông Hồ Thanh Liêm - Bí thư Chi bộ thôn Đông Thịnh thu tiền, nộp về xã để cân đối và chuyển nộp cho Điện lực Lộc Hà.
Ông Liêm khẳng định: “Tất cả những vấn đề mà bà con phản ánh trên là hoàn toàn có thật. Nguyện vọng được mua điện trực tiếp là hoàn toàn chính đáng, phải làm sớm bởi bà con thiệt thòi đã lâu, đường dây và thiết bị xuống cấp, nguy cơ mất an toàn ngày một lớn. Bản thân tôi cũng đã nhiều lần có văn bản gửi xã, Điện lực Lộc Hà nhưng chưa được giải quyết”.
Vì đâu nên nỗi?
Hầu hết người dân ở đây đều mong muốn hệ thống lưới điện sớm bàn giao cho ngành điện quản lý. Theo họ, chỉ có mua điện trực tiếp, người dân mới được phục vụ tốt nhất, mua đúng giá vì không phải gánh chịu những khoản hao hụt đáng ra thuộc về ngành điện.
Ông Lê Viết Bình - Chủ tịch UBND xã Hồng Lộc cho biết: "Sau khi thấy những dấu hiệu bất ổn, chúng tôi đã nhiều lần làm đơn kiến nghị lên Điện lực Lộc Hà và Sở Công thương đề nghị tiếp nhận dự án điện nhưng đến nay vẫn chưa có phản hồi. Chúng tôi rất mong các bên liên quan sớm làm thủ tục tiếp nhận để bà con được đảm bảo quyền lợi”.
Cầm hóa đơn tiền điện gần 1,2 triệu đồng cho 585 kWh điện dùng trong tháng 6 (đã được hỗ trợ do dịch Covid-19), ông Trần Văn Hoan phải “than trời”: Tiết kiệm sử dụng điện là cần thiết nhưng phải tiết kiệm đến mức tiêu cực, ảnh hưởng đến sức khỏe, sinh hoạt và sản xuất như chúng tôi ở đây thì không đúng chút nào.
Vấn đề cốt lõi là, ban đầu triển khai dự án di dân tránh lũ, có 243 hộ dân đăng ký nên Điện lực Lộc Hà đã cam kết sẽ cung cấp, quản lý hệ thống này. Tuy nhiên, khi thực hiện, chỉ có 27 hộ lên sinh sống nên ngành điện đã không “mặn mà” tiếp nhận bởi khách hàng ít, thất thoát, hao tổn điện do đường dây nhiều sẽ không có lãi (?!).
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Kiên Cường - Giám đốc Điện lực Lộc Hà lại cho rằng: Việc bàn giao công trình lưới điện phải tuân thủ trình tự, thủ tục và thời gian theo quy định. Điện lực Lộc Hà không thể tiếp nhận ngay khi có phản ánh của khách hàng. Bởi, ngoài các quy định của ngành thì phải tuân thủ đầy đủ các quy định về thẩm quyền quản lý, cho phép từ Trung ương đến địa phương.
Từ công tơ của hộ gia đình này đến công tơ của điện lực chỉ khoảng 25m, lượng hao hụt điện năng sẽ không đáng kể, nhưng khi tính tiền điện họ vẫn phải chi trả theo hướng cào bằng đầu số nên sẽ bị thiệt thòi.
Cũng theo Giám đốc Cường: "Việc bàn giao chậm cũng có phần xuất phát từ UBND xã Hồng Lộc. Khi hoàn thành dự án, địa phương không lưu trữ các loại hồ sơ cần thiết nên khi được cấp trên đồng ý cho chuyển bàn giao lại không thực hiện được. Tuy nhiên, để nhanh chóng tiếp nhận hạ tầng, phục vụ Nhân dân, chúng tôi đã gấp rút phối hợp, hướng dẫn, xử lý các vấn đề phát sinh cuối để trong tuần này có thể kiểm đếm, tiếp nhận”.
Sự việc trên cho thấy, người dùng điện thiệt thòi quyền lợi là điều đã rõ, nguyện vọng của bà con cũng hoàn toàn chính đáng. Vì vậy, chính quyền địa phương và Điện lực Lộc Hà cần tập trung xử lý để đảm bảo quyền lợi cho người dân.
Tin liên quan: