Trong thời gian dài, Nhà máy TL FOOD của HTX Tân Tiến Phát (Cụm công nghiệp Bắc Cẩm Xuyên) phải dừng hoạt động, công nhân tạm nghỉ khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.
Vào thời điểm doanh nghiệp cả nước rơi vào khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, ngày 24/4/2020, Chính phủ ban hành Quyết định 15/2020/QĐ-TTg “Quy định về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19”.
Trong đó, người sử dụng lao động có khó khăn về tài chính, được vay vốn tại Ngân hàng Chính sách - Xã hội (CSXH) với lãi suất 0%, để trả lương ngừng việc cho người lao động. Chính sách này được thực hiện từ nguồn tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam với tổng nguồn lên đến 16.000 tỷ đồng.
Trên địa bàn Hà Tĩnh, hơn 600 doanh nghiệp có lao động bị tạm ngừng hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương. Trong đó, 453 lao động bị chấm dứt hợp đồng và 8.329 lao động bị tạm hoãn hợp đồng hoặc nghỉ việc không hưởng lương. Các doanh nghiệp có lao động bị ảnh hưởng chủ yếu hoạt động trên các lĩnh vực như: xuất khẩu, vận tải, cơ sở giáo dục tư thục…
Người lao động làm việc trong các doanh nghiệp vận tải là những đối tượng chịu ảnh hưởng lớn về việc làm trong đại dịch Covid-19.
Ông Hoàng Bá Đồng - Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng CSXH Hà Tĩnh cho biết: “Vốn vay tại Ngân hàng CSXH đã sẵn sàng, chi nhánh đã thực hiện tập huấn nghiệp vụ đến từng cán bộ để thực hiện gói vay. Tuy nhiên, phần lớn các doanh nghiệp trên địa bàn Hà Tĩnh không đáp ứng được các điều kiện, đối tượng vay vốn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Phần khác, doanh nghiệp chưa thật mặn mà”.
Qua thẩm định hồ sơ ban đầu tại các huyện, thị, thành phố thì các doanh nghiệp vẫn có phát sinh doanh thu trong quý I/2020 hoặc vẫn còn dư tiền mặt trong tài khoản tính từ 31/3/2020. Trong khi, chính sách quy định chỉ hỗ trợ cho đối tượng là người sử dụng lao động (doanh nghiệp) không cân đối đủ nguồn để trả lương ngừng việc cho người lao động hoặc đã sử dụng hết quỹ dự phòng tiền lương để trả cho người lao động ngừng việc.
Gói vay lãi suất 0% trả lương cho lao động vừa mang tính kinh tế, vừa mang tính nhân văn đối với doanh nghiệp.
Ngay cả đối với các cơ sở giáo dục tư thục, dù không phát sinh doanh thu nhưng giáo viên, nhân viên lại nghỉ việc trước ngày 1/4/2020 để phòng, chống dịch Covid-19 nên cũng không đáp ứng đủ điều kiện (theo Quyết định 15/2020/QĐ-TTg, người lao động phải bị tạm hoãn hợp đồng hoặc nghỉ việc không hưởng lương sau ngày 1/4/2020).
Bên cạnh điều kiện ngặt nghèo thì các thủ tục phức tạp trong khi món vay nhỏ cũng khiến cho các doanh nghiệp ngại tiếp cận.
Giám đốc một doanh nghiệp trên địa bàn TP Hà Tĩnh cho hay: “Tôi có liên hệ với các đơn vị liên quan để tìm hiểu thủ tục gói vay, song, so với số tiền vay được hưởng lợi thì các giấy tờ, thủ tục và điều kiện tiếp cận quá ngặt nghèo. Nếu anh có 100 lao động bị ảnh hưởng thì nguồn vốn vay chỉ ở mức khoảng 150 - 170 triệu đồng, trong khi mỗi tháng doanh nghiệp phải làm lại hồ sơ, chứng minh tài chính…”.
Nhịp độ sản xuất, kinh doanh quay trở lại phần nào phản ánh được thực chất của việc chưa phát sinh dư nợ của gói vay ưu đãi 16.000 tỷ đồng (Ảnh: Giang Nam)
Nhiều doanh nghiệp cho rằng, khó đáp ứng hết các điều kiện vay vốn của chính sách và nhiều khả năng, nguồn vốn 16.000 tỷ đồng sẽ “đóng băng” tại ngân hàng. Tuy nhiên, nhìn từ thực tế khách quan, sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, nền kinh tế trở lại sôi động, phục hồi khá nhanh. Lợi thế này giúp các doanh nghiệp cải thiện được khả năng tài chính cũng như các quyền lợi của người lao động.
Mặt khác, chính sách cho vay lãi suất 0% đối với người sử dụng lao động của Chính phủ mang tính nhân văn cao. Điều kiện vay vốn khắt khe cũng chính là nhằm đưa chính sách đến đúng đối tượng, không bị trục lợi.