Nhờ các chính sách hỗ trợ của tỉnh và huyện nên diện tích cây ăn quả có múi của huyện Vũ Quang những năm qua tăng nhanh
Vũ Quang có diện tích vườn đồi tương đối lớn, cùng điều kiện thổ nhưỡng, đất đai, khí hậu phù hợp cho phát triển cây ăn quả có múi, đặc biệt là các cây chủ lực như: cam chanh, cam bù, chanh, bưởi...
Những năm qua, thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp cùng các chính sách hỗ trợ của tỉnh và huyện nên diện tích cây ăn quả có múi trên địa bàn tăng nhanh về số lượng và chất lượng. Hiện, tổng diện tích cây ăn quả có múi toàn huyện đạt 3.100 ha; trong đó, có trên 2.400 ha cam, còn lại là chanh, bưởi...; tập trung ở các xã: Hương Minh, Sơn Thọ, Đức Lĩnh, Đức Bồng...
Thực tế cho thấy, cây ăn quả có múi không những là cây xóa đói, giảm nghèo mà còn là cây làm giàu cho người dân, có nhiều hộ đã cho thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm.
Gia đình ông Phan Văn Châu (xã Đức Hương - Vũ Quang) trồng 1.000 gốc cam các loại, trong đó có 250 gốc đã cho thu hoạch
Với mục tiêu khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh của địa phương, thời gian tới, huyện Vũ Quang sẽ phát triển cây ăn quả có múi trên cơ sở đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa sản xuất gắn với bảo vệ, phát triển thương hiệu và tiêu thụ sản phẩm.
Đến hết năm 2020, Vũ Quang đặt mục tiêu diện tích cây ăn quả có múi đạt 4.100 ha (cam 2.900 ha, 885 ha chanh, 177 ha bưởi, 138 ha cây ăn quả có múi khác như: cam đường, cam sành, quýt, tắt). Trong đó, diện tích cho sản phẩm là 3.000 ha, sản lượng các loại đạt 50.126 tấn, tổng giá trị ước đạt 1.205 tỷ đồng.
Song song với mở rộng diện tích cây ăn quả có múi, huyện Vũ Quang còn tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm
Theo đó, địa phương sẽ chú trọng quy hoạch vùng trồng, quy hoạch vườn ươm giống, khu vực bảo quản, chế biến; tăng cường quản lý chất lượng giống, tập huấn, chuyển giao KHKT cho nông dân; xây dựng, bảo vệ thương hiệu Cam Vũ Quang và đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm...