Tiên phong trong phát triển kinh tế vườn đồi ở vùng “ốc đảo” Liên Hòa, gia đình anh Lê Văn Dũng sớm thoát khỏi đói nghèo, mỗi năm thu nhập trên 500 triệu đồng.
Là người tiên phong phát triển kinh tế trang trại ở vùng đất gian khó, anh Lê Văn Dũng đã nếm trải đầy đủ những gian lao, vất vả trong hành trình biến đồi hoang, vườn tạp thành hoa thơm, quả ngọt.
Anh Dũng kể: “Trước đây, thôn Liên Hòa được ví như vùng “ốc đảo” bởi bị núi đồi và sông Ngàn Sâu chia cắt, đường sá nhỏ hẹp và lầy lội. Người dân quanh năm bám ruộng chỉ mong sao đủ ăn, chẳng ai dám nghĩ đến làm giàu.
Từ khi có chủ trương khai thác tiềm năng vườn đồi, người dân được tiếp cận vốn, kiến thức KHKT, thị trường, năm 2010, vợ chồng tôi đã bắt tay vào làm kinh tế vườn đồi, gia trại. Bằng mồ hôi, công sức và ý thức vươn lên thoát khỏi cảnh đói nghèo, gia đình đã biến đồi hoang với cây gai, bụi rậm trở thành một vùng đất màu mỡ, bằng phẳng để trồng cây ăn quả, làm chuồng trại".
Đàn trâu không chỉ mang về nguồn thu lớn mà còn cung cấp nguồn phân bón hữu cơ dồi dào để chăm sóc vườn cây ăn quả.
Với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, mạnh dạn vay vốn và áp dụng KHKT, lại được “tiếp sức” từ chính sách hỗ trợ nên khu vườn đồi của anh Dũng ngày càng sum suê, diện tích được mở rộng, vườn đã đạt chuẩn vườn mẫu cấp tỉnh năm 2018. Đặc biệt, từ 500 gốc cây cam cho quả đạt chuẩn VietGAP, 7 con trâu, hàng trăm con gà mỗi lứa và 10 ha rừng trồng... mỗi năm mang về cho anh nguồn thu khoảng 500 triệu đồng.
Cú hích từ các mô hình tiên phong trong kinh tế vườn đồi đã thúc đẩy bà con nông dân Đức Liên mạnh dạn thay đổi tư duy làm ăn, chuyển đổi cơ cấu sản xuất dựa trên tiềm năng sẵn có để vươn lên làm giàu chính đáng.
Những năm gần đây, phong trào trồng cây ăn quả có múi kết hợp với chăn nuôi và trồng rừng đã diễn ra rầm rộ ở các thôn xóm và đã đem đến những kết quả khả quan, giúp bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới, đời sống người dân được nâng lên.
Kinh tế vườn đồi không chỉ tạo ra mũi đột phá trong phát triển sản xuất, cải thiện thu nhập cho người dân mà còn là điểm nhấn trong xây dựng NTM, được các đoàn tham quan đánh giá cao.
Trong 5 năm gần đây, người dân địa phương đã xóa bỏ vườn tạp, đồi hoang trồng thêm 71 ha, đưa tổng diện tích cây ăn quả có múi toàn xã lên 183 ha, góp phần chỉnh trang khu dân cư kiểu mẫu, xây dựng vườn mẫu trong NTM.
Ngoài 35 khu vườn đồi được công nhận đạt chuẩn, hiện trên địa bàn xã còn có hàng trăm hộ thu nhập từ 100 - 500 triệu đồng/năm từ trang trại, chủ yếu là cam, chanh, chăn nuôi trâu, bò, gà...
Từ vườn đồi, mỗi năm, Đức Liên giảm được 2,4% hộ nghèo, tỷ lệ hộ nghèo hiện chỉ còn 7%, thu nhập bình quân đầu người đã tăng lên 37 triệu đồng/năm.
Người dân xã Đức Liên đã có những vùng đồi tiền tỷ, những trang trại thu nhập cao.
Ông Nguyễn Văn Thắng - Phó Chủ tịch UBND xã Đức Liên cho biết, để phục vụ phát triển sản xuất, nhất là việc khai thác lợi thế vườn đồi làm trang trại, gia trại, cải tạo vườn tạp để trồng cây ăn quả, làm vườn mẫu... xã Đức Liên đã triển khai kịp thời các chính sách hỗ trợ của cấp trên với số tiền hơn 5.524 triệu đồng tiếp sức cho người dân. Bên cạnh đó, tạo điều kiện để người dân tiếp cận các kênh tín dụng vay hơn 26 tỷ đồng đầu tư phát triển kinh tế vườn đồi, mang lại cuộc sống khá giả.
"Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục tập trung tổ chức lại sản xuất, đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ KHKT để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm cây ăn quả có múi, chú trọng xây dựng các mô hình sản xuất, kết nối các sản phẩm chủ lực theo chuỗi giá trị và phát triển chăn nuôi theo hướng gia trại, trang trại chất lượng cao, đảm bảo vệ sinh môi trường.
Phấn đấu trong 5 năm tới, toàn xã có 255 ha cây ăn quả có múi, trong đó có 100 ha cam VietGAP; xây dựng được 10 mô hình VietGAP và 5 sản phẩm đạt OCOP; đưa giá trị sản xuất trên đất vườn đồi đạt 140 triệu đồng/ha/năm...” - Phó Chủ tịch UBND xã Đức Liên chia sẻ thêm.