Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng theo quy trình VietGap cũng đã được nhiều hộ dân áp dụng cho hiệu quả kinh tế cao.
“Hiện nay, toàn xã Thạch Hạ có hơn 120 mô hình kinh tế trên nhiều lĩnh vực, trong đó có 5 mô hình thu nhập từ 1 tỷ đồng đến 3 tỷ đồng, hơn 25 mô hình thu nhập từ 300 triệu đến 1 tỷ đồng. Các mô hình được sự hỗ trợ ban đầu của xã về vốn, quy trình sản xuất... đang từng bước vươn lên, đóng góp rất lớn vào sự phát triển của xã, đặc biệt là quá trình xây dựng nông thôn mới” - Chủ tịch Hội nông dân xã Thạch Hạ Nguyễn Hữu Anh, cho biết.
Mô hình nuôi tôm theo quy trình VietGap giúp tôm phát triển tốt và mau lớn hơn nuôi bình thường, sản lượng tôm có thể đạt trung bình từ 6-8 tấn/ha.
Được sự hỗ trợ của Trung tâm Ứng dụng khoa học kỹ thuật và Bảo vệ cây trồng vật nuôi TP Hà Tĩnh và chính quyền xã Thạch Hạ, năm 2015, anh Nguyễn Xuân Hà (thôn Liên Hà) bắt đầu thực hiện nuôi tôm thẻ chân trắng theo quy trình VietGap trên diện tích 0,5 ha; đến nay mô hình đã được mở rộng lên đến 2,5 ha. Theo anh Hà, nuôi tôm theo quy trình VietGap giúp tôm phát triển tốt và mau lớn hơn nuôi bình thường, sản lượng tôm có thể đạt trung bình từ 6 - 8 tấn/ha.
Người nuôi tôm thường xuyên kiểm tra sự phát triển của tôm.
Trên diện tích 1,5 ha, ông Nguyễn Văn Hòa (thôn Liên Hà) cũng áp dụng nuôi tôm thâm canh theo quy trình VietGap. “Thực hiện theo mô hình, tôi được xã và các cán bộ kỹ thuật hướng dẫn cách chăm sóc, phòng bệnh cho tôm một cách bài bản. Tôm khỏe mạnh, có trọng lượng từ 70 – 75 con/kg, cho gia đình thu nhập khoảng 1 tỷ đồng/năm” – ông Hòa vui vẻ chia sẻ.
Các mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng theo quy trình VietGAP đang được mở rộng tại xã Thạch Hạ.
Không chỉ giúp người dân tích cực áp dụng khoa học - kỹ thuật vào trong sản xuất, xã Thạch Hạ còn tập trung chỉ đạo phát triển các mô hình có tính liên kết, liên doanh nhằm ổn định thị trường, đảm bảo đầu ra cho sản phẩm. Điển hình như mô hình sản xuất nấm của HTX Trồng nấm, mua bán và Dịch vụ tuổi trẻ xã Thạch Hạ do anh Nguyễn Văn Duẫn làm chủ nhiệm.
Được thành lập từ năm 2012, đến nay, HTX Trồng nấm, mua bán và Dịch vụ tuổi trẻ xã Thạch Hạ đã phát triển đa dạng trên các lĩnh vực như: cung ứng bịch nấm giống, nấm thành phẩm, hỗ trợ kỹ thuật... Hiện, HTX đã liên kết 11 hộ tham gia trồng nấm vệ tinh, công suất đạt gần 10.000 bịch/năm, tổng thu nhập từ 400 - 450 triệu đồng/năm. Trong năm 2018, xã Thạch Hạ sẽ có thêm chính sách hỗ trợ để khuyến khích 20 hộ khác tham gia vào mô hình này.
HTX Trồng nấm, mua bán và Dịch vụ tuổi trẻ xã Thạch Hạ đã liên kết 11 hộ tham gia trồng nấm vệ tinh, công suất đạt gần 10.000 bịch/năm.
Đặc biệt, xã Thạch Hạ đang chỉ đạo các đơn vị chuyên môn quan tâm, mở rộng chính sách hỗ trợ với các mô hình cho thu nhập cao từ 1 tỷ đến 3 tỷ đồng/năm như: HTX nuôi cá lồng bè trên sông, HTX nuôi trồng thủy sản Đồng Ghè; mô hình nuôi gà sinh sản của anh Nguyễn Văn Nguyên và mô hình nuôi bò liên kết chất lượng cao thôn Liên Hà…
Nhiều mô hình kinh tế được xã quan tâm, đầu tư, mở rộng góp phần vào sự thay đổi toàn diện nền nông nghiệp của xã.
Chủ tịch UBND xã Thạch Hạ Nguyễn Sông Hàn, chia sẻ: “Thời gian qua, xã đã tạo thêm nhiều điều kiện cho các hộ dân phát triển các mô hình, đặc biệt là giúp đỡ các hộ dân tiếp cận với nguồn vốn, khoa học - kỹ thuật của tỉnh, thành phố. Đồng thời, xã cũng xây dựng cơ chế riêng để hỗ trợ các mô hình mà không đủ điều kiện để thụ hưởng các cơ chế hỗ trợ từ tỉnh, thành phố. Đối các mô hình phát huy hiệu quả, xã sẽ tiếp tục đầu tư nhân rộng trên địa bàn, có chính sách hỗ trợ vốn, nhân lực… nhằm cụ thể hóa đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp ở xã Thạch Hạ”.