Ho kéo dài là nguyên nhân hàng đầu khiến người bệnh đi khám. Đa số có nguyên nhân lành tính hoặc dễ điều trị như ho do viêm phế quản, do dị ứng, hen suyễn hay trào ngược dạ dày thực quản. Tuy nhiên, có những khi ho, đặc biệt ho kéo dài hơn hai tuần lại là dấu hiệu của những bệnh lý nặng nề.
Ho gà
Căn bệnh này về cơ bản đã được loại trừ khi trẻ được tiêm vắc xin phòng ngừa nhưng nó có thể quay trở lại do nhiều người chủ quan nghĩ rằng bệnh đã lui vào dĩ vãng mà không tiếp tục tiêm phòng. Theo một nghiên cứu của Đại học Emory công bố trên Tạp chí của Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ vào năm ngoái thì năm 2012, tại Mỹ đã có hơn 48 nghìn trường hợp mắc bệnh ho gà đã được báo cáo với Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), đây là con số cao nhất kể từ năm 1955 và đã có 20 người tử vong.
Lúc đầu, bệnh bắt đầu với triệu chứng giống như cảm lạnh bao gồm chảy nước mũi, ho nhẹ và sốt. Sau một hoặc hai tuần, ho sẽ nhiều hơn, đôi khi rất dữ dội khiến bạn mệt lử. Do đó, nếu bạn có biểu hiện ho này thì không nên chủ quan mà cần được chăm sóc y tế kịp thời vì nếu ho gà không được điều trị có thể dẫn đến viêm phổi. Ho gà được chẩn đoán với các xét nghiệm máu, chụp X-quang và điều trị bằng kháng sinh.
Ung thư phổi
BS. Raja M. Flores, Bệnh viện Mount Sinai, New York, Mỹ cho biết 65% người bị ung thư phổi bị ho mạn tính tại thời điểm chẩn đoán và đó có thể là triệu chứng duy nhất để chẩn đoán. Người ta thường cho rằng những người hút thuốc lá là đối tượng nguy cơ cao bị ung thư phổi nhưng những bệnh nhân mắc căn bệnh này có đến 28% là những người chưa bao giờ chạm tay vào một điếu thuốc. Do vậy, nếu cơn ho của bạn kéo dài hơn hai tuần, đặc biệt là nếu có đi kèm với chất nhầy máu hoặc màu rỉ sét, khàn tiếng, nuốt đau và đau ngực. Có thể dấu hiệu này chỉ là cơn khởi phát hen ở người lớn nhưng bạn không nên chủ quan mà phải được kiểm tra bằng một số xét nghiệm cận lâm sàng cần thiết để không bỏ qua các khối u có thể xuất hiện trong phổi hay các bộ phận khác.
Viêm phổi
Ho trong viêm phổi rất khác so với những bệnh lý khác, thường là ho khan, ho dai dẳng và ho nhiều hơn vào ban đêm. Nhiều người tự điều trị triệu chứng này bằng các thuốc không kê đơn nhưng đôi khi việc làm này không tốt vì nó gây trở ngại cho việc dẫn giải phóng đờm khỏi phổi, khỏi cơ thể bằng cách ho. Do vậy, nếu bạn bị ho và có thêm các triệu chứng cảm lạnh mà không thuyên giảm sau 10 ngày thì nên đến cơ sở y tế để kiểm tra sức khỏe. Ngoài ra, bạn cần đi khám bệnh sớm nếu có khó thở, đau ngực, sốt cao và/hoặc ho ra đờm nhầy có màu xanh hay lẫn máu. Các bác sĩ sẽ kiểm tra phổi, nếu có dấu hiệu đáng ngờ thì cần làm thêm xét nghiệm máu, chụp Xquang và trong một số trường hợp có thể cần thực hiện CT scan. Khi đã chẩn đoán chính xác bệnh viêm phổi, người bệnh sẽ được điều trị bằng kháng sinh và thường tiến triển tốt trong vài ngày dùng thuốc.
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD)
Hơn 7 triệu phụ nữ Mỹ sống chung với bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), căn bệnh thường khiến bạn cảm thấy khó thở. COPD thường là hậu quả của việc hút thuốc, tỷ lệ mắc bệnh đã tăng gấp bốn lần trong ba thập kỷ qua. Theo Hiệp hội Ung thư Mỹ thì số người tử vong do bệnh này chủ yếu là phụ nữ. Do vậy, nếu bạn là một người đang hoặc đã từng hút thuốc mà bị ho, thường kèm theo nhiều chất nhầy, đặc biệt vào buổi sáng, khó thở, thở khò khè và tức ngực thì đừng trì hoãn mà nên đến gặp bác sĩ hô hấp hoặc bác sĩ chuyên ngành phổi càng sớm càng tốt để được chẩn đoán và điều trị (chủ yếu là các loại thuốc theo toa như thuốc giãn phế quản). Bên cạnh quá trình điều trị, điều đầu tiên bạn cần phải làm là bỏ thuốc lá.
Lao
Bệnh lao do trực khuẩn mycobacterium tuberculosis gây ra, là bệnh tương đối hiếm gặp tại Hoa Kỳ nhưng lại gặp nhiều ở các nước đang phát triển như Việt Nam. Người có nguy cơ cao mắc bệnh lao nếu có hệ miễn dịch suy yếu (nhiễm HIV, mắc bệnh ung thư…).
Do vậy, hãy chú ý nếu triệu chứng ho kéo dài hơn ba tuần lễ, ho ra máu và thường đi kèm với đau ngực, sút cân, mệt mỏi, sốt, đổ mồ hôi đêm. Bệnh lao cần được điều trị sớm vì nếu không, bệnh có thể gây tử vong vì vi khuẩn lao có thể lây lan khắp cơ thể, gây tổn hại cho xương sống, khớp, não, thậm chí cả trái tim. Trực khuẩn lao được chẩn đoán qua da hoặc xét nghiệm máu và điều trị bằng kháng sinh.