Dưới đây là những tác nhân gây hại cho răng mà nhiều người mắc phải.
Hút thuốc lá
Với những người hút thuốc lá, kể cả bạn có thường xuyên chăm sóc răng miệng nhưng với tần suất hút thuốc lá dày đặc thì răng vẫn bị ố vàng và có mùi hôi miệng. Một nghiên cứu chỉ ra rằng những người hút 10 điếu thuốc một ngày sẽ có nguy cơ cao gấp 3 lần so với người không hút. Đối với những người nghiện thuốc lá nặng thì nguy cơ mắc các bệnh ung thư trong khoang miệng cao gấp 15 người bình thường.
Trong khói thuốc lá có chứa 7.000 hóa chất, trong đó có các độc tố như như nicotin, monoxyd de carbon và Acid cyanhydrid là nguyên nhân gây hại cho tổ chức nha chu và implant nha khoa. Các chất này phá hoại hệ miễn dịch trong khoang miệng, tạo nên những lỗ sâu trong lợi từ đó tấn công xương quai hàm. Hút thuốc nhiều dẫn tới rối loạn vi khuẩn khoang miệng, giảm tuần hoàn máu trong xương ổ răng, phá hủy hệ miễn dịch làm giảm nồng độ kháng thể trong máu và nước bọt.
Người trẻ hút thuốc nhiều có nguy cơ bị viêm lợi đây là một loại bệnh nặng và nhanh chóng dẫn đến viêm quanh răng cuối cùng là mất răng. Những người có sức khỏe tốt mà hút thuốc kéo dài nhiều năm sẽ có nguy cơ bị viêm quanh răng mạn tính, bệnh tiến triển từ từ làm lung lay nhiều răng. Khi hút thuốc lá các tế bào biểu mô niêm mạc lưỡi, má, khoang miệng, vòm họng bị tổn thương rồi dần sẽ tiến triển thành ung thư biểu mô.
Nước ngọt có ga
Nước uống có ga là một trong những tác nhân gây hại hàng đầu cho sức khỏe răng miệng. Vào mùa nóng nhiều người thường có thói quen uống nước giải khát trong khi đó nước ngọt chứa một lượng acid photphoric khá lớn làm mòn men răng. Men răng là lớp áo bảo vệ cho răng, giúp giữ chân răng. Việc sử dụng nước ngọt thường xuyên hay uống quá nhiều, các acid có trong nước ngọt sẽ làm mòn lớp áo này, răng mất dần đi sự bảo vệ nên dễ bị thương tổn bởi các yếu tố bên ngoài. Khi men răng trở nên quá yếu, răng dễ bị rụng và nướu răng cũng bị ảnh hưởng.
Răng dễ bị sâu khi tiếp xúc với lượng đường lớn trong nước ngọt. Đồng thời, các acid trong nước ngọt làm men răng mòn đi, tạo cơ hội thuận lợi cho các vi khuẩn tấn công vào răng, tạo nên những lỗ sâu răng. Răng sâu sẽ tạo cảm giác đau nhức, khó chịu, thậm chí dẫn đến giảm ăn mất ngủ, làm giảm thể trạng cơ thể. Nếu răng sâu không được điều trị kịp thời, lỗ sâu có thể ăn tới tủy răng gây ra các vấn đề đặc biệt nghiêm trọng.
Ăn thực phẩm chứa nhiều axit
Một trong những thói quen gây hại cho răng là do thói quen ăn uống không khoa học. Hầu hết mọi người đều có suy nghĩ rằng ăn thật nhiều trái cây sẽ tốt cho sức khỏe, cải thiện làn da. Tuy nhiên, đây lại là một thói quen gây hại cho răng. Trên thực tế, một số loại trái cây có vị chua như: cam, bưởi, xoài và chanh lại chứa hàm lượng axit rất cao, có thể gây ra một số bệnh về dạ dày và trực tiếp làm ảnh hưởng xấu đến răng miệng.
Bởi lẽ, trong các loại trái cây này chứa hàm lượng axit rất cao, dẫn đến tình trạng lớp men răng bị suy yếu, làm giảm khả năng chống chọi lại với vi khuẩn cũng như nhạy cảm với đồ ăn. Ngoài các loại hoa quả có vị chua, trong các thực phẩm, đồ uống như: rượu bia, thịt đỏ, các loại đồ uống có ga cũng chứa hàm lượng axit rất cao. Vì vậy nên hạn chế đưa những thực phẩm này vào cơ thể.
Xỉa răng bằng tăm
Nhiều người vẫn giữ thói quen xỉa răng bằng tăm nhất là nước ta, ở lứa tuổi trên 30. Nếu ai đang có thói quen này, thì nên dừng ngay lập tức, đây là thói quen gây hại cho răng bởi dùng tăm sẽ khiến tạo lỗ hổng giữa hai răng, vừa làm mất thẩm mỹ, vừa gia tăng khả năng mắc kẹt thức ăn ở giữa hai kẽ răng. Dùng tăm cho vào hai kẽ răng khiến men răng bị mài mòn. Ngoài ra còn làm tổn thương vùng nướu, lợi dẫn đến tình trạng chảy máu răng.
Sử dụng đồ lạnh và nhai đá
Một số người lại có sở thích ăn đồ lạnh khi mùa hè nóng bức như ăn kem, uống nước lạnh, nhai đá, …, đây là thói quen vô cùng có hại cho răng. Ăn nhiều đồ lạnh, nhai đá lại là tác nhân dẫn đến tình trạng men răng bị nứt. Theo thời gian, các vết nứt ngày càng to ra, vi khuẩn dễ dàng xâm nhập, sẽ làm rụng răng (mất răng).
Chải răng sai cách
Việc đánh răng quá nhiều lần trong ngày hoặc đánh răng quá lâu là nguyên nhân làm mòn men răng, khiến răng dễ bị tổn thương, nhạy cảm. Chỉ nên đánh răng khoảng 2 lần/ngày, mỗi lần đánh răng chỉ kéo dài từ 4-6 phút.
Không thay bàn chải thường xuyên cũng là tác nhân gây hại cho răng. Bàn chải là nơi chứa rất nhiều vi khuẩn. Vi khuẩn trên bàn chải sẽ xâm nhập và ảnh hưởng đến vùng miệng. Tốt nhất, nên thay bàn chải 3 tháng/lần. Kể cả khi bàn chải vẫn còn sử dụng tốt, cũng nên thay ngay cho mình một chiếc mới. Chú ý nên sử dụng các loại bàn chải có lông mềm.
Không khám răng định kỳ
Việc không đi khám nha khoa, kiểm tra sức khỏe răng miệng định kỳ cũng là một trong những thói quen gây hại cho răng. Khi răng vẫn còn trắng sáng, không bị đau nên nhiều người thường chủ quan. Trên thực tế, các vấn đề về răng miệng như: sâu răng, viêm nướu, lợi thường phát triển khá chậm. Ở giai đoạn đầu của bệnh lý, sẽ không thấy dấu hiệu gì bất thường. Đến khi nặng hơn sẽ gây ra hiện tượng đau nhức hay chảy máu. Khi đó, sẽ cần phải chữa trị bằng các phương pháp khá đắt tiền. Vì thế, nên khám răng định kỳ, tối thiểu 6 tháng/lần để kịp thời phát hiện ra các bệnh lý về răng miệng.