Giai đoạn một tuổi: Nuôi dưỡng cảm giác an toàn
Khi con được một tuổi, điều cha mẹ nên làm là ở bên con, tương tác với con nhiều hơn. Điều này tốt hơn bất cứ kiến thức sáo rỗng nào, bởi vì thông qua quá trình đó, bé cảm nhận thấy mình có được sự yêu thương từ cha mẹ.
Trẻ em trong giai đoạn sơ sinh và chập chững biết đi đặc biệt thích có người lớn xung quanh, chú ý đến hành vi của trẻ, làm cho trẻ cười vui vẻ, nói chuyện với trẻ và chơi với chúng, để trẻ cảm thấy an toàn hơn.
Ảnh minh họa: Pexels
Giai đoạn hai tuổi: Phát triển khiếu hài hước
Hài hước là tính cách mà mỗi người cần có. Đôi khi, cách vượt qua những rắc rối chính là học cách mỉm cười. Do đó, học cách kết hợp sự hài hước, vui vẻ vào cuộc sống đặc biệt quan trọng.
Hai tuổi trở ra là thời điểm tốt nhất để trau dồi khiếu hài hước của trẻ. Đây là thời điểm trẻ bắt đầu làm quen với việc hòa nhập vào đám đông. Trẻ bắt đầu học về cách bày trò cười, thu hút sự chú ý vì những câu nói tinh nghịch của mình. Giai đoạn này, cha mẹ nên chú ý mở rộng sở thích của trẻ và thêm vào những tình huống hài hước cho trẻ cảm nhận. Khiếu hài hước có thể loại bỏ rất nhiều căng thẳng và rắc rối cho trẻ trong cuộc sống sau này, đồng thời có thể mang lại lợi ích cho trẻ cả đời.
Giai đoạn ba tuổi: Ươm mầm sức sáng tạo
Khả năng sáng tạo của trẻ bắt đầu nảy mầm khi trẻ lên ba tuổi, bắt nguồn từ sự tò mò. Chỉ cần cha mẹ tạo môi trường thích hợp và cơ hội khơi gợi hứng thú thì tiềm năng của trẻ sẽ tự nhiên được phát huy tối đa. Bạn có thể trau dồi khả năng sáng tạo của trẻ bằng cách để trẻ kể chuyện, vẽ tranh, cắt dán tranh...
Những thực hành này giúp trẻ vận động tay chân, suy nghĩ tích cực, từ đó phát triển trí tưởng tượng, đặc biệt là nâng cao khả năng tư duy logic. Trồng cây, nuôi động vật nhỏ... cũng có thể truyền cảm hứng cho sự sáng tạo của trẻ em.
Giai đoạn bốn tuổi: Phát triển ngôn ngữ
Bốn tuổi là độ tuổi trẻ thích đặt câu hỏi. Chúng có vô số câu hỏi “tại sao”, háo hức muốn biết những điều mới. Cha mẹ nên đáp ứng chúng thay vì nóng nảy, bực dọc.
Nghiên cứu chỉ ra, trẻ thường xuyên đặt câu hỏi “tại sao” là những trẻ thích tìm tòi, thông minh. Nếu có sự bồi dưỡng thích hợp cho trẻ, khi trưởng thành, trẻ có khả năng tư duy tốt, nhạy bén.
Giai đoạn 5 tuổi: Xây dựng quan hệ gắn bó
Trẻ 5 tuổi có thể kiểm soát hành vi của mình, làm những gì mình yêu thích, hòa đồng và thân thiết với người khác. Giai đoạn này bé rất gần gũi bố mẹ và thích bố mẹ gần gũi. Bé cũng thích làm những việc khiến cho bố mẹ vui, thích được mẹ tán thưởng, khen ngợi vì việc tốt của mình. Lời khen ngợi và khẳng định của cha mẹ đối với bé rất quan trọng.
Do đó, vai trò của cha mẹ trong giai đoạn này là lắng nghe trẻ chia sẻ, hiểu những cảm xúc của trẻ, sẵn sàng bày tỏ tình cảm dành cho bé bằng những lời nói, hành động phù hợp. Điều này sẽ giúp xây dựng mối quan hệ gắn kết giữa cha mẹ và con cái trong gia đình.
Giai đoạn 6 tuổi: Có sự mâu thuẫn về mặt cảm xúc
Khi trẻ còn nhỏ, cha mẹ là trung tâm, là cả thế giới. Tuy nhiên, từ khi trẻ 6 tuổi, thế giới trọng tâm của bé là chính mình. Ở giai đoạn này, trẻ trưởng thành và độc lập hơn, trẻ muốn phá vỡ thế cân bằng cũ và xây dựng vương quốc của riêng mình.
Một mặt, trẻ gắn bó với mẹ và muốn mẹ đồng hành nhưng mặt còn lại lại muốn tự mình thử làm mọi thứ. Do đó, cha mẹ ở giai đoạn này nên tôn trọng trẻ, đừng áp đặt và yêu cầu trẻ làm mọi việc theo ý mình. Hãy cho trẻ cơ hội được tự trải nghiệm, khám phá và xây dựng thế giới nội tâm độc lập của riêng chúng.
Giai đoạn 7 tuổi: Phát triển tư duy trừu tượng
Trẻ 7 tuổi cảm thấy mọi thứ đều có sự sống, có cảm xúc, tâm tư. Thậm chí các bé còn tin rằng các vật thể, hiện tượng tự nhiên đều có cảm xúc và suy nghĩ như con người.
Sự phát triển của tư duy trừu tượng cho phép trẻ trở nên sáng tạo hơn. Trẻ nắm được rằng sự thay đổi hình dạng của vật chứa không gây ra sự thay đổi về lượng, bắt đầu hiểu ý nghĩa của lượng. Nếu bạn xếp 10 viên sỏi thành một hàng và xếp 8 viên sỏi cách xa nhau một chút thành một hàng có cùng chiều dài, trẻ cũng có thể biết hàng nào có nhiều viên sỏi hơn. Đây chính là nền móng cho sự phát triển tư duy trong tương lai trẻ, vì thế, cha mẹ nên lưu ý để bồi đắp.
Giai đoạn 8 tuổi: Suy nghĩ mọi việc phức tạp, nhạy bén hơn
Trẻ 8 tuổi đã có thể bắt đầu suy nghĩ về nhiều vấn đề. Tư duy và ngôn ngữ được phát triển đầy đủ, khả năng phán đoán được nâng cao và logic đơn giản có thể được sử dụng để rút ra kết luận nhất định và suy luận đơn giản. Trẻ cũng ngày càng nhận thức rõ hơn về sức mạnh khách quan của tự nhiên. Nhiều người lớn còn nói đứa trẻ 8 tuổi “như cụ non” là vì vậy.