1. Không nên mơ tưởng viển vông về tình yêu
Đem lòng yêu rất dễ, còn duy trì mối quan hệ tình cảm tốt đẹp lại là vấn đề hoàn toàn khác. Tình yêu càng dài lâu càng khó khăn, có rất nhiều trắc trở, gập ghềnh trên đoạn đường đó
Nhà trị liệu Michele Weiner-Davis, đồng thời là cuốn sách viết về cách hâm nóng đời sống hôn nhân Divorce Busting, chia sẻ: "Lường trước những thử thách không thể tránh khỏi trong tình yêu, và có kế hoạch để cùng nhau vượt qua một cách bình tĩnh là biểu hiện của một mối quan hệ bền chắc".
2. Không tự ái vì chuyện nhỏ nhặt
Trong cuộc sống đời thường, không ai hoàn hảo. Những cặp đôi tốt sẽ hướng suy nghĩ theo cách tích cực nhất nếu đối phương mắc lỗi.
Quên lấy đồ giặt khô ở cửa hàng? Đi xe hết xăng nhưng không đổ đầy? Thay vì nghĩ theo kiểu đại loại như "Ồ em ấy chẳng quan tâm gì đến mình", hay "Anh ta chỉ biết mỗi thân anh ta", bạn nên ngẫm xem, thậm chí những cặp đôi hạnh phúc nhất cũng có lúc gặp rắc rối.
3. Cư xử đoàn kết, không đối đầu
Tình yêu không phải là một cuộc "so găng" thắng thua - Ảnh: Videoblock
Theo Douglas C. Brooks, một chuyên gia trị liệu tình cảm phòng the cho các cặp đôi, bạn không nên đem tinh thần cạnh tranh từ công việc vào mối quan hệ lãng mạn. Hãy tôn trọng và thưởng thức sự bầu bạn từ đối phương.
4. Sẵn sàng gánh trách nhiệm, không đổ lỗi
Khi gặp vấn đề, mỗi người phải xác định phần lỗi của mình nằm ở đâu.
Tài chính khó khăn? Tôi đã chi quá tay ở chỗ nào?
Việc nhà làm chưa xong? Tôi bỏ sót chỗ nào? Hãy luôn nhớ "tiên trách kỉ, hậu trách nhân".
Tất nhiên, lầm lỗi không phải lúc nào cũng chỉ thuộc về một phía. Nhưng một đôi có mối quan hệ lành mạnh sẽ xác định trách nhiệm của mình, trước khi hỏi xem đối phương sai ở đâu.
Ngược lại, những người có mối quan hệ bất ổn sẽ nhanh chóng chĩa tay chỉ trích người khác, và tìm cách rũ sạch trách nhiệm.
5. Có cảm giác an tâm, tin tưởng đối phương
Pepper Schwartz, giáo sư về xã hội học và chuyên gia tình dục học, nhận định về một tình yêu lành mạnh như sau: "Cả hai bên phải có niềm tin sâu sắc đối với lòng chung thủy và sự thành thật ở đối phương, không được ghen tuông hoặc ngờ vực".
Bạn phải cảm nhận được tình yêu mà người ấy dành cho mình. Những hoài nghi vô căn cứ không thể tồn tại khi tình yêu là thật lòng và lành mạnh. Bạn biết đối phương cũng đang nỗ lực bảo vệ tình cảm của hai người.
6. Chịu ủy khuất vì ích lợi của người ấy
Nếu bạn đặt nhu cầu cá nhân lên trên, hoặc cay đắng vì phải ưu tiên ích lợi của người ấy, đó chính là hành động đưa đến thảm họa.
Yêu người khác tức là đôi bên phải chăm sóc lẫn nhau, vì nhau. Đối phương sẽ rất hạnh phúc nếu bạn sẵn sàng làm những việc không mấy ưa thích, như chấp nhận gặp gỡ nhà thông gia trong khi bạn không thực sự thích thú.
7. Thoải mái "tám" đủ đề tài
Một cặp đôi đúng nghĩa sẽ không ngại trao đổi đủ vấn đề dù tế nhị. Bạn chắc chắn muốn biết người ấy nghĩ gì, cảm nhận gì cho dù sự việc có thể không thoải mái.
Tiền bạc, sự khó chịu, cáu giận, khát vọng hay thậm chí vấn đề tình dục, tất cả đều cần được hai bên thẳng thắn sẻ chia.
Đừng ngại bày tỏ suy nghĩ cùng người ấy - Ảnh: Medium
8. Chấp nhận bản thân và người ấy thay đổi theo thời gian
Dẫu bạn đã đem lòng yêu người ấy xiết bao ở thuở đầu gặp gỡ, sau nhiều năm tháng, đối phương sẽ có những đổi thay về tính tình, lối sống. Theo nhà tâm lý học Ryan Howes, bạn có thể trách móc sự thật hiển nhiên này, hoặc chọn cách chấp nhận nó.
Một cặp đôi lành mạnh sẽ hiểu, thay đổi là tốt, và con người luôn trải qua quá trình dài để phát triển cá tính. Bạn nên cổ vũ cho những sở thích mới, hướng đi nghề nghiệp mới, tình bạn mới của người ấy và ngược lại.
Nếu cảm thấy bất an, hai bạn nên thẳng thắn trao đổi với nhau. Tình yêu chân chính là khi hai người nắm tay nhau cùng trưởng thành, cùng thay đổi.
9. Cãi nhau nhưng phải đúng mực
Những người yêu nhau cuồng nhiệt nhất cũng sẽ có lúc "cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt". Hai bạn có thể tranh luận, thậm chí cãi vã, nhưng không được nói những câu xúc phạm đến người kia.
Hãy giải quyết mâu thuẫn một cách văn minh, và để bản thân không phải hối tiếc về sau.