Nguy hại cho sức khỏe
Các loại thực phẩm nếu bảo quản kém sẽ sản sinh ra các loại nấm như nấm xanh, nấm có mũ... đều chứa chất aflatoxin, chất cực độc đối với sức khỏe con người. Ngoài việc gây ngộ độc cấp tính (liều gây tử vong khoảng 10mg), độc tố aflatoxin còn được xem là nguyên nhân gây xơ gan và ung thư gan.
Bảo quản thực phẩm đúng cách sẽ giúp thực phẩm an toàn khi sử dụng
Trong khi đó, aflatoxin rất bền với nhiệt. Khi đem lạc mốc rang lên, dù ở nhiệt độ rất cao, các bào tử nấm mốc bị tiêu diệt, nhưng độc tố của chúng vẫn không bị phá hủy hoàn toàn. Trong các loại lương thực thực phẩm như lạc, ngô, hạt sen... thì lạc chiếm tỷ lệ mốc và chứa chất độc này cao nhất.
Nấm mốc phát triển trên rau củ quả, gạo đỗ, lạc... gây biến đổi màu sắc, mùi vị, giảm chất lượng, dinh dưỡng. Nấm mốc, vi khuẩn các loại nhanh chóng làm thối rữa hoa quả, rau, hạt ngũ cốc.
Đối phó với nấm mốc, vi khuẩn
Để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm mùa nồm cần lưu ý: Không để đồ ăn qua đêm bên ngoài, mà phải bảo quản trong tủ lạnh. Nếu lỡ để quên qua đêm thì không nên tiếc để dùng lại mà nên bỏ đi.
Thực phẩm mua về, hoặc dùng xong cất ngay vào tủ lạnh. Nên cho thực phẩm vào tủ lạnh khi còn tươi nhất. Các loại thực phẩm có mùi như bơ, pho mát, cá… cần bọc nilon mới cho vào tủ lạnh.
Thực phẩm đã nấu chín chỉ nên để trong tủ lạnh từ 1 - 2 ngày. Nên sử dụng hết thực phẩm sau khi đã được nấu chín, vì chỉ hơi ẩm cũng dễ xuất hiện các loại mốc tại các điểm hở nhỏ. Sau khi rã đông thực phẩm cần phải dùng ngay.
Trong điều kiện ở nông thôn, miền núi không có tủ lạnh để bảo quản thực phẩm thì chỉ nên mua ít thực phẩm, không tích trữ lưu cữu thức ăn, thực phẩm để phòng nấm mốc gây ngộ độc. Thực phẩm mua về nên bảo quản ở nơi thoáng mát, hoặc có thể cho vào túi nilon rồi ngâm vào chậu nước lạnh.
Bát đũa sau khi rửa nên trải đều ra cho mau khô. Tốt nhất, trước khi dùng nếu thấy thớt, đũa vẫn còn ẩm thì nên tráng lại bằng nước nóng hoặc hơ qua lửa để sấy khô đũa, thớt, diệt vi khuẩn, nấm mốc.