Không dùng dầu ăn ở nhiệt độ cao
Hậu quả của việc đun nóng dầu ăn quá nhiệt độ sôi ngoài nguy cơ trước mắt là bị bỏng do văng dầu còn khiến dầu mất đi chất dinh dưỡng vốn có, tạo ra khói độc và các chất độc gây bệnh.
Khi nhiệt độ quá cao so với ngưỡng chịu nhiệt và “điểm bốc khói”, các phân tử chất béo trong dầu ăn sẽ biến thành glycerol và axit béo tự do, các mầm bệnh sẽ dần hình thành từ việc này. Nguy hiểm hơn, khói độc phát sinh khi dầu ăn được đun quá nóng sẽ tạo ra chất aldehyd có khả năng gây ung thư.
Không sử dụng dầu chiên lại nhiều lần
Theo chuyên gia dinh dưỡng, dầu ăn đã qua 1 lần sử dụng tốt nhất nên bỏ đi. Bởi tiết kiệm trong trường hợp này không phải là điều tốt, “Dầu ăn chiên nhiều lần sẽ dễ bị oxy hóa, gây các bệnh lý mãn tính như tiểu đường, tim mạch...” - PGS.TS Phan Thị Sửu - GĐ Trung tâm kỹ thuật An toàn vệ sinh thực phẩm cho biết.
Dầu càng chiên lại nhiều lần thì chất độc sẽ càng nhiều hơn.Tuy nhiên, trong một số trường hợp không chiên các thực phẩm như cá, thịt, thức ăn có nhiều cặn, dầu ăn có thể tái sử dụng nếu được làm sạch thật kỹ.
Nên dùng nhiều loại dầu ăn
Độ chịu nhiệt của các loại dầu khác nhau, để đảm bảo sức khỏe, gian bếp nhà bạn nên có 2 loại dầu ăn. Một loại dùng cho việc xào, trộn dầu dấm, salad, nấu canh,… như dầu mè, dầu đậu nành, dầu olive; loại còn lại chuyên dùng khi chiên, rán như dầu dừa, dầu đậu phộng…
Lựa chọn dầu ăn phù hợp để chế biến các món ăn còn là để cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng cho cơ thể. Đặc biệt đối với nhóm người trung niên và cao tuổi, tỷ lệ dầu thực vật nên ở mức 60-70% tổng lượng chất béo mà cơ thể cần.
Bảo quản dầu ăn đúng cách
Hãy đóng nắp chai thật kỹ sau khi sử dụng để tránh hơi ẩm, không khí, bụi bẩn rơi vào. Nên chứa dầu ăn trong các chai nhựa đảm bảo vệ sinh, tránh các vật chứa bằng kim loại vì chúng sẽ khiến dầu ăn nhanh hỏng hơn.
Cần để dầu ăn ở nơi thoáng mát, tránh ánh nắng mặt trời hay bếp lò. Tốt nhất nên bảo quản ở nhiệt độ từ 10 – 15 độ C hoặc không quá 35 độ C. Ngoài ra, một số loại dầu ăn nên để trong tủ lạnh theo khuyến cáo ghi trên bao bì.
Tránh dùng dầu ăn bẩn
Thông thường, dầu ăn chất lượng sẽ có màu vàng nhạt, trong suốt. Nếu là dầu hạt cải thì trong màu vàng có thoáng chút màu xanh lục, nếu là dầu hạt lạc thì sẽ có chút sắc cam hoặc vàng cam. Những loại dầu ăn kém chất lượng thường mang màu vàng nâu, vàng sẫm, vẩn đục hoặc có cặn.