Bác sỹ Trần Tiền thăm khám sức khỏe cho bệnh nhân đang điều trị tại Khoa Cấp cứu - Chống độc.
Để thích nghi với mùa hè khắc nghiệt, người dân đã áp dụng nhiều biện pháp trong sinh hoạt, công việc nhưng điều quan trọng nhất vẫn là tự chăm sóc sức khỏe để tăng cường sức đề kháng cho mỗi thành viên trong gia đình.
Bác sỹ Trần Tiền - Khoa Cấp cứu Chống độc Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết, thường gặp nhất trong mùa nắng nóng là các bệnh về đường tiêu hóa, đột quỵ, sốc nhiệt... Thời tiết nắng nóng khiến cơ thể ra nhiều mồ hôi, gây mất nước, điện giải, dễ dẫn đến mắc các bệnh rối loạn chuyển hóa. Trong khi đó, những biện pháp chống nóng như bật quạt gió mạnh trực tiếp vào người hoặc để nhiệt độ điều hòa quá thấp lại dễ gây nhiễm lạnh, viêm phổi…
Bổ sung các loại nước ép hoa quả vào thực đơn hàng ngày cũng là cách giúp tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.
Nền nhiệt cao là môi trường lý tưởng cho nấm mốc, vi khuẩn trong các loại thức ăn sinh sôi, nảy nở khiến các bệnh về tiêu hóa như tiêu chảy, lỵ... gia tăng. Để chăm sóc hiệu quả sức khỏe cho các thành viên trong gia đình mùa nắng nóng, bác sỹ Trần Tiền khuyến cáo, mọi người nên hạn chế đi ra đường khi không cần thiết, nhất là thời điểm nắng nóng gay gắt; nếu phải đi ra ngoài hoặc làm việc ngoài trời nên đội mũ rộng vành, khoác áo chống nắng, đeo kính râm, đeo khẩu trang, găng tay... để chống say nắng và tránh mất nhiều mồ hôi.
Việc sử dụng điều hòa trong thời tiết này là rất cần thiết nhưng phải thật hợp lý với mức nhiệt vừa phải, từ 25 - 28oC; tắt điều hòa 10 - 15 phút trước khi ra khỏi phòng để cơ thể không bị sốc nhiệt.
Cơ thể cần được cung cấp từ 2 lít nước/ ngày trong mùa nắng nóng.
Về chế độ dinh dưỡng hằng ngày, bác sỹ cũng khuyến cáo mọi người phải uống đủ từ 2 - 2,5 lít nước/ngày, đặc biệt là với người hoạt động, làm việc nhiều ngoài trời; đồng thời, cần hạn chế các loại nước ngọt, kem, đá lạnh để tránh viêm họng.
“Bữa ăn hằng ngày, cần chú ý cân bằng các nhóm chất để cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho cả nhà, đặc biệt tăng cường các loại rau xanh, hoa quả sạch. Thức ăn phải được sơ chế sạch sẽ, nấu chín; bảo quản tủ lạnh và sử dụng trong thời gian ngắn; hạn chế ăn thức ăn sống để tránh ngộ độc thực phẩm” - bác sỹ Trần Tiền lưu ý.
Thể dục với cường độ hợp lý để đảm bảo sức khỏe, đặc biệt là đối tượng người già và trẻ em.
Trong điều kiện dịch bệnh bùng phát như hiện nay, việc giữ gìn vệ sinh cá nhân cũng là một trong những biện pháp bảo vệ sức khỏe đơn giản và hiệu quả. Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng trước khi ăn hay chế biến thức ăn, sau khi đi vệ sinh, sau khi đi bên ngoài về; vệ sinh mũi, họng hằng ngày bằng nước muối sẽ giúp loại bỏ, tiêu diệt vi khuẩn. Tắm gội hằng ngày giúp loại bỏ bụi bặm, vi khuẩn, mồ hôi ứ đọng trên cơ thể. Thói quen vệ sinh thân thể sạch sẽ cũng giúp bạn ăn ngon, ngủ sâu giấc, cơ thể sảng khoái hơn.
Thêm một lưu ý của bác sỹ dành cho người dân trong thời điểm hiện nay là thực hiện tốt “5K” sẽ giúp bạn và gia đình tránh được nguy cơ lây lan, nhiễm các loại bệnh, góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng.