Vị trí đặt máy giặt
Có lẽ câu trả lời phổ biến nhất là ở ban công, ở sân thượng hoặc ở ngoài sân phơi giặt. Nhiều người cho biết việc đặt máy giặt ở đây sẽ thoáng đãng, tiện giặt phơi quần áo. Thế nhưng cách đặt máy giặt này là sai. Bởi những vị trí này máy giặt sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp của thời tiết, môi trường như mưa, nắng, nóng, lạnh...và ảnh hưởng đến động cơ trong máy giặt.
Người dùng cũng không nên đặt máy giặt ở phòng tắm, nhà vệ sinh hay trong bếp, vì những nơi này có độ ẩm cao hoặc có nhiều dầu mỡ, không phù hợp để đặt thiết bị điện, dễ gây hư hại máy giặt, thậm chí có thể gây chập điện.
Người dùng nên đặt máy giặt ở 1 nơi sạch sẽ, khô ráo, thoáng mát và nhớ đặt máy giặt ở nơi bằng phẳng để máy đứng vững vàng.
Dùng bột giặt, nước giặt nhiều hơn yêu cầu
Đây quả là 1 sai lầm nên tránh, vừa khiến người dùng tốn kém vừa khiến máy giặt chịu tổn thương.
Khi người dùng sử dụng nhiều bột hoặc nước giặt hơn so với yêu cầu thì máy sẽ không dùng hết, lượng nước giặt còn thừa không được xả hết ra ngoài, dễ gây tắc máy mà quần áo sau khi giặt vẫn không sạch. Bên cạnh đó, cho quá nhiều bột giặt, nước giặt cũng sẽ khiến máy hoạt động mệt mỏi hơn, tốn nhiều nước để xả cho sạch hơn. Hay đối với máy giặt cửa trước, cho quá nhiều bột giặt, nước giặt sẽ dẫn đến nguy cơ bọt trào ra ngoài và gây hư hỏng cho máy giặt nữa đó!
Cho nên, ngưng suy nghĩ càng nhiều bột giặt, nước giặt thì quần áo càng sạch.
Không phân loại quần áo trước khi cho vào giặt
Thường thì những người bận rộn chỉ ôm đống quần áo dơ cho vào máy giặt cái vèo rồi nhấn nút nhưng thực ra việc phân loại quần áo rất quan trọng. Động tác này sẽ giúp người dùng bảo vệ được độ bền của quần áo, giúp quần áo không bị lem màu, không bị giãn hay rách hư.
Ngoài ra, phân loại và kiểm tra quần áo còn giúp máy giặt tránh những sự cố hư hao do các vật dụng còn sót trong quần áo.
Vì vậy, người dùng nên bỏ chút thời gian để phân loại quần áo, kiểm tra các túi, cài nút, kéo khóa và lộn trái quần áo lại trước khi cho vào máy giặt.
Giặt quần áo với khối lượng không phù hợp
Khối lượng không phù hợp ở đây không chỉ là về khối lượng quá nhiều mà người dùng không nên giặt với khối lượng quá ít.
Khi cho quá nhiều quần áo và khiến máy giặt quá tải thì quần áo sẽ chuyển động thành một khối, không thể khuấy hoặc lắc mạnh theo guồng quay của dòng nước. Từ đó, bột giặt sẽ không thể lưu thông một cách hoàn hảo. Điều này dẫn đến quần áo sẽ không thể giặt sạch hoàn toàn hay thậm chí là các vết bẩn còn giữ nguyên.
Còn khi các bạn giặt quá ít, quần áo giặt có thể sẽ dồn về một phía của lồng giặt, làm cho lồng giặt mất cân đối, gây nên những cú lắc mạnh, va đập trong khi vắt và sấy.
Vì thế, người dùng nên cố gắng giữ khối lượng quần áo ở quy định về trong lượng của máy giặt.
Mở nắp máy đột ngột khi máy đang hoạt động
Có thể lúc máy giăt đang hoạt động bạn sẽ phát hiện rằng bản thân quên bỏ vào cái quần cái áo gì đó rồi mở nắp máy giặt và bỏ thêm vào. Nhưng việc mở nắp máy khi lồng giặt đang quay là điều rất nguy hiểm và cấm kỵ. Vì nó sẽ khiến mọi hoạt động của máy bị gián đoạn, trục quay của lồng giăt bị lệch. Nó có thể đe dọa đến sự an toàn của chính bạn và gây hại nặng nề cho máy giặt nữa.
Vì thế, nếu muốn mở máy giặt trong lúc máy đang hoạt động thì bạn phải nhấn nút "Tạm dừng/Pause".
Vệ sinh máy giặt không đúng cách
Kồng máy giặt là nơi trú ngụ các loại vi khuẩn, nấm mốc, cặn bột giặt, xơ vải quần áo... Vậy nên, lồng máy giặt rất cần được vệ sinh thường xuyên.
Nếu gia đình người dùng sử dụng máy giặt thường xuyên thì nên vệ sinh máy mỗi tháng 1 lần. Việc vệ sinh này sẽ giúp tăng tuổi thọ cho máy, giúp máy vận hành an toàn, ổn định hơn và còn giặt quần áo được sạch hơn nữa.