Bệnh xảy ra ở mọi lứa tuổi, mọi khu vực địa lý. Người mắc bệnh sốt xuất huyết cần chế độ dinh dưỡng thế nào để nhanh hồi phục? Chế độ dinh dưỡng cho người bị sốt xuất huyết phụ thuộc vào các giai đoạn, tình trạng bệnh và các biến chứng.
1. Trong giai đoạn ủ bệnh
Thời gian ủ bệnh sốt xuất huyết trung bình từ 4-7 ngày hoặc kéo dài đến 2 tuần. Nếu được chẩn đoán sớm bằng test nhanh tìm kháng nguyên NS1 trong 5 ngày đầu, người bệnh có thể tập trung ăn uống nhiều hơn bình thường các thực phẩm giàu năng lượng và các chất dinh dưỡng giúp tăng sức đề kháng để dự trữ cho giai đoạn phát bệnh, nhất là người gầy, người có nguy cơ thiếu dinh dưỡng.
Chế độ dinh dưỡng cho người bị sốt xuất huyết phụ thuộc vào các giai đoạn, tình trạng bệnh.
2. Giai đoạn cấp tính sốt xuất huyết hay giai đoạn toàn phát:
Phần lớn người bệnh đều có sốt gây mất nước , làm tăng quá trình dị hóa, đồng thời vừa thiếu cung cấp các chất dinh dưỡng do biếng ăn và giảm ăn, dẫn đến mất cân bằng năng lượng, và mất cân bằng Nitơ kéo theo mất kali, magnesium, kẽm, phospho và lưu huỳnh qua nước tiểu tỉ lệ thuận với lượng mất nitơ.
Tình trạng hạ canxi, natri và đường huyết trong các trường hợp bệnh nặng phải cấp cứu. Nuôi ăn ngoài đường tiêu hóa khi có biến chứng nặng như xuất huyết tiêu hóa, biến chứng não không ăn được, sốc do mất dịch, thoát dịch.
3. Sốt xuất huyết Dengue không biến chứng:
Khi sốt xuất huyết không có hay chưa có biến chứng , nhưng có sốt cao kèm mất nước, điều quan trọng là cần bù nước đầy đủ.
Chế độ ăn chủ yếu là sữa, nước đường, các loại nước ép trái cây chứa nhiều nước, vitamin và khoáng chất, vitamin C giúp tăng sức đề kháng như cam, quýt, bưởi, nước chanh, nước dừa tươi.
Người bệnh sốt xuất huyết hạn chế ăn kiêng, nên ăn thức ăn lỏng hoặc mềm như cháo, súp để dễ nuốt và dễ tiêu hóa, giúp bổ sung thêm nước vào cơ thể. Tăng dần lượng ăn bằng súp, cháo thịt, cháo cá, phở, hủ tíu, cơm mềm với canh. Nếu không có bệnh tiểu đường cần tăng sử dụng đường fructose, sarcarose như mật ong, trái cây. Khuyến khích cho trẻ bị sốt xuất huyết ăn nhiều thức ăn chúng ưa thích. Tránh ăn các thức ăn có màu nâu, đỏ như huyết, củ dền để dễ phát hiệu sớm khi có xuất huyết tiêu hóa.
Ngoài chế độ dinh dưỡng đúng, người bệnh sốt xuất huyết cần bù nước kịp thời.
4. Sốt xuất huyết có biến chứng:
Bệnh sốt xuất huyết có thể gây ra một số biến chứng thường gặp như:
Sốc sốt xuất huyết Dengue:
Khi sốt xuất huyết trong giai đoạn hồi sức do sốc, đường huyết của người bệnh được chú ý theo dõi chặt chẽ và điều trị bằng các dung dịch cao phân tử và glucose ưu trương qua đường tĩnh mạch. Khi bệnh nhân hết sốc, cho ăn sớm qua đường miệng với thức ăn lỏng thay thế dần nuôi ăn qua đường tĩnh mạch.
Sốt xuất huyết Dengue có xuất huyết tiêu hóa:
Bệnh nhân sẽ được cho nhịn ăn tạm thời và thay bằng nuôi ăn qua đường tĩnh mạch cho đến khi hết xuất huyết tiêu hóa. Chú ý khi sử dụng dung dịch nuôi chủ yếu là glucose 5 - 10% và acid amin 10%, khả năng cung cấp chỉ đạt khoảng 50% nhu cầu. Cần quan tâm ngăn ngừa sự quá tải dịch và chống toan chuyển hóa. Khi ổn định, tập cho người bệnh ăn lại bằng nước đường lạnh một ngày, sau đó thay dần bằng những thức ăn mềm lạnh, đơn giản với nhiều chất dinh dưỡng và theo dõi xuất huyết tái phát để xử trí kịp thời.
Sốt xuất huyết Dengue có biến chứng gan:
Nếu bệnh sốt xuất huyết có biếng chứng viêm gan, gây sưng đau vùng hạ sườn phải và tăng men gan. Cung cấp chất đạm bình thường là 1,1 - 1,3 g/kg cân nặng, giảm lipid còn dưới 15% so với tổng năng lượng. Nếu có hôn mê gan cần giảm protein còn 0,3 - 0,6 g/kg cân nặng và giảm năng lượng do lipid còn dưới 10% so với tổng năng lượng.
Sốt xuất huyết Dengue có biến chứng não (Hôn mê):
Khi sốt suất huyết biến chứng não như hôn mê, bệnh nhân sẽ được nuôi ăn qua ống thông phối hợp với đường tĩnh mạch. Cần thận trọng khi chỉ định đặt ống thông dạ dày và nếu thời gian hôn mê lâu (>7 ngày) thì phải nuôi dưỡng đủ nhu cầu các chất dinh dưỡng theo lứa tuổi, khi người bệnh hồi tỉnh tập ăn sớm bằng miệng.
5. Giai đoạn hồi phục
Giai đoạn phục hồi thường vào ngày thứ 7-10 của bệnh, cần tăng năng lượng và đạm, tăng dần lượng ăn cho mỗi bữa ăn lên 10-20% hay hơn nữa và ăn bù thêm một bữa phụ mỗi ngày như sữa, cháo, sữa chua, trái cây. Vẫn nên ăn thực phẩm mềm sau 3 ngày để phòng xuất huyết tiêu hóa.
Đặc biệt đối với trẻ em bị sốt xuất huyết, sữa là nguồn dinh dưỡng quan trọng nhất, tiếp tục cho trẻ bú mẹ, chia nhỏ bữa ăn và nước uống, tránh cho ăn dồn dập. Uống nhiều nước như nước lọc, nước canh, nước rau luộc, nước ép trái cây.
Khi xuất viện, người bệnh cần được tiếp tục theo dõi, ăn uống đầy đủ thực phẩm giàu chất đạm như thịt, cá, trứng, sữa, tôm cua... , chú ý phối hợp các thực phẩm chứa các chất dinh dưỡng giúp tăng sức đề kháng nêu trên; tránh lo lắng, ngủ và nghỉ ngơi đầy đủ; sinh hoạt, làm việc, học tập điều độ; tập thể dục nhẹ nhàng vừa sức và tăng dần sẽ giúp người bệnh nhanh chóng hồi phục.