1. Vo gạo đúng cách
Lớp ngoài của hạt gạo chứa nhiều vitamin nhóm B (B1, B3, B6), E, chất xơ, sắt, kẽm và omega 3 tốt cho sức khỏe.
Hiện nay, hầu hết các loại gạo đều sản xuất theo quy trình hữu cơ sạch. Các chuyên gia dinh dưỡng khuyến nghị nên vo gạo nhẹ nhàng, cho gạo và nước vào nồi rồi dùng tay khuấy đều, gạn bỏ bụi bẩn nổi lên bề mặt, làm khoảng 2 lần là được.
Không chà xát gạo quá kỹ hay chắt hết phần nước đục vốn chứa nhiều dưỡng chất quan trọng. Hành động này cũng làm trôi lớp vỏ cám chứa nhiều xenlulo có tác dụng giúp giảm hàm lượng cholesterol có hại trong máu. Một số ý kiến cho rằng, gạo lứt chứa asen, một kim loại nặng gây độc nên phải vo kỹ. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng hàm lượng asen trong gạo phụ thuộc vào từng loại gạo và nơi trồng. Do đó, người nội trợ khi mua cần tham khảo xem nguồn gốc gạo đó như thế nào.
Để nấu cơm ngon, đảm bảo dưỡng chất không phải ai cũng biết. Ảnh: Bùi Thủy
2. Nấu cơm bằng nước sôi
Lâu nay, nhiều người theo thói quen thường nấu cơm bằng nước lạnh, nhưng các chuyên gia dinh dưỡng lại khuyên nấu đúng cách nên dùng nước sôi.
Khi nấu từ nước lạnh, hạt gạo bị nở trương lên từ từ, các chất dinh dưỡng theo đó tan vào nước và thoát ra ngoài khi nấu bốc hơi. Còn khi nấu bằng nước sôi, lớp ngoài hạt gạo co lại tạo màng bảo vệ, hạt gạo không bị nứt vỡ, lượng vitamin giữ lại nhiều hơn 30% so với nước lạnh.
Kinh nghiệm dân gian thường ước lượng bằng mắt sao cho lượng nước cao hơn gạo “”một đốt ngón tay“”. Mỗi loại gạo có một độ hút nước khác nhau. Với gạo lứt thì lượng nước nhiều hơn chút vì gạo này vẫn còn cám nên vỏ ngoài cần nhiều nước để làm mềm.
Tùy theo khẩu vị mỗi món ăn mà thay đổi loại nước cho phù hợp, ví dụ với cơm gà Hội An thì nấu bằng nước dùng (nước luộc gà) thêm chút bột nghệ.
3. Ủ cơm ở chế độ làm ấm thêm 10-15 phút
Khi cơm chín tỏa khói và nồi cơm điện bật sang chế độ làm ấm thì nên để ủ thêm 10-15 phút để cơm chín đều, khô ráo bề mặt. Sau đó, mở nắp, xới đều giúp hạt cơm tơi xốp, không bị dính vào thân nồi. Chú ý, trong quá trình nấu (nồi gang, nồi đất hay nồi cơm điện) nên đậy vung để vừa giữ nhiệt đều, vừa tránh tiếp xúc không khí - đây là yếu tố phá hủy vitamin trong gạo.
4. Các bí quyết khác
Để cơm thơm hơn thì thêm lá dứa (lá nếp) cho vào nấu cùng. Theo Đông y lá dứa cũng là bài thuốc quý chữa trị đau nhức xương khớp, chữa viêm phế quản, ổn định đường huyết.
Để cơm bóng đẹp thì thêm chút bơ hoặc dầu oliu, dầu mè vào từ đầu. Đây là cách người Nhật thường làm để tăng sự hấp dẫn cho món cơm.
Ở một số quán ăn, để tránh cơm bị thiu thì họ thường cho thêm chút muối vào khi nấu. Sau khi cơm chín mở nắp nồi, để nơi thoáng mát cho nguội sẽ giữ được lâu hơn. Đậy nắp làm cho cơm bị hấp hơi nhanh thiu.
Một số nghiên cứu bật mí bí quyết để giảm cân, khi nấu cơm thêm chút nước cốt chanh vì axit phá hủy làm giảm lượng tinh bột đáng kể. Hoặc cho chút dầu dừa vào khi nấu cơm (khoảng 3% lượng gạo). Nấu cơm xong để nguội cho vào ngăn mát tủ lạnh nửa ngày, lúc nào ăn thì quay lại bằng lò vi sóng. Dầu dừa tương tác với phân tử tinh bột làm thay đổi cấu trúc, khi làm mát hydro giữa các phân tử bên ngoài hạt gạo được liên kết với nhau và biến nó thành tinh bột kháng - tinh bột này không bị phân hủy thành glucose trong dạ dày, vì vậy chúng có hàm lượng calo thấp hơn.