Bùn thải tràn ra đường, “xông” cả vào nhà dân
Tuyến đê La Giang đoạn từ k1+200 đến k2+00 hiện đang được xử lý thấm theo công nghệ khoan phụt vữa xi măng + bentonite (xi măng + bột sét) với tỉ lệ trộn xi măng 20% + bentonite 80%. Chiều dài tuyến đê được khoan xử lý thấm là 455m; tổng số mét được khoan để xử lý chừng 6000, độ sâu trung bình mỗi mũi khoan là 14m.
Công trình do Chi cục Thủy lợi Hà Tĩnh làm chủ đầu tư; Công ty CPTV&XD Thành Sen (trụ sở tại TP Hà Tĩnh) chịu trách nhiệm thi công.
Do không có rãnh thu gom nên bùn thải chảy tràn lan vùi lấp cả mốc chỉ giới.
Theo nguyên tắc, trong quá trình khoan phụt, để tránh lượng vật liệu thải và các phụ gia khác từ công trình chảy tràn ra môi trường, đơn vị thi công phải đào hệ thống rãnh thoát và hố đựng để sau này thu gom. Song, thực tế thi công đã để bị bùn, vật liệu thải từ công trình trôi vào sân, vườn của nhiều hộ dân ở phía dưới đê.
Vườn rau của gia đình bà Mai Thị Liễu bị bùn vùi lấp
Bà Mai Thị Liễu – một người dân thôn Đông Thái phản ánh: “Trời nắng ráo nước bùn từ các mũi khoan vẫn cứ tràn vào vườn. Còn trời mưa thì tràn vào rất mạnh, vùi lấp cả vườn rau. Không những thế, tường rào vốn được xây kiên cố cũng bị nứt toác do sự rung chuyển trong quá trình khoan..”.
Bà Liễu cho rằng, tường rào nhà mình bị nứt do nén ép từ các mũi khoan
Theo quan sát, tại làng Đông Thái có nhiều tuyến đường được đấu nối với tuyến đê này và những ngày này, người dân rất khó đi lại bởi bùn đất từ công trình tràn xuống.
“Do bùn sét tràn xuống lối đi nên nhiều đoạn rất trơn khiến nhiều người đã bị ngã. Ngoài ra, bùn cứ theo mương nước chảy xuống, vườn nào thấp là bùn tràn vào. Trong quá trình thi công, nhà thầu làm nứt cả tường rào của dân nhưng chưa có một cam kết nào”, ông Phạm Minh Đức - một người dân ở Đông Thái bức xúc.
Bùn đất ngập tràn nhiều tuyến đường trong thôn Đông Thái
Ông Phan Tiến Dũng - Chủ tịch UBND xã Tùng Ảnh cho biết: “Việc thi công để bùn tràn ra đường, tràn vào vườn đã làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân, gây ô nhiễm môi trường, làm mất cảnh quan của vùng quê NTM. Chính quyền địa phương yêu cầu chủ đầu tư và đơn vị thi công cần sớm khắc phục và cam kết không vi phạm nữa…".
Ông Ngô Đức Hợi - Giám đốc Chi cục Thủy lợi Hà Tĩnh cho biết: Đơn vị thi công để bùn thải, vật liệu thải cùng các phụ gia khác từ công trình chảy vào vườn dân thì phải buộc thu gom khắc phục; làm nứt tường rào của dân thì phải sửa chữa, bồi thường.
“Vật liệu thải này sẽ đông cứng lại sau một thời gian nếu để chảy ra đất sản xuất thì sau này rất khó canh tác”, ông Hợi nói thêm.