Lực lượng chức năng phun hóa chất để tiêu hủy lợn bị dịch ở xã Xuân Lộc
Ngày 17/7, cán bộ thú y xã Xuân Lộc nhận được tin báo của anh Lê Hoa ở thôn Dư Nại về việc 4 con lợn của gia đình chết không rõ nguyên nhân. Ngay sau đó, chính quyền địa phương đã phối hợp với Trung tâm Ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi huyện Can Lộc tiến hành lấy mẫu đi xét nghiệm.
Cùng lúc đó, gia đình ông Lê Liệu ở nhà bên cạnh cũng có 1 lợn nái bị chết. Thấy vậy, địa phương đã cấp tốc thuê máy, thuê xe để vận chuyển lợn chết đi tiêu hủy.
Vợ chồng anh Lê Hoa ở thôn Dư Nại buồn bã khi 1 con lợn nái và 5 con lợn thịt chết do dịch tả lợn châu Phi
Trong chiều 18/7, nhận kết quả xét nghiệm và xác định lợn gia đình anh Hoa, ông Liệu bị dịch tả châu Phi, chính quyền các cấp đã tổ chức họp và tiêu hủy số lợn còn lại. Theo đó, tổng số lợn tiêu hủy trong 2 ngày là 11 con nặng hơn 800 kg; trong đó có 2 lợn nái.
Ông Thái Đăng Định – Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Lộc cho biết: “Xã Xuân Lộc tiếp giáp với 7 xã của huyện Can Lộc và 1 xã của huyện Thạch Hà. Nếu để dịch lây lan ở Xuân Lộc thì rất khó để kiểm soát. Hiện nay, chính quyền địa phương đang phối hợp với các hộ dân ráo riết tiến hành công tác phòng dịch”.
Xã Xuân Lộc lập chốt kiểm dịch ngay khi dịch xảy ra trên địa bàn
Theo đó, xã nhanh chóng thành lập điểm chốt, phun vây phòng dịch lây lan rộng khắp địa bàn. Địa phương cũng tiến hành cấp 5.600 kg vôi cho 400 hộ chăn nuôi lợn trên toàn xã. “Hiện tại, chúng tôi đã tạm đình chỉ hoạt động buôn bán lợn trong thời gian 30 ngày kể từ khi có dịch. Riêng thôn Dư Nại – địa bàn có ổ dịch thì công tác giết mổ cũng bị đình chỉ” - Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Lộc Thái Đăng Định nhấn mạnh.
Xã Trung Lộc phun hóa chất tiêu độc khử trùng trên trục đường giáp ranh xã Xuân lộc
Không riêng địa bàn bùng phát ổ dịch mới, các xã khác trên địa bàn huyện Can Lộc cũng đang ráo riết đẩy mạnh công tác phòng chống dịch. Đến thời điểm hiện tại, 8 xã giáp ranh với xã Xuân Lộc (Mỹ Lộc, Đồng Lộc, Trung Lộc, Khánh Lộc, thị trấn Nghèn, Tiến Lộc, Sơn Lộc và Thạch Liên – Thạch Hà) đều đã lập chốt kiểm dịch. Để chống dịch, huyện hỗ trợ các địa phương hàng trăm lít hóa chất, 20 tấn vôi để phun và rải trên các trục đường, cửa ngõ ra vào các địa phương lân cận.
Các địa phương trên toàn huyện Can Lộc đang ráo riết ngăn chặn dịch lây lan trên diện rộng
Ông Nguyễn Duy Cường – Phó Chủ tịch UBND huyện Can Lộc cho hay: “Huyện đang chỉ đạo quyết liệt công tác phòng chống dịch để hạn chế lây lan sang diện rộng. Ngoài việc tăng cường kiểm tra kiểm soát, chúng tôi cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến cáo bà con không mua bán, vận chuyển và giết mổ lợn trong vùng dịch; tạm dừng việc nhập con giống từ ngoài địa bàn vào”.
Một trong những giải pháp cấp bách được huyện Can Lộc triển khai là bảo vệ đàn lợn nái trên địa bàn để sẵn sàng tái đàn sau khi dập dịch thành công. “Nhiệm vụ cấp bách hiện nay là phải tập trung ưu tiên bảo vệ đàn lợn giống. Kinh nghiệm từ nhiều đợt dịch trước cho thấy sau khi bão dịch bệnh qua đi, các trang trại sẽ cần số lượng lợn lớn để tái đàn. Nếu không đáp ứng được yêu cầu này, ngành chăn nuôi lợn dễ rơi vào khủng hoảng” – Phó Chủ tịch UBND huyện Can Lộc Nguyễn Duy Cường nhấn mạnh.