Cán bộ, công chức Hà Tĩnh mong giá hàng hóa không “té nước theo lương”

(Baohatinh.vn) - Nghị định số 24/2023/NĐ-CP ngày 14/5/2023 của Chính phủ về tăng lương cơ sở từ 1,49 triệu đồng lên 1,8 triệu đồng/tháng đã mang lại nhiều niềm vui cho cán bộ, công chức, viên chức Hà Tĩnh, song, không ít người lo lắng sẽ sớm có cuộc chạy đua tăng giá các mặt hàng...

Sau 3 năm, lương cơ sở mới được điều chỉnh tăng từ 1,49 triệu lên 1,8 triệu đồng/tháng. Theo Nghị định số 24/2023/NĐ-CP, các nhóm đối tượng được áp dụng mức lương cơ sở 1,8 triệu đồng/tháng từ ngày 1/7/2023 gồm: cán bộ, công chức, viên chức từ cấp Trung ương đến cấp xã; người hưởng lương, phụ cấp và người lao động (gọi chung là người hưởng lương, phụ cấp) làm việc trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp của Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội các cấp; hội được ngân sách Nhà nước hỗ trợ kinh phí hoạt động và lực lượng vũ trang.

Cán bộ, công chức Hà Tĩnh mong giá hàng hóa không “té nước theo lương”

Sau 3 năm, lương cơ sở mới được điều chỉnh tăng từ 1,49 triệu lên 1,8 triệu đồng/tháng. Ảnh Internet

Nghị định số 24/2023/NĐ-CP nêu rõ, mức lương cơ sở dùng làm căn cứ để tính mức lương trong các bảng lương, mức phụ cấp và thực hiện các chế độ khác theo quy định của pháp luật đối với các đối tượng quy định; tính mức hoạt động phí, sinh hoạt phí theo quy định của pháp luật; tính các khoản trích và các chế độ được hưởng theo mức lương cơ sở.

Anh Lê Văn Trình - chuyên viên LĐLĐ thị xã Hồng Lĩnh nằm trong nhóm đối tượng được tăng lương cơ sở từ ngày 1/7/2023. Hiện tại, với hệ số lương 4.65, mỗi tháng, anh Trình được lĩnh hơn 6,9 triệu đồng. Với việc áp dụng mức lương cơ sở mới, từ tháng 7/2023, mức lương của anh Trình nhận được sẽ là hơn 8,3 triệu đồng.

Cán bộ, công chức Hà Tĩnh mong giá hàng hóa không “té nước theo lương”

Anh Lê Văn Trình - chuyên viên LĐLĐ thị xã Hồng Lĩnh (người đứng giữa) cùng lãnh đạo LĐLĐ thị xã tìm hiểu chế độ chính sách của người lao động tại Công ty TNHH Haivina Hồng Lĩnh.

Anh Lê Văn Trình cho biết: “Với tổng thu nhập của cả hai vợ chồng sau khi tăng lương, cuộc sống gia đình tôi ổn định hơn. Việc điều chỉnh lương cơ sở lần này thật sự có ý nghĩa lớn, đây chính là nguồn động viên đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động hưởng lương từ ngân sách Nhà nước. Điều này cho thấy sự nỗ lực rất lớn của Chính phủ trong việc tăng chi ngân sách để cải cách chế độ tiền lương cho cán bộ, công chức, viên chức".

Cũng thuộc nhóm được điều chỉnh tăng lương cơ sở trong đợt này, các cán bộ, công chức, viên chức thị trấn Nghèn (Can Lộc) đồng loạt được tăng lương từ ngày 1/7/2023 theo Nghị định số 24/2023/NĐ-CP của Chính phủ.

Cán bộ, công chức Hà Tĩnh mong giá hàng hóa không “té nước theo lương”

Chị Phùng Thị Nhung (áo trắng) - công chức văn hóa - xã hội (UBND thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc) thăm hỏi, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của đối tượng chính sách trên địa bàn.

Chị Phùng Thị Nhung - công chức văn hóa - xã hội (UBND thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc) vui vẻ cho biết: “Tôi đang hưởng mức lương bậc 5, hệ số 3,66. Với mức tăng lương hơn 20%, mỗi tháng, tôi được nhận thêm hơn 1 triệu đồng. Trong thực tế, giá cả sinh hoạt ở địa bàn tôi sinh sống rẻ hơn khu vực thành phố, thị xã nên đây cũng là nguồn hỗ trợ đáng kể”.

Cùng niềm vui được tăng lương, chị Đặng Thị Thái Linh - chuyên viên Phòng Quản lý khoa học - Đối ngoại - Truyền thông (Trường Đại học Hà Tĩnh) chia sẻ: “Đợt tăng lương cơ sở lần này thể hiện sự quan tâm của Nhà nước với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Tăng lương cũng đồng nghĩa với việc người lao động có thêm thu nhập để chi tiêu, cải thiện mức sinh hoạt của gia đình. Tuy vậy, tôi nghĩ, mức lương cơ sở tăng nhưng giá cả thị trường phải được giữ ổn định thì việc tăng lương mới có giá trị với người lao động”.

Bên cạnh cán bộ, công chức, viên chức thì người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn và tổ dân phố cũng là nhóm đối tượng được điều chỉnh mức trợ cấp khi lương cơ sở tăng. Theo đó, Nghị định số 24/2023/NĐ-CP quy định, kể từ ngày 1/7/2023, mức lương cơ sở dùng làm căn cứ tính mức phụ cấp và thực hiện các chế độ khác theo quy định của pháp luật đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn và tổ dân phố.

Chị Nguyễn Thị Đức đang đảm nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch Hội LHPN phường Nam Hồng (thị xã Hồng Lĩnh). Hằng tháng, chị Đức nhận được phụ cấp hơn 1,9 triệu đồng.

Cán bộ, công chức Hà Tĩnh mong giá hàng hóa không “té nước theo lương”

Được tăng phụ cấp, chị Nguyễn Thị Đức - Phó Chủ tịch Hội LHPN phường Nam Hồng (thị xã Hồng Lĩnh) phấn khởi và có thêm động lực gắn bó với công việc.

Chị Đức cho biết: “Sau khi được tăng phụ cấp, tôi nhận được hơn 2,3 triệu đồng/tháng. Cũng như nhiều người hoạt động không chuyên trách trên địa bàn thị xã, tôi cảm thấy phấn khởi và có thêm động lực để gắn bó với công việc”.

Cán bộ, công chức Hà Tĩnh mong giá hàng hóa không “té nước theo lương”

Hướng dẫn người dân thực hiện thủ tục hành chính tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả phường Đức Thuận (TX Hồng Lĩnh).

Ngoài điều chỉnh tăng lương cơ sở, Chính phủ trình Quốc hội tăng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội cho các đối tượng do ngân sách Nhà nước chi trả với mức khoảng 12,5% và hỗ trợ thêm đối với đối tượng nghỉ hưu trước năm 1995 có mức hưởng thấp. Đồng thời, tăng trợ cấp ưu đãi người có công và tăng các chính sách an sinh xã hội đang gắn với lương cơ sở khoảng 20,8%.

Bà Bùi Thị Kim Len ở TDP 5, phường Bắc Hà (TP Hà Tĩnh) cho biết: “Tôi về hưu gần 14 năm. Mỗi tháng, tôi nhận 4,9 triệu đồng lương hưu. Với việc tăng lương cơ sở mới tôi sẽ nhận hơn 5,5 triệu đồng (tăng hơn 600 ngàn đồng). Mặc dù theo dự kiến đến tháng 9 chúng tôi mới được khoản lương tăng nhưng tôi vẫn thấy rất vui. Tôi cũng như các cán bộ hưu trí chỉ mong giá cả bình ổn để việc tăng lương thật sự có ý nghĩa”.

Cán bộ, công chức Hà Tĩnh mong giá hàng hóa không “té nước theo lương”

Tăng lương cơ sở lần này có ý nghĩa và nguồn động viên lớn đối với bà Bùi Thị Kim Len ở TDP 5, phường Bắc Hà (TP Hà Tĩnh)

Việc tăng lương cơ sở theo Nghị định số 24/2023/NĐ-CP của Chính phủ không chỉ là niềm vui của riêng cán bộ, công chức, viên chức mà còn là niềm động viên lớn cho những người tham gia BHXH, BHYT. Ngoài ra, còn có nhiều khoản trợ cấp BHXH khác cũng tăng theo lương cơ sở như trợ cấp một lần khi chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; mức hưởng dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau điều trị thương tật, bệnh tật; trợ cấp mai táng; trợ cấp tuất hằng tháng…

Chủ đề Chủ trương - Chính sách

Đọc thêm

Chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 11

Chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 11

Bỏ quy định ghi hình cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ; tăng trợ cấp quân nhân xuất ngũ; nới điều kiện xây trường là những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 11.
Giảm nghèo ở Cẩm Xuyên: Khi “cần câu” cho “xâu cá”

Giảm nghèo ở Cẩm Xuyên: Khi “cần câu” cho “xâu cá”

Đa dạng hỗ trợ các mô hình sinh kế, đẩy mạnh đào tạo nghề..., huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) đang thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, giúp người dân phát triển kinh tế, vươn lên xóa nghèo.
Kỳ vọng từ việc sửa đổi, bổ sung chính sách hỗ trợ hoạt động bảo vệ môi trường

Kỳ vọng từ việc sửa đổi, bổ sung chính sách hỗ trợ hoạt động bảo vệ môi trường

Việc kịp thời sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 97/2022/NQ-HĐND của HĐND tỉnh Hà Tĩnh về một số chính sách hỗ trợ hoạt động bảo vệ môi trường được kỳ vọng sẽ nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của các tổ chức, cá nhân trong triển khai hoạt động bảo vệ môi trường, góp phần xây dựng tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2025.