Hiện tượng sình lầy bắt đầu xuất hiện từ 6-7 năm nay
Hiện nay, hơn 7 ha đất ruộng thuộc đất sản xuất của người dân 2 thôn Hải Đông và Vân Thanh Bắc (xã Cổ Đạm), nằm dưới chân hồ chứa nước Xuân Hoa đang phải bỏ hoang, cỏ dại mọc um tùm.
Theo nhiều người nông dân, vùng đất này trước đây là ruộng cạn. Mỗi năm người dân sản xuất 2 vụ, đất tốt nên trồng lúa cho năng suất cao. Tuy nhiên, khoảng 6-7 năm trước, đất ruộng xung quanh khu vực hồ chứa nước Xuân Hoa bắt đầu bị sình lầy, hễ bước chân vào là bị lún sâu, ban đầu chỉ bị một vùng nhỏ, sau đó lan rộng dần và tới nay đã lên đến 7 ha.
Đươc biết, diện tích đất bị sình phải bỏ hoang thuộc đất sản xuất của 38 hộ dân. Đất bị sình nên người dân không thể đưa trâu bò, phương tiện máy móc vào sản xuất. Điều này gây ra nhiều khó khăn cho cuộc sống của bà con bởi trồng lúa là hoạt động sản xuất chính của người dân ở đây.
Nhiều khu vực bị sình, lún sâu nên không thể đưa trâu bò hay máy móc vào sản xuất
Ông Trần Văn Quang (thôn Hải Đông, xã Cổ Đạm) cho hay: “Nhìn đất đai bị bỏ hoang, người nông dân như chúng tôi không có đất để canh tác, nóng ruột lắm. Chúng tôi trồng lúa trên đất này hàng chục năm rồi, mỗi năm 2 vụ nhưng từ 3 năm nay thì phải bỏ hoang vì không thể vào cày bừa.
Vụ xuân năm 2019, tôi còn cố làm được vài sào, nhưng năm nay không thể. Có một số khu vực, bước chân vào là bị lún qua đầu gối rồi. Cả gia đình tôi có gần 2 mẫu đất sản xuất thì hơn 1 mẫu thuộc khu bị sình lầy này, trong khi kinh tế gia đình chủ yếu phụ thuộc vào làm ruộng”.
Hơn 7 ha đất sản xuất của người dân phải bỏ hoang vì sình lầy
Theo ông Cao Hữu Thông - cán bộ nông nghiệp xã Cổ Đạm, diện tích đất trồng lúa toàn xã khoảng 408 ha, trong đó, hơn 7 ha bị sình lầy. Trong số diện tích đất bị lầy phải bỏ hoang hiện nay, có 4,5 ha là của người dân thôn Hải Đông, còn lại là của thôn Vân Thanh Bắc.
Người nông dân buồn bã nhìn đất bỏ hoang
Ông Phan Đình Ca - Phó Chủ tịch UBND xã Cổ Đạm cho biết: “Hiện tượng đất nông nghiệp bỗng dưng bị sình lầy, sụt lún khiến người dân gặp khó khăn vì không có đất sản xuất. Hiện tại, địa phương cũng không còn quỹ đất để hỗ trợ sản xuất cho bà con. Hiện tượng này xuất hiện từ lâu nhưng khoảng 3 năm nay bắt đầu lan rộng với tốc độ nhanh. Chính quyền và người dân đang lo sợ rằng hiện tượng này còn tiếp tục lan rộng.
Trước tình hình đó, UBND xã đã làm tờ trình gửi lên huyện Nghi Xuân. Chúng tôi rất mong các cấp, các ngành chức năng sớm tìm ra nguyên nhân của hiện tượng này và cùng với địa phương xem xét giải pháp hỗ trợ người dân đảm bảo sản xuất, ổn định cuộc sống”.