Chuyện bếp núc của những người độc thân

Đối diện cuộc sống độc thân và nếm trải nó, hầu hết những người trong cuộc đều ngại chuyện bếp núc. Vừa vì tâm lý, vừa do môi trường thay đổi, nên những người độc thân thường tiện đâu ăn đó, nấu nướng qua loa, tạm bợ. Theo đó, góc bếp của họ cũng muôn phần thú vị.

Chuyện bếp núc của những người độc thân

Độc thân vào bếp

Sau ly hôn, anh Vũ Văn Lanh (48 tuổi, An Dương, Hải Phòng) bước vào cuộc sống độc thân với tâm trạng “mình ta với đời”. Vốn tính tự lập từ trước tới nay nên khi sang “môi trường sống” mới, anh Lanh hòa nhập rất nhanh. Mọi công việc kinh doanh cho tới đi chợ, nấu nướng anh đều làm tốt. Gian bếp của anh Lanh thậm chí còn là nơi trổ tài nấu nướng của những người cùng cảnh ngộ bởi tiện ích và gia chủ vui tính.

Dẫn vào nhà bếp ngổn ngang nồi niêu xoong chảo, bát đĩa nhưng cái gì cũng bé xíu xiu, anh Lanh cười hiền kể: “Đời độc thân cũng có cái thú của nó, trong đó sướng nhất là mua cái gì cũng không tốn kém vì… bé”.

Theo lời anh Lanh, độc thân có cái vui và cũng có cái buồn. Vui vì ăn lúc nào cũng được, thích ăn gì thì ăn, thích rửa bát lúc nào thì rửa vì không ai quản thúc giờ giấc, theo bữa. Buồn vì sống một mình nên nhiều khi muốn làm bữa cải thiện to to tí cũng chẳng có ai ăn cùng. Lắm lúc vớ được đồ tươi ngon muốn làm cho hoành tráng phải gọi hàng xóm sang hỗ trợ. Điều đặc biệt là xóm có tới 3 bà độc thân giống anh Lanh nên ai cũng không cảm thấy ngại mỗi khi kéo sang nhà nhau nấu nướng, hát hò.

Anh Lanh cười nheo mắt khoe: “Tiếng là độc thân nhưng”team“của tôi rất chỉn chu bếp núc. Nhà ai cũng đầy đủ vật dụng nấu nướng nên mỗi khi liên hoan, sinh nhật, ới cái là nồi nọ, bếp kia tập trung đông đủ. Hàng xóm ở đây còn đặt cho chúng tôi cái tên rất hay”Hội độc thân vui tính“”.

Không được lạc quan như anh Lanh, anh Phạm Văn Minh (48 tuổi, công chức nhà nước sống một mình trong khu nhà tập thể ở An Dương, quận Lê Chân, Hải Phòng) lúc nào cũng phải từ chối khách tới nhà vì… lười dọn dẹp. Có lần, đồng nghiệp đến thăm anh Minh ốm đã không khỏi ái ngại cho căn hộ dễ đến 1 năm không ai dọn dẹp. Thấy dưới sàn bếp vương vãi mì tôm, chậu rửa lem nhem rác, bát đĩa mốc meo, nồi niêu bẩn thỉu…, mấy cô cùng phòng bảo nhau, xắn tay dọn dẹp giúp. Nắm được ý nghĩ của mọi người, anh Minh giọng buồn buồn tâm sự: “Bình thường tan làm hay la cà bia rượu với mấy ông bạn rồi về tắm, ngủ. Nhưng đợt này ốm, không lê ra ngoài nhậu nhẹt được nên phải tự mò dậy nấu mì tôm ăn”.

Theo lời anh Minh, từ ngày bị “vợ bỏ”, anh gần như lấy quán làm nhà, ngày ngày 3 bữa “cơm hàng, cháo chợ” hoặc cùng lắm “nấu một bữa, ăn cả ngày”. Chuyện bếp núc anh chẳng có gì đáng kể ngoài… rất bẩn.

Cái gì cũng nhỏ xinh vì độc thân

Rất nhiều người sau ly hôn khi được hỏi về đặc điểm gian bếp và chuyện vào bếp của người độc thân, hầu hết đều trả lời: “Cái gì cũng bé, xinh và thích ăn gì nấu đó”.

Ký vào đơn thuận tình ly hôn chưa đầy một tháng, chị Võ Thị Minh Hương (40 tuổi, ở Hải Phòng) chủ động tìm mua một căn nhà nhỏ và đón con gái lớn về ở cùng. Mọi đồ đạc, tài sản trong ngôi nhà chung trước kia, chị Hương để lại cho con trai và chồng cũ sử dụng. Với tâm lý khi về nhà mới, chị Hương cũng thích được sử dụng đồ mới nên đã mạnh tay sắm sửa một loạt đồ dùng từ giường tủ đến bếp núc. Tuy nhiên, đồ đạc mà chị Hương chọn đều có kích cỡ nhỏ hơn thông thường.

Gian bếp của mẹ con chị Hương là chốn thể hiện rõ nhất sự thay đổi trong đời sống sau ly hôn. Ngay chiếc bếp đun nấu, chị Hương cũng chọn chiếc bếp từ đơn bằng quyển vở học sinh cùng bộ đồ nấu xinh xinh đủ cho 2 mẹ con dùng. Chiếc tủ lạnh cũng không còn cồng kềnh như lúc sống cùng chồng, thay vào đó là chiếc tủ 216 lít với cơ man là thức ăn, đồ trái cây, ăn vặt theo sở thích của 2 mẹ con.

Chỉ tay vào góc bếp, nơi đặt chiếc nồi cơm điện mới tinh, chị Hương khoe: “Nhà có ai đâu, quay ra quay vào chỉ có hai mẹ con nên tôi mua cái nồi 1,2 lít cho tiện. Mua loại 1,8 lít như lúc trước chỉ tổ tốn điện, dính nồi, nấu không bõ. Ngay cả cái bàn ăn cũng không cần vì nhà chật, chỉ có ta với ta nên nấu xong, kê 2 cái ghế cao vào bàn bếp ngồi ăn luôn cho nhanh. Nói chung, sống độc thân mọi thứ giản tiện đi khá nhiều. Nếu không có cô con gái ở cùng, chắc một tuần may có một bữa mình nấu cơm nhà vì rất ngại”.

Trầm giọng chút, chị Hương chia sẻ: “Lúc mới được”tự do“, mình thấy thoải mái nhất là ăn ngủ vô tội vạ, không phải nấu món người khác thích, cũng không phải”nấu đúng giờ, ăn đúng bữa“như trước. Thay vào đó, thời gian tan làm, mình đi tập thể dục, chăm sóc bản thân, mua sắm hoặc cùng con gái xem phim…”.

Theo lời chị Hương, con gái lớn cũng đã 15 tuổi và thích nghi môi trường sống khá nhanh. Trưa hầu hết chị đều hẹn con gái về cơ quan ăn cùng mình ở quán đối diện chỗ làm. Chiều tối, ai về trước thì nấu cơm. Hôm nào mệt hay vướng bận công việc, hoặc học thêm của con thì tự do ăn ngoài quán. Thi thoảng bạn bè kéo đến nhà liên hoan, chị Hương yêu cầu mọi người mang theo nồi niêu, bát đĩa và ai cũng tỏ ra hứng thú với kiểu liên hoan tự phục vụ như thế này.

Cũng lựa chọn cuộc sống độc thân sau ly hôn nhưng chị Phương Thanh (44 tuổi, ở Hà Nội) lại thường đầu tư cho bếp núc. Dường như mọi niềm vui của chị Thanh đều dành cho ẩm thực nên bữa ăn nào cũng thấy ấm áp, ngọt ngào. Không chỉ nấu ăn cho ngon, chị Thanh còn cầu kỳ trang trí món ăn rất bắt mắt. Thậm chí có hôm chị còn đặt một bình hoa lên bàn ăn để chụp ảnh đưa lên Facebook, nhiều bạn bè trêu “nhìn như bữa ăn của 7 chú lùn” vì mỗi chén, đĩa đều xinh xinh bé nhỏ.

Chị Thanh kể: “Dù sống một mình nhưng mình vẫn thích được chăm chút gian bếp vì đây là nơi khiến mình”phải“quay về mỗi chiều tan sở. Mình sợ bếp dơ, lạnh lẽo nên cố gắng bật bếp nấu nướng. Có những hôm ngẫu hứng nấu nhiều món vì rảnh rỗi, xong chẳng biết gọi ai ăn cùng nên đem chia cho bác bảo vệ dưới tòa nhà. Kể sống một mình cũng vui vì tự do, thoải mái nhưng sợ nhất là mỗi khi ốm, thèm được bát phở hay bát cháo mà khó khăn ghê. Hàng xóm thì đi làm suốt, có nhà sát cạnh thì vợ lại đi vắng, mỗi mình ông chồng và con ở nhà, mình không dám gọi điện nhờ mua cháo vì sợ hiểu lầm”.

Thế nhưng, cái giá của “tự do” là cô đơn, như anh Lanh tâm sự: “Chiều xuống, trở về nhà mới thấy rõ sự trống trải. Những lúc như vậy, rất thèm được có ai đó để nói chuyện cho đỡ quạnh hiu”.

Gần đây, con gái út của anh đã dọn về ở với bố và Tết đến, hai bố con thường đi du lịch từ 28-29 Tết. Anh tâm sự: “Thành thói quen từ ngày ly hôn, cứ 29 Tết là cha con xách va li đi du lịch, vừa trốn được việc ăn uống chúc tụng, vừa khỏi phải dọn dẹp, nấu nướng suốt mấy ngày. Thế là vui”.

Theo Gia đình và Xã hội

Đọc thêm

Tới thời Gen Z quản cha mẹ

Tới thời Gen Z quản cha mẹ

Những đứa con từng bị cha mẹ giám sát kỹ càng giờ đây đảo ngược vai trò. Nhiều người cảm thấy khó chịu, số khác thấy đây là cách để gắn kết gia đình.
Gen Z định nghĩa lại văn hóa rượu bia

Gen Z định nghĩa lại văn hóa rượu bia

Khi bắt đầu làm bartender 20 năm trước, Zhang Yuan thường thấy khách độ tuổi 30-40 uống rượu xã giao trong công việc, nhưng nay mọi chuyện đã thay đổi.
Bao nhiêu tuổi kết hôn là phù hợp?

Bao nhiêu tuổi kết hôn là phù hợp?

Kết hôn khi quá trẻ, cả hai người đều chưa chín chắn, trưởng thành có thể dẫn đến ly hôn, nhưng chờ đợi quá lâu cũng gây ra nhiều vấn đề.
6 yếu tố nguy cơ gây ung thư ở người trẻ

6 yếu tố nguy cơ gây ung thư ở người trẻ

Hệ vi khuẩn đường ruột thay đổi, ô nhiễm không khí, vi nhựa, béo phì, uống rượu và tiêu thụ thực phẩm siêu chế biến có thể là yếu tố nguy cơ gây ung thư ở người trẻ.
8 lời khuyên ăn uống giúp sống thọ

8 lời khuyên ăn uống giúp sống thọ

Ăn đa dạng, phối hợp đạm động vật và thực vật, không ăn mặn, tiêu thụ rau quả hàng ngày, là những nguyên tắc được chuyên gia dinh dưỡng khuyên giúp sống thọ.
Người trẻ sợ nghe, gọi điện thoại

Người trẻ sợ nghe, gọi điện thoại

Khảo sát công ty tuyển dụng quốc tế Robert Walters (Mỹ) cho thấy 50% Gen Z và thế hệ Millennials không thoải mái nếu phải thực hiện cuộc gọi thoại trong công việc.
Vì sao ít người Nhật bị béo phì?

Vì sao ít người Nhật bị béo phì?

Theo Tổ chức Y tế thế giới, tỷ lệ béo phì ở người trưởng thành Nhật Bản thấp nhất trong số các quốc gia có thu nhập cao, ở mức 3,3%.
Bẫy tâm lý khi lệ thuộc Google

Bẫy tâm lý khi lệ thuộc Google

Chúng ta có thói quen tra cứu trên Google và thường xem kết quả đầu tiên tìm được mà không đào sâu vào độ tin cậy của thông tin.